Binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống thông tin vệ tinh Starlink
Mặc dù các quan chức Kiev nhiều lần thể hiện sự chưa sẵn sàng nhưng các chính trị gia phương Tây lại tuyên bố rằng, Quân đội Ukraine đã xong phần chuẩn bị cho chiến dịch phản công.
Theo Đại tá Martin O'Donnell, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, cho biết, cho đến nay, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã nhận được khoảng 600 loại vũ khí khác nhau, trong đó có một số loại vũ khí được coi là tiến tiến nhất của phương Tây.
Hệ thống phòng không Patriot
Mỹ và các đồng minh bắt đầu chuyển giao các hệ thống tên lửa Patriot ("người yêu nước") đầu tiên cho Ukraine vào tháng 4/2023. Chỉ một tháng sau, vào ngày 5/5, Ukraine tuyên bố sử dụng Patriot đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh Kinzhal, điều mà giới chuyên gia quân sự Nga khẳng định là "không thể".
Theo thông tin từ Tập đoàn Raytheon, tầm bắn tối đa của các tên lửa tổ hợp Patriot là 160 km; độ cao đánh chặn mục tiêu tối đa hơn 24.000 m và hoạt động ở tốc độ từ Mach 2,8 đến Mach 4, đủ để đánh chặn hầu hết mọi mục tiêu trên không, từ máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và hành trình, đến máy bay chiến đấu và trực thăng.
Patriot của Mỹ được coi là hệ thống phòng không tối tân nhất của phương Tây
So với các dòng tên lửa phòng không khác của NATO, Patriot là một khí tài phức tạp. Các hệ thống điện tử bao gồm một radar AN/MPQ-65 được thiết lập để quét tìm mục tiêu, một trung tâm điều hành/kiểm soát chiến đấu, cột ăng-ten cao 31 mét và hệ thống cấp nguồn điện EPP-III di động có công suất 150 kW.
Về khối chiến đấu, mỗi hệ thống được trang bị 6-8 bệ phóng đặt di động nhưng khi triển khai sẽ cố định, do đó thời chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của Patriot mất đến 30 phút. Mỗi bệ gồm được trang bị 4 ống phóng hoặc 16 ống phóng tùy theo loại đạn tên lửa.
Hỏa lực pháo binh
Đầu tiên, Quân đội Ukraine đã nhận được khoảng 30 hệ thống Pháo Phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 và 15 xe pháo phản lực phóng loạt chính xác cao (MLRS) do Mỹ cung cấp, không tính các loại MLRS của những quốc gia NATO khác viện trợ.
HIMARS được coi là một loại vũ khí đáng gờm, với tầm bắn xa và độ chính xác cao. Lực lượng Vũ trang Ukraine đã nhận được các hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) vào mùa hè năm ngoái và đã nhiều lần dùng nó tấn công vào hậu phương của đối phương mà không bị đáp trả.
Pháo Phản lực Cơ động cao (HIMARS) M142 có uy lực rất đáng gờm |
Về cơ bản, quân đội Ukraine đang sử dụng các loại pháo phương Tây, bởi các kho dự trữ của Liên Xô trong Lực lượng Vũ trang Ukraine đã cạn kiệt.
Đến nay, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã cung cấp cho Kiev 17 loại pháo cỡ nòng từ 105 đến 155 mm, với tổng cộng 450-500 khẩu pháo, cả loại xe kéo lẫn pháo tự hành.
Các chuyên gia quân sự lưu ý, mặc dù vài chục lựu pháo M-777 155mm đã bị phá hủy, nhưng với sự hỗ trợ của máy bay không người lái, các lựu pháo này được đưa vào trong hệ thống trinh sát và tấn công tích hợp vẫn gây ra mối đe dọa lớn.
Nhiều chủng loại xe tăng, xe bọc thép
Trong cuộc phản công đã được công bố, Kiev đặt kỳ vọng cao nhất vào các phương tiện bọc thép của phương Tây. Cho đến nay, các nước NATO đã chuyển giao cho Ukraine 7 loại xe tăng chiến đấu chủ lực cơ bản, với 600 chiếc xe tăng và dự kiến sẽ có thêm khoảng 200 chiếc nữa trước cuối năm nay.
Phần lớn, đây là các biến thể khác nhau của xe tăng Liên Xô T-72, nhưng Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng đã nhận được các mẫu xe tăng tiên tiến của Đức, Anh và Pháp, như Leopard 2 của Đức, Challenger 2 của Anh và trong tương lai có cả M1 Abrams của Mỹ hay Lerclec của Pháp.
Đức đã cung cấp xe tăng Leopard 2 và xe bọc thép Marder cho Ukraine |
Các xe bọc thép của phương Tây vẫn chưa được nhìn thấy trên chiến trường, nhưng số lượng của chúng không nhiều, có lẽ Ukraine không muốn để những chiếc xe này gặp rủi ro và sẽ sử dụng chúng để ngắm bắn mục tiêu từ khoảng cách xa.
Ngoài ra, chính quyền Kiev còn có khoảng 600 chiếc xe chiến đấu bộ binh các loại, cũng như 1.300 xe bọc thép chở quân. Những chiếc xe tăng hạng nhẹ Bradley của Mỹ, Marder của Đức, xe tăng bánh lốp của Pháp cũng chưa xuất hiện trong khu vực chiến đấu.
Tên lửa không đối đất tầm xa
Một vũ khí tầm xa thậm chí còn nguy hiểm hơn vừa được Vương quốc Anh viện trợ cho Ukraine là tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow, với đầu đạn nặng tới gần nửa tấn và tầm bắn xa tới 260km, thậm chí phiên bản mới hơn lên đến 500 km.
Ngay sau đó, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã phóng tên lửa tầm xa Storm Shadow vào Lugansk, nơi được coi là thành phố hậu phương, mà trước đó trong suốt một thời gian rất dài, thành phố này đã không nghe thấy những tiếng nổ.
Một đặc tính của Storm Shadow là hệ thống dẫn đường quán tính hỗ trợ GPS và hệ thống so sánh đường viền địa hình. Tên lửa di chuyển đến mục tiêu ở độ cao cực thấp, vì thế các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Nga không thể tiếp cận với nó.
Tên lửa không đối đất Storm Shadow đã thực hiện 2 vụ tấn công vào Lugansk |
Tên lửa được phóng từ máy bay và sau đó hoạt động độc lập, với mục tiêu tấn công được lập trình trước. Mỗi quả tên lửa được trang bị đầu đạn đặc biệt nặng tới 450kg. Mục tiêu là các sở chỉ huy và kiểm soát, sân bay, hải cảng và nhà máy điện, kho đạn dược, tàu nổi và tàu ngầm ở cảng, cây cầu và các đối tượng khác.
Mặc dù London không thể chuyển giao cho Kiev nhiều tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow bởi vì Quân đội hoàng gia Anh chỉ có khoảng một nghìn tên lửa loại này. Tuy nhiên, việc Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận được những tên lửa Storm Shadow được cho là sẽ tạo ra nhiều vấn đề với đối phương.
Thông tin liên lạc, số liệu trinh sát, định vị mục tiêu
Bên cạnh việc thông tin về nhiều loại vũ khí đã được cung cấp cho Kiev được giữ kín, lực lượng vũ trang Ukraine còn nhận được thông tin tình báo trực tiếp từ NATO, tích cực sử dụng các mạng trinh sát và tấn công, dữ liệu vệ tinh, Internet tốc độ cao và liên lạc kỹ thuật số an toàn.
Trong chiến tranh hiện đại, việc được cung cấp số liệu trinh sát đầy đủ, với khả năng định vị mục tiêu theo thời gian thực và mạng kết nối thông tin liên lạc tích hợp, tốc độ cao, đảm bảo luôn thông suốt có thể đóng vai trò quan trọng hơn bất kỳ thiết bị quân sự nào.
Quân đội Ukraine đã được Mỹ cung cấp hàng chục nghìn thiết bị liên lạc thoại vệ tinh, gồm cả thiết bị thông tin chuyên dụng chiến thuật hoặc điện thoại vệ tinh…, cho phép Ukraine truy cập tín hiệu vệ tinh Starlink, để phục vụ thông tin liên lạc trên chiến trường.
Bên cạnh đó, các quan chức Ukraine cũng thừa nhận là khi thực hiện các vụ tấn công bằng HIMARS vào các mục tiêu, họ đã được các vệ tinh quân sự và dân dụng của Mỹ chỉ thị hoặc xác nhận tọa độ mục tiêu để thực hiện đòn đánh chính xác bằng HIMARS.
Do đó, ngay sau khi được Mỹ cung cấp, Ukraine đã thực hiện thành công hàng loạt vụ tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong vùng do quân Nga kiểm soát, trong đó, nổi bật nhất là vụ tấn công đánh vào cầu Crimea (cầu Kerch).
Nga đối phó thành công với vũ khí phương Tây
Tuy nhiên, NATO đã gặp một đối thủ kinh nghiệm và bản lĩnh là Nga, với khả năng công nghệ không hề kém cạnh và chiến thuật tác chiến khôn ngoan, linh hoạt. Trong 15 tháng qua, quân đội Nga đã một mình tìm ra biện pháp hiệu quả để đối phó với hàng trăm loại vũ khí phương Tây.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế thường xuyên được xem các cảnh quay xe bọc thép của NATO bốc cháy vì trúng đạn của súng phóng lựu chống tăng RPG giống như những chiếc xe bọc thép từ thời Liên Xô.
Nga phá hủy khẩu đội pháo M777 155mm của Mỹ ở Ukraine |
Còn tên lửa Javelin rất dễ bị đánh lừa bởi các yếu tố tác động khác nhau. Ngoài ra, tên lửa được phóng từ ống phóng vác vai là rất thất thường và không quen với môi trường bụi bẩn.
Ukraine cần phải tìm cách giải quyết vấn đề với không quân Nga. Đối thủ chính của thiết bị mặt đất không phải là các tên lửa chống tăng điều khiển (ATGM) hay súng phóng lựu chống tăng (RPG) hay chính xe tăng khác, mà là máy bay trực thăng tấn công với vũ khí tên lửa dẫn đường.
Trong cuộc tấn công, xe bọc thép buộc phải hoạt động bên ngoài chiếc ô phòng không. Để giảm thiểu mối đe dọa từ các máy bay Nga, Lực lượng Vũ trang Ukraine phải đưa các hệ thống tên lửa phòng không đến gần tiền tuyến hơn và chính điều này đã khiến chúng bị tấn công.
Theo các chuyên gia quân sự, ngay cả những tổ hợp MLRS M142 HIMARS khét tiếng được phương Tây và Kiev ca ngợi trong thời gian đầu đến Ukraine hiện nay cũng không còn gây ra thiệt hại gì như thời gian sáu tháng trước.
Tạp chí Military Watch Magazine dẫn các nguồn tin từ Lầu Năm Góc đưa tin rằng, Nga đang tăng cường ngăn chặn các hệ thống tên lửa này bằng các biện pháp tác chiến điện tử, khiến hiệu quả của tên lửa dẫn đường GMLRS đã giảm mạnh trong những tuần gần đây, còn các hệ thống phòng không của Nga đạt được thành công lớn trong việc bắn hạ những quả tên lửa này.
Nga tập trung phá hủy các trạm radar, gây nhiễu các thiết bị thông tin của Ukraine |
Các hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh Starlink cũng bị Nga sử dụng các biện pháp ngăn chặn liên lạc hoặc nghe lén thông tin. Các chuyên gia quân sự phương Tây đã xác định được các tổ hợp tác chiến điện tử 14Ts227 Tobol của Nga, vừa có tính năng bảo vệ vệ tinh Nga, vừa chống các vệ tinh phương Tây.
Theo báo cáo của tình báo Mỹ, có 3 địa điểm triển khai tổ hợp Tobol đáng chú ý, gồm một điểm ở bên ngoài thủ đô Moscow, một ở gần bán đảo Crimea và một điểm khác ở Kaliningrad (giáp Ba Lan, Litva và Belarus), có thể được Nga sử dụng để gây nhiễu tín hiệu vệ tinh Starlink.
Hiện nay, những đợt không kích của Ukraine vẫn tiếp tục với nòng cốt là tên lửa Storm Shadow. Sau khi Ukraine nhận tên lửa này từ Anh, hệ thống phòng không của Nga đang được khẩn trương xây dựng lại và mới đây, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lần đầu tiên bắn hạ loại tên lửa này.
Mặc dù Nga chỉ có thể chặn Storm Shadow ở giai đoạn cuối, khi nó phải bay cao hơn để tấn công mục tiêu, nhưng với các tổ hợp phòng không tầm thấp xuất sắc như Pantsir-S hay Tor, Buk…, việc đánh chặn các tên lửa bay với tốc độ không quá cao, số lượng lại ít của Ukraine là điều không quá khó khăn.
Còn tổ hợp phòng không tiên tiến nhất của Mỹ và cả thế giới phương Tây là Patriot hôm 16/5 cũng đã dính đòn đau của tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal, khi loại tên lửa có đầu đạn nặng 450kg, vận tốc Mach 10 của Nga đã phá hủy 5 xe phóng và một xe radar của tổ hợp này.