Trong tuần qua, sự kiện quốc tế nóng nhất chính là việc Hoa Kỳ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (Hiệp ước INF) với lý do Nga đã vi phạm khi âm thầm phát triển tên lửa hành trình 9M729 có tầm bắn vượt quá phạm vi cho phép.
Về phần mình, Moskva cáo buộc ngược trở lại rằng Washington mới là bên vi phạm trước, đồng thời cũng cho biết sẽ ngay lập tức đình chỉ Hiệp ước INF và sớm đưa ra biện pháp đáp trả tương xứng nhằm giành được ưu thế trước đối thủ.
Hành động cụ thể mà Nga triển khai trong tương lai theo lời Tổng thống Vladimir Putin chính là phát triển một phiên bản tên lửa hành trình đối đất siêu thanh dựa trên Kalibr có tầm bắn vượt xa hiện tại, đây có thể chính là biến thể Kalibr-M tầm xa 4.500 km từng được truyền thông nước này nhắc tới.
Gia đình tên lửa hành trình Kalibr sẽ sớm có phiên bản đối đất siêu thanh
Sau khi thông tin trên xuất hiện thì đã có nhiều ý kiến trầm trồ về vũ khí ưu việt của Nga, với tầm bắn lớn và vận tốc khá nhanh (dự kiến Mach 2,9) nó sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến các căn cứ quân sự của Mỹ đặt trên đất châu Âu.
Nhưng gần như tức thì, các nhược điểm của thứ vũ khí tương lai này cũng được xác định, thậm chí còn có thể đi tới nhận định rằng Nga đã bị "lệch trọng tâm" khi tập trung phát triển một thứ vũ khí như vậy.
Sở dĩ có ý kiến trên bởi ưu điểm lớn nhất của tên lửa hành trình đối đất nằm ở khả năng bay rất thấp, có thể luồn lách lợi dụng địa hình địa vật nhằm tránh sự phát hiện của radar để tiếp cận mục tiêu.
Để thực hiện đường bay phức tạp như trên, đạn tấn công sẽ phải có vận tốc dưới âm thì mới đảm bảo độ linh hoạt và thời gian hiệu chỉnh cần thiết khi bay "xuyên giữa khe núi" hay "vượt ngay trên ngọn cây".
Tên lửa hành trình siêu âm không thể bay thấp và vận động linh hoạt như loại dưới âm
Trong khi đó, nếu Nga chế tạo phiên bản Kalibr-M đối đất có vận tốc siêu âm thì gần như chắc chắn nó sẽ phải bay hành trình ở độ cao đủ lớn, vượt lên trên nền địa hình địa vật và thực hiện cú bổ nhào thẳng đứng vào mục tiêu cần phá hủy.
Ngoài ra để đẩy vận tốc lên mức Mach 2,9 - Mach 3, cộng thêm tầm bắn khoảng 4.500 km thì kích thước của tên lửa hành trình Kalibr-M sẽ phải to lớn hơn rất nhiều so với biến thể thông thường 3M-14T hiện nay, khiến cho diện tích phản xạ radar (RSC) tăng vọt.
Đối phó với một vật thể bay có RCS "khủng", hành trình ở độ cao tương đối lớn và vận tốc cũng chẳng phải là quá nhanh (nhất là so với tên lửa đạn đạo) thì Kalibr-M rất dễ trở thành chiếc bia lý tưởng cho các hệ thống tên lửa phòng không đối phương tập bắn.
Một vũ khí tấn công chiến lược như Kalibr-M sẽ bị coi là "cao không tới, thấp không xong" khi nó vừa chẳng mang trong mình ưu điểm của tên lửa hành trình về độ bí mật và đường bay phức tạp, lại thua xa tên lửa đạn đạo ở thông số vận tốc và RCS (khi công kích chỉ còn đầu đạn của tên lửa rơi xuống), có lẽ Nga đã sai lầm khi đặt cược vào quân át chủ bài này.
Tên lửa hành trình đối đất 9M729 được Nga giới thiệu công khai trước các tùy viên quân sự nước ngoài