Lực lượng vũ trang của Nga có thể sẽ quay trở lại Cuba và Việt Nam, nguyên nhân của sự việc này được cho là do ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Trong trường hợp đạt được thoả thuận cụ thể giữa Havana và Hà Nội, Moscow cần được quyền sử dụng các căn cứ quân sự ít nhất 30 năm, hãng tin RIA Novosti phỏng vấn chuyên gia quân sự, tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng”, ông Igor Korotchenko.
Lực lượng vũ trang Nga cần được sử dụng ít nhất 30 năm các căn cứ của Cuba và Việt Nam
Ông đã cho ý kiến của mình về phát biểu của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Nikolai Pankov, người đã phát biểu trong trong Hạ viện Nga rằng, Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét về vấn đề quay trở lại Cuba và Việt Nam, nơi mà trước đây Liên Xô cũ đã từng có căn cứ quân sự của mình.
“Sự trở lại của Lực lượng vũ trang Nga ở Cuba và Việt Nam là một bước đi nhằm đối phó trước những vấn đề biến động của tình hình quân sự - chính trị trên thế giới.
Sau khi đạt được thoả thuận phù hợp, Nga sẽ tập trung các cơ sở dữ liệu để đảm bảo hoạt động tại các căn cứ quân sự của mình ở hai nước, Nga sẽ hợp tác và thuê chúng ít nhất 30 năm tới”, ông Korochenko cho biết.
Chuyên gia quân sự lưu ý rằng, ngoài việc mở rộng trung tâm tình báo, tác chiến điện tử của Nga ở Lourdes (Cuba) và căn cứ hậu cần kỹ thuật của hải quân ở Cam Ranh (Việt Nam), Hải quân Nga sẽ quan tâm đặc biệt tới căn cứ Cienfuegos (Cuba), đây là nơi neo đậu các tàu ngầm hạt nhân và bổ sung các yếu phẩm thiết thực.
“Tất nhiên quyết định này cần phải tiếp tục đàm phán ở cấp độ cấp cao, gồm các nhà lãnh đạo Nga, Cuba và Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng công việc đang đi đúng hướng, Bộ Quốc phòng sẽ thành công trong tương lai gần”, ông khẳng định thêm.
Trước năm 2002, Cuba là trung tâm thu chặn sóng vô tuyến (tên chính thức là Trung tâm điện tử của Nga Lourdes). Trung tâm này cho phép ngăn chặn các dữ liệu truyền từ vệ tinh của Mỹ, cáp viễn thông trên mặt đất cũng như các tin nhắn từ trung tâm NASA ở Florida.
Ngày 17 tháng 10 năm 2001, tại cuộc họp kín, Bộ Quốc phòng đã quyết định đóng cửa căn cứ quân sự ở Lourdes. Theo số liệu thống kê chính thức, hàng năm Nga phải chi khoảng 200 triệu USD để đảm bảo hoạt động của căn cứ này.
Cũng trong thời gian đó, căn cứ của Hải quân Nga ở Cam Ranh cũng đã tạm ngừng hoạt động.
Theo như thoả thuận ký kết giữa Moscow và Hà Nội năm 1981 (hiệu lực được kéo dài đến năm 2004), hạm đội Hải quân Nga đã nhận được hai bến tàu lớn có thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cho tàu chiến và tàu ngầm, khoảng 30 cơ sở hạ tầng gần bờ hỗ trợ đầy đủ cuộc sống bình thường của các binh lính và đường băng cho tất cả các loại máy bay.
Cam Ranh từng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong kế hoạch của Hải quân Nga, chúng cung cấp các điều kiện thiết yếu để tàu chiến Nga có thể nhanh chóng xuất hiện ở Ấn Độ Dương và Vịnh Ba Tư.