Ngày 8/5, tại TPHCM, Bộ Công thương đã tổ chức diễn đàn Thương mại Việt Nam – Đông Âu, với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản, dệt may và da giày Việt Nam vào các nước Đông Âu trong tình hình mới”.
Khu vực Đông Âu từ lâu đã là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam. Sau một thời gian dài thương mại trầm lắng, gần đây kim ngạch giữa Việt Nam với khu vực này đã có những bước tiến triển mạnh mẽ.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, thương mại song phương của Việt Nam với khối Đông Âu tăng trưởng trung bình khoảng 30%, năm 2018 đạt hơn 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD và nhập khẩu đạt vào khoảng gần 4 tỷ USD.
Đánh giá cao thị trường Việt Nam, ông D.Makarov, Trưởng chi nhánh Hồ Chí Minh, Cơ quan đại diện thương mại Nga tại Việt Nam thông tin, năm 2018 Việt Nam giữ vị trí thứ 23 trong thương mại quốc tế của nước Nga. Còn đối với Việt Nam, Nga giữ vị trí thứ 20 trong các nước đối tác thương mại của Việt Nam trong năm 2018.
“Như vậy thì vai trò mối quan hệ thương mại giữa 2 nước ngày càng tăng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của LB Nga trong các nước ASEAN. 1/3 kim ngạch xuất khẩu, cũng như kim ngạch nhập khẩu của LB Nga với các nước Đông Nam Á do Việt Nam nắm giữ”- ông D.Makarov nói.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Đông Âu diễn ra ngày 8/5 tại TPHCM thu hút rất đông sự quan tâm của các doanh nghiệp
Ông D.Makarov cũng thông tin thêm, gần đây có thông tin những nhà kinh doanh Nga muốn chuyển nhà máy may dệt may của mình từ Trung Quốc vào Việt Nam và bố trí đặt may quần áo, da giầy tại những doanh nghiệp Việt Nam.
Họ cho rằng hàng làm ở Việt Nam sẽ có cầu tiêu thụ tại LB Nga. Ông D.Makarov cho rằng đây cũng là cơ hội tốt của ngành may mặc Việt Nam để tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của mình vào LB Nga.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công thương cho rằng, tuy thị trường các nước khu vực Đông Âu còn nhiều tiềm năng có mức phát triển GDP trung bình tương đối cao, các mặt hàng tiêu dùng ở đây không có nhiều các tiêu chuẩn khắt khe như các nước tây Âu.
Tuy vậy, nhìn chung xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường này còn chưa ổn định.
Đặc biệt là đối với các mặt hàng gạo, thủy sản và chè là những mặt hàng của các DN Việt cần nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá… để thâm nhập tốt hơn vào các thị trường này.
Nông sản, dệt may, da giầy... là những mặt hàng được ưa chuộng tại Đông Âu
Ông Hoàng Quốc Vượng, thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, mặc dù giữa Việt Nam và các nước khu vực Đông Âu đã hình thành cơ sở vững chắc để phát triển hợp tác song phương, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam với khối Đông Âu vẫn còn rất khiêm tốn, đạt khoảng 6,5 tỷ USD trong năm 2018, tức mới chiếm 3% xuất khẩu của hàng Việt ra thế giới.
Do vậy, Bộ Công thương luôn mong muốn tổ chức thường xuyên các hoạt động nhằm tăng cường sự kết nối giữa VN và Đông Âu, coi đây là cầu nối quan trọng để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh là hàng dệt may, da giày, nông sản sang khu vực này.
“Diễn đàn thương mại Việt Nam - Đông Âu sẽ là dịp để gặp gỡ, trao đổi và cung cấp thông tin hữu ích về thị trường Đông Âu, cập nhật chính sách trong hoạt động thương mại như việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu của VN, cảnh báo và phân tích tác động thị trường tới hoạt động xuât khẩu, từ đó giúp cho các doanh nghiệp xây dựng chiến lược dài hạn trong việc tiếp cận khu vực này” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kỳ vọng.
Được biết, Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm 5 nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan). Trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EVFTA và đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký kết và phê chuẩn, 8 nước trong khu vực Đông Âu đã gia nhập Liên minh Châu Âu (Ba Lan, Séc, Rumani, Bungary, Hungary, Slovakia, Slovenia và Croatia) đang và sẽ tiếp tục đóng góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với khối EU.