Sẽ không bao giờ có một giải pháp chính trị nào được thực thi; sẽ không có một cuộc đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình nào thành công dù tại Geneva hay thậm chí tại Astana khi chỉ có Nga-Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đồng bảo lãnh…
Bởi đơn giản là có các thế lực nào đó nuôi dưỡng, chỉ đạo, cho cái gọi là lực lượng đối lập kể cả IS và Al-Qeada, không phải là để tìm kiếm một Syria ổn định, độc lập tự chủ, phát triển… mà muốn một Syria vô chính phủ, hỗn loạn…
Vậy thì, thế lực đó liệu có chấp nhận một giải pháp chính trị mà khi chính quyền Assad, chính quyền họ muốn lật đổ, chiếm thế thượng phong trên bàn đàm phán? Liệu họ có muốn cùng với các bên, tổ chức, theo dõi, giám sát một cuộc bầu cử sòng phẳng, dân chủ tại Syria?
Không, không bao giờ, là logic của câu trả lời mà chẳng ai, ngoại trừ kẻ ngốc, trả lời rằng: Có.
Người Nga, người Syria và dư luận có lương tri đều cho rằng, việc Tổng thống Assad phải ra đi hay ở lại là do người dân Syria quyết định chứ không phải do Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia hay Qatar… đồng thanh hô hét, dội bom, khủng bố để buộc "Assad must go"…
Tiêm kích Su-30SM của Nga triển khai tại Syria.
Thực tế Syria là như thế, cho nên hy vọng có một giải pháp chính trị để kết thúc chiến tranh tại Syria trong cục diện chiến trường như hiện nay là hy vọng hão huyền. Người ta đang cố tạo ra một cái "ô chính trị" cho phiến quân chứ không tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Chính vì vậy, tình thế Syria phải có một trận chiến quyết định mà kết quả là đánh quỵ và làm tan rã một trong 2 bên: quân Assad hoặc phiến quân "nổi dậy". Chỉ có như vậy, chỉ có một chiến thắng quân sự quyết định mới kết thúc được chiến tranh.
Cục diện chiến trường…
Quân đội Syria (SAA) và liên quân Nga-Iran-Hezbollah phải chiến đấu với 3 kẻ thù trực tiếp là lực lượng nổi dậy, Al-Qeada Syria và IS.
Lực lượng nổi dậy và IS + Al-Qeada tuy 3 nhưng như là một "liên minh" chiến đấu. Họ có cùng một nhà tài trợ, có cùng một mục tiêu là lật đổ Assad dưới sự chỉ huy của thế lực bên ngoài. Họ không chỉ được cung cấp vũ khí trang bị, tiền bạc mà còn hợp đồng tác chiến với NATO, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ…
Có thể nói, kể từ khi SAA thắng trận Aleppo thì chiến trường Syria đã chuyển sang một bước ngoặt mới. SAA mở rộng vùng giải phóng trong đó là những khu vực tại Homs, Hama và quanh Damascus với những vùng chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt như nguồn nước, các mỏ dầu, khí…
Rõ ràng, tình hình chiến sự hiện nay, lần đầu tiên chúng ta đã thấy SAA đang chiến đấu trên một mặt trận rộng và tất nhiên sẽ có những sự "co giãn" trong tác chiến là không tránh khỏi, nhưng thế trận của SAA là thế trận tấn công, thế trận buộc địch phải co cụm phòng ngự bị động.
Điều thuận lợi là Nga và SAA không phải tính toán, lựa chọn mục tiêu đâu là "ôn hòa", đâu là khủng bố để tấn công mà bây giờ, tất cả đã lộ mặt. Chúng đều là quân khủng bố - đối tượng tác chiến trực tiếp, không thương tiếc của quân đội Syria và VKS Nga.
Xe tăng T-90 của Nga ồ ạt xuất hiện tại Syria.
Idlib - Trận chiến kết thúc chiến tranh Syria?
Idlib, "khối ung nhọt" của Cộng hòa Ả rập Syria cần phải "giải phẫu".
Trên chiến trường Syria, hiện có 3 tuyến chiến lược: Raqqa, Deir Ezzor và Idlib. Trong đó, Raqqa là "thủ đô" của IS, Idlib là căn cứ địa của cái gọi là phe đối lập và khủng bố HTS, còn Deir Ezzor là SAA kiểm soát nhưng đang bị bao vây chia cắt bởi IS.
Deir Ezzor là một thành phố chiến lược nằm ở phía Đông Syria và được bao quanh bởi một số lượng đáng kể các mỏ dầu, khí đốt và...IS. Liên minh do Mỹ đứng đầu đã, đang hỗ trợ cho IS để rất muốn SAA bị IS đánh bật ra khỏi khu vực này.
Tại Deir Ezzor và căn cứ không quân đang được bảo vệ bởi lực lượng Republican Guard (Cảnh sát Cộng hòa) rất thiện chiến và cực kỳ trung thành với Assad. Và, với tình thế này thì IS khó có thể vượt qua được lực lượng SAA đang phòng thủ với sự hỗ trợ của VKS Nga tại đây.
Idlib là một tỉnh lỵ không giống như Aleppo, chủ yếu đồng bằng, nông thôn và rừng núi, là khu vực giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Idlib đã hội tụ hàng vạn chiến binh của các nhóm phiến quân khủng bố, đối lập. Idlib được coi như là căn cứ địa của toàn bộ đối tượng tác chiến của SAA và VKS Nga, là nơi mà các thế lực bên ngoài tuồn lực lượng, vũ khí, hậu cần vào chiến trường Syria lật đổ Assad.
Lính đặc nhiệm Nga hoạt động tại Syria.
Khi SAA đang phát triển mạnh hướng tấn công về phía Đông Aleppo thì một số nhà quân sự cho rằng, Nga và Mỹ đã "chạy đua" thời gian để tranh dành nhau tại Raqqa. Và rằng, SAA chỉ tham gia tấn công Raqqqa chỉ sau khi SAA đã tập trung giải quyết Deir ez Zor…
Tuy nhiên, đòn tấn công bất ngờ của lực lượng tại Idlib vào Hama đã khiến giới quan sát phải thay đổi phán đoán...
Diễn biến không khó để nhận biết Idlib là "căn cứ địa" của trận tấn công này, nó thực sự là một nơi nguy hiểm trực tiếp đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ phía Tây của Assad và là trung tâm bất ổn chính trị, quân sự đối với chính quyền Assad.
Xét về đối tượng tác chiến thì lực lượng này còn nguy hiểm trực tiếp hơn IS bởi tính chất đối đầu và địa bàn đứng chân thay vì như IS ở cách xa và không được các thế lực tài trợ công khai.
Vì thế, nếu như Liên minh chiến đấu do Nga đứng đầu tại Syria có đủ lực lượng để mở một đòn quyết định kết thúc "nội chiến" thì hướng tấn công chiến lược chính là Idlib chứ không phải là Deir Ezzor hay Raqqa.
Chiến dịch giải phóng Idlib thành công là coi như cuộc "nội chiến" kết thúc. Nhưng, quy luật của chiến tranh là, những trận kết thúc, bao giờ cũng rất gay go và quyết liệt.
Idlib là hang ổ cuối cùng của phiến quân, cho nên lực lượng bên ngoài sẽ can thiệp mạnh, thậm chí là trực tiếp, không chỉ tại Iddlib mà các khu vực trọng yếu khác của Assad khi lực lượng mạnh, thiện chiến đã hút về đó. Do đó trận chiến sẽ ác liệt và xảy ra trên nhiều mặt trận.
May mắn cho SAA là tác chiến tại Idlib không phải hoặc rất ít "tác chiến đường phố" – yếu tố bất lợi cho bên tấn công. Phiến quân đông nhưng nhiều tổ chức, ô hợp, nên tính thống nhất không cao, không mạnh.
Điều nữa, căn cứ vào hậu quả, hoạt động tác chiến mà Mỹ và liên minh tại Mosul, Afganixtan đã tạo cho Nga và SAA nhiều tùy chọn phương án tác chiến, sử dụng vũ khí cho đòn tấn công vào Idlib…
Đặc nhiệm Nga tại Syria.
Chiến dịch Idlib nó khác với chiến dịch Aleppo 2 điểm cơ bản:
Một là, về tính chất, đây được coi là trận quyết chiến cuối cùng có tính thành bại thay vì có tính bước ngoặt như Aleppo.
Hai là, về phương án tác chiến, nếu như Aleppo, mục tiêu tác chiến giải phóng là chủ yếu thì chiến dịch Idlib là bao vây, tiêu diệt gọn, tức là đặt thắng lợi quân sự lên hàng đầu và sau đó giải phóng.
Phương châm tác chiến là phải đánh nhanh thắng nhanh, không thể diễn ra vừa đánh vừa đàm, vừa bao vây lại "mở hành lang" như Aleppo…bởi vì IS và các thế lực khác sẽ không ngồi yên mà sẽ tấn công đánh chiếm vùng giải phóng như Deir Ezzor, Palmyra hoặc quanh Damascus…
Nếu như thực hiện phương châm tác chiến này, thì cũng như Mỹ tại Mosul và đặc biệt tại Afganixtan mới đây, VKS Nga buộc phải sử dụng vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất để thắng. Thắng về quân sự là phương án bắt buộc.
Đã có dấu hiệu VKS Nga sử dụng rất mạnh tay vũ khí có sức hủy diệt lớn.
Đã có dấu hiệu cho thấy Nga và Assad đang chuẩn bị chiến dịch khi điều động lực lượng, đặc biệt có hàng ngàn lính từ vùng Chechnya, đội quân thiện chiến chuyên đánh vùng rừng núi, đã xuất hiện tại Syria.
Đã có dấu hiệu VKS Nga sử dụng rất mạnh tay vũ khí có sức hủy diệt lớn, khủng khiếp như Mỹ tại Afghanistan…
Rõ ràng, nếu không giải quyết Idlib thì chính Idlib sẽ khiến cho Nga sa lầy tại Syria là không thể khác.