TASS vừa tiết lộ thông tin bất ngờ liên quan tới kế hoạch phát triển của Hải quân Nga. Theo đó, nước này dự định chế tạo tàu sân bay trực thăng đầu tiên vào năm 2024, thiết kế mới dựa trên tàu đổ bộ Ivan Gren Đề án 11711.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Tổng Công ty đóng tàu thống nhất Nga (USC) - ông Alex Rakhmanov cho hay, tàu lực lượng viễn chinh đầu tiên dựa trên tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn Ivan Gren sẽ được đóng vào năm 2024, nhưng nó cần phải được thiết kế lại.
"Chúng tôi muốn hoàn thành mọi thứ vào năm 2024. Đây là một trường hợp khó khăn vì sẽ cần thiết kế lại nó", vị lãnh đạo USC cho hay.
Có thể nói đây là tuyên bố mới nhất và có vẻ "khả thi" nhất trong số các tuyên bố đóng tàu sân bay trực thăng của Nga sau khi người Pháp "lật kèo" không bàn giao tàu Mistral.
Tuy nhiên, để biến lời nói thành hiện thực thì không phải dễ dàng, bằng chứng là sau khi không nhận được Mistral, tới nay chẳng có kế hoạch đóng tàu sân bay trực thăng nào được thực thi.
Do đó, kế hoạch lần này tuy từ người lãnh đạo cao nhất của USC, nhưng phải nói rằng chưa chắc tới năm 2024 mọi thứ sẽ bắt đầu.
Sự thật bẽ bàng năng lực đóng tàu chiến Nga
Thật vậy, nếu nhìn vào những thành quả của nền công nghiệp đóng tàu quân sự Nga sau khi Liên Xô tan rã thì khó mà tin nổi Moscow có thể chế tạo được tàu sân bay trực thăng thế hệ mới.
Ví dụ như ngay như việc chế tạo tàu đổ bộ Ivan Gren Đề án 11711 mà USC dự định sẽ thiết kế lại để trở thành tàu sân bay trực thăng, nhà máy đóng tàu Yantar phải mất tới 8 năm mới hạ thủy chiếc tàu có lượng giãn nước chỉ 6.600 tấn.
Đó là chưa kể, sau đó Yantar "ngốn thêm" 6 năm để hoàn thiện chiếc tàu đổ bộ "há mồm" kiểu cũ với năng lực kém xa các thiết kế tàu đổ bộ của châu Âu hay thấp hơn là từ Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin truyền thông Nga, lý giải cho tốc độ chế tạo Ivan Gren là do phía nhà máy phải sửa đổi theo yêu cầu từ hải quân.
Không biết họ phải sửa bao nhiêu, nhưng 8 năm để đóng chỉ một chiếc tàu 6.600 tấn là rất khó chấp nhận với một nền công nghiệp đóng tàu thuộc hàng "cường quốc".
Nước Nga mất 14 năm biên chế tàu đổ bộ lớn 6.600 tấn đầu tiên.
Mà đây mới chỉ là một trong vô số ví dụ về sự bệ rạc của nền công nghiệp đóng tàu quân sự Nga. Các đề án đóng tàu hộ vệ 22350 Đô đốc Gorshkov hay 11356P/M Đô đốc Grigorovich có lượng giãn nước khoảng 3.600-4.000 tấn đều mất từ 6-10 năm từ khởi đóng tới biên chế chiếc đầu tiên.
Trong khi đề án 11356P/M từ chiếc thứ 2 trở đi thì tốc độ chế tạo có cải thiện, còn 22350 vẫn đang "dậm chân tại chỗ".
Chiếc thứ hai tàu hộ vệ Đề án 22350 mang tên Đô đốc Kasatonov vẫn đang "nhàn nhã" thử nghiệm trên biển sau 9 năm chế tạo. Cặp tàu thứ hai được khởi đóng từ năm 2012-2013 tới nay chưa thấy đâu.
Dự kiến, cặp thứ 3 khởi đóng ngày 23/4/2019 thì không biết bao giờ mới xong.
Bên cạnh đó, một vấn đề cực kỳ khó khăn nảy sinh với nền công nghiệp đóng tàu quân sự Nga từ năm 2014 khi sáp nhập Crimea, Ukraine đã "cấm vận" xuất khẩu động cơ dùng cho các tàu chiến.
Việc này được cho là đã khiến các kế hoạch chế tạo tàu chiến Nga đình trệ.
Thậm chí, vì không thể mua động cơ từ Ukraine, người Nga bắt buộc phải bán tháo cặp tàu hộ vệ 11356P/M Butakov và Istomin cho Ấn Độ.
Tất nhiên, Nga cũng tính tới giải pháp tự nghiên cứu động cơ hàng hải. Và thực tế họ đã trang bị động cơ nội địa cho tàu hộ vệ 22350 Đô đốc Gorshkov.
Dẫu vậy, "đời không như mơ", theo Mil.Press Today, tháng 2/2018 trong một chuyến thử nghiệm, động cơ diesel 10D49 do Kolomensky Zavod chế tạo (không sử dụng bất cứ thành phần công nghệ nào từ Ukraine) đã gặp sự cố.
Rõ ràng cần phải có thời gian dài để các động cơ "made in Russia" ổn định, đáng tin cậy.
Ngoài thiết kế, động cơ, một vấn đề nữa khiến tham vọng chế tạo tàu sân bay trực thăng của Nga khó thành là việc 30 năm nay các nhà máy đóng tàu mặt nước của Nga không còn chế tạo tàu chiến cỡ lớn.
Chưa kể, mọi tài liệu thiết kế, các cơ sở nền tảng đóng kiểu tàu sân bay trực thăng, tuần dương hạm tên lửa chở máy bay đều nằm tại nhà máy đóng tàu biển Đen, Ukraine – công xưởng hàng không mẫu hạm Liên Xô.
Mọi công nghệ, công xưởng đóng tàu sân bay, tàu sân bay trực thăng đều đang nằm ở Ukraine.
Liên bang Nga hiện không có nhà máy nào từng đóng tàu sân bay trực thăng hay tàu sân bay thông thường. Điều đó có nghĩa là không có kinh nghiệm, không có tài liệu, không có cơ sở chế tạo hoặc ít nhất từng chế tạo.
Thế nên, có lẽ phải là những người lạc quan nhất thế giới mới có tin vào tuyên bố chế tạo tàu sân bay trực thăng vào năm 2024 của lãnh đạo USC.
Dĩ nhiên, chẳng ai có thể ngăn cản được tham vọng của nước Nga, nếu họ thành công thì rất tốt, tuy vậy có thể sẽ mất thời gian "kỷ lục" nếu đóng tàu cỡ 10.000-20.000 tấn.
Chi phí chế tạo cũng là một vấn đề, nước Nga còn nhiều dự án hiện đại hóa thay thế đội tàu thời Liên Xô (cũ), không chỉ mỗi chương trình tàu sân bay trực thăng.
Gạt bỏ niềm kiêu hãnh, mua của Trung Quốc!
Phải chăng đã tới lúc Moscow vứt bỏ "niềm kiêu hãnh cường quốc" như cách mà họ đặt mua tàu đổ bộ Mistral của Pháp. Tuy nhiên, lần này họ có thể chọn Trung Quốc – quốc gia đã chế tạo thành công tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn.
Thiết kế tàu đổ bộ Type 071 cỡ 25.000 tấn của nhà máy đóng tàu Hudong-Zhonghua là hợp lý với Hải quân Nga hiện nay nếu cần di chuyển lực lượng lính thủy cùng trang bị tới vùng biển xa.
Nên chăng nước Nga mua tàu đổ bộ Trung Quốc.
Với lượng giãn nước 25.000 tấn, dài 210m, Type 071 có khả năng chở từ 15-20 xe thiết giáp, 500-800 lính thủy đánh bộ, 2-4 tàu đổ bộ cơ giới nhỏ, chở được tới 4 trực thăng hạng trung.
Năng lực của Type 071 vượt xa đề án 11711 Ivan Gren hiện tại, nó cũng sở hữu thiết kế "thời thượng" – tiệm cận gần hơn với các tàu đổ bộ hiện đại của châu Âu.
Và nhất là việc hiện Trung Quốc có khả năng đóng các tàu đổ bộ lớn với thời gian kỷ lục, phù hợp cho yêu cầu hiện đại hóa Hải quân Nga.
Cụ thể, tốc độ chế tạo của Hudong-Zhonghua hiện là một năm/một chiếc tàu đổ bộ Type 071.
Hoặc nếu như "xấu hổ, tự ti", Nga có thể bắt tay với Trung Quốc "phát triển" phiên bản mới của Type 071 hay là cùng hợp tác dự án đóng tàu sân bay trực thăng Type 075 mà Hudong-Zhonghua đang triển khai chế tạo 3 chiếc đầu tiên.
Theo các nguồn tin rò rỉ, Type 075 có lượng giãn nước 40.000 tấn, dài 250m, chở được tới 30 máy bay trực thăng. Thiết kế của nó khá giống với tàu đổ bộ lớp Wasp của Hải quân Mỹ.
Chắc chắn nếu Moscow đề xuất, Bắc Kinh sẽ gật đầu đồng ý, bởi hơn bao giờ hết Trung Quốc vẫn luôn khao khát công nghệ cảm biến – vũ khí cần thiết cho tàu chiến.
Mà người Nga thì rất giỏi trong việc phát triển radar – vũ khí phòng không hiện đại bảo vệ tàu mặt nước. Đáng tiếc là việc đóng tàu quân sự thì họ không còn giỏi như xưa!
Nói chung, sự kết hợp công nghiệp đóng tàu "bầu trời kỷ lục" của Trung Quốc với sự bù đắp công nghệ điện tử - vũ khí cần thiết từ Nga chắc chắn tạo ra tàu đổ bộ, tàu sân bay trực thăng đáng gờm.
Vấn đề chỉ còn lại là Moscow liệu có sẵn sàng gạt bỏ sự tự ti, niềm kiêu hãnh của "ông lớn" để bắt tay với "học trò láu cá" cùng tạo nên "siêu phẩm"!
Video tàu sân bay trực thăng Moskva Đề án 1123 của Hải quân Liên Xô.