Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7/10 công kích giọng điệu “bài Nga gay gắt” của ông Joe Biden nhưng lại đánh giá cao bình luận của ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ của Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí [giữa Nga và Mỹ].
Tổng thống Putin cho biết ông cảm thấy tiếc khi ông Trump thất bại trong việc cải thiện mối quan hệ Nga-Mỹ, nhưng điều này cũng là vì ở Mỹ có một sự nhất trí ở cả 2 đảng rằng cần phải kiềm chế sự phát triển của Nga.
Một số nhà quan sát cho rằng, bình luận của Tổng thống Nga Putin, dường như là nhằm nhiều mục đích: vừa khéo léo thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống đương nhiệm của Mỹ, vừa tìm mở ra một con đường mới trong trường hợp ông Biden đắc cử.
Tuy nhiên, một số chuyên gia dự đoán mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ vẫn “ảm đạm” và Moscow sẽ phải chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài ít nhất 4 năm nữa với Washington, bất kể Tổng thống Donald Trump hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới.
Donald Trump với Nga
Trong 4 năm qua, chính quyền Tổng thống Trump đã tỏ ra cứng rắn với Nga theo nhiều cách khác nhau. Mỹ liên tục thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức và công ty Nga, ngăn chặn các dự án khí đốt của Nga ở châu Âu và tìm cách lôi kéo một số nước láng giềng châu Âu của Nga thông qua việc bán vũ khí. Tuy nhiên cá nhân ông Trump lại là một vấn đề khác.
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 9, Giám đốc Cơ quan điều tran liên bang (FBI) Christopher A. Wray cho biết ông tin rằng Nga một lần nữa “rất tích cực” tìm cách tác động đến cuộc bầu cử của Mỹ, đặc biệt là để “hạ thấp” ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Điều này khiến Tổng thống Trump khó chịu, nhưng ông Wray không phải là quan chức đầu tiên trong chính quyền Mỹ liên hệ thành công chính trị của ông Trump với các chiến dịch của Nga.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từng tuyên bố ông đã lo sợ khi để Tổng thống Trump ở một mình với Tổng thống Nga Putin tại hội nghị thượng đỉnh năm 2018, thậm chí cáo buộc rằng ông Trump không thích nêu vấn đề can thiệp bầu cử trong các cuộc trò chuyện riêng tư giữa ông với nhà lãnh đạo Nga.
Chuyên gia về chính sách châu Âu thuộc viện Brookings, bà Alina Polyakova, nói với Today’s WorldView rằng, dù chính quyền ông Trump có những bước đi cứng rắn nhằm vào Nga, nhưng Nhà Trắng dưới thời ông Trump đã không thể hiện một lập trường mạnh mẽ chống lại Nga.
Theo bà, Nga đã rất khéo léo tận dụng sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump cũng như việc bản thân ông Trump dường như không muốn đối đầu với Tổng thống Nga Putin.
Joe Biden với Nga
Hầu hết các chuyên gia cho rằng nếu đắc cử tổng thống, ông Biden sẽ gia tăng sức ép với Nga và phối hợp chặt chẽ hơn với các đối tác châu Âu - những nước có đường lối cứng rắn hơn [với Nga].
Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga do Điện Kremlin sáng lập, cho rằng: “Nếu Biden đắc cử, Nga sẽ phải đối mặt với một mặt trận thống nhất của phương Tây chống Nga”.
Trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên ngày 29/9, ông Biden đã gọi ông Trump là “con rối của Putin”, trong khi bác bỏ cáo buộc của Đảng Cộng hòa cho rằng con trai ông, Hunter Biden, đã nhận khoản thanh toán bất hợp pháp 3,5 triệu USD từ vợ của cựu thị trưởng Moscow. Trong một chương trình của CNN vào tháng trước, ông Biden đã gọi Nga là “đối thủ” của Mỹ.
T.J. Ducklo, người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Biden nói với Axios hồi tháng 9 rằng” “Chính quyền Biden sẽ đối đầu với Nga, dù chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì sự ổn định chiến lược. Không giống như chính quyền hiện nay vốn chưa bao giờ coi trọng mối đe dọa từ Nga, ông Joe Biden sẽ tập hợp các đồng minh của Mỹ trong một mặt trận thống nhất để răn đe Nga”.
Trump hay Biden đắc cử đều không có lợi cho Nga
Ở Nga, có một quan điểm đồng thuận rằng, nếu đắc cử, cả ông Trump và ông Biden đều sẽ không cải thiện quan hệ với Nga. Thậm chí, sự phân cực chính trị ngày càng sâu sắc ở Mỹ sẽ gây bất ổn cho việc ra quyết định chính sách đối ngoại của Washington trong tương lai gần.
Trong một hội thảo trực tuyến gần đây, ông Dmitri Trenin thuộc Trung tâm Carnegie Moscow nói rằng: “Cả hai kết quả đều sẽ không tốt cho Nga. Tôi cho rằng mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ tiếp tục xấu đi. Nếu ông Trump thắng, Mỹ sẽ tăng cường trừng phạt Nga, thậm chí còn chặt chẽ hơn cả năm 2016. Nếu ông Biden thắng, ông ấy sẽ chứng tỏ với thế giới rằng ông ấy không phải là ‘con rối của Putin’ và ông ấy coi Nga là một vấn đề nghiêm trọng”.
Andrey Kortunov - Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, một tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận định: “Kỳ vọng vào quan hệ với Mỹ là rất thấp bất kể ai giành chiến thắng vào tháng 11 tới... Nhiều người nhận thấy các mối quan hệ sẽ không thể tốt đẹp hơn trong tương lai gần cho đến khi ít nhất là Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Tuy nhiên, mọi thứ chưa chắc đã tồi tệ hơn vì quan hệ Nga-Mỹ hiện cũng đang ở mức rất thấp”./.