Lo ngại của Nga
Trang Sputniknews ngày 5/5 đã đặt vấn đề về việc liệu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam hay không và một quyết định như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến vũ khí Nga tại thị trường Việt Nam với Chuyên gia - Giáo sư Đại học tổng hợp Hà Nội Vũ Quang Hiển.
Theo ông Hiển, giá trị chính của việc bãi bỏ lệnh cấm vận nằm trong lĩnh vực chính trị.
Hủy bỏ lệnh cấm vận trước hết nghĩa là bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt Nam và Mỹ.
Đối với các vấn đề trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, Việt Nam sẵn sàng phát triển quan hệ đối tác nhằm tăng cường tiềm năng quốc phòng của mình với tất cả các nước.
Trong khi đó, trong mọi trường hợp, Việt Nam sẽ không gia nhập khối với bất cứ nước nào nhằm chống lại nước thứ ba. Đồng thời, đối tác lâu đời nhất và đáng tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật là Nga.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, vũ khí Nga quen thuộc với những người lính Việt, có giá rẻ hơn so với vũ khí sản xuất ở các nước khác, và được phía Nga bán cho Việt Nam không kèm theo bất kỳ điều kiện nào.
Tiêm kích Su-30MK2 trong Không quân Việt Nam.
Dù vũ khí Nga đang chiếm đa số trong Quân đội Việt Nam nhưng qua một số hợp đồng quốc phòng gần đây giữa Hà Nội và phương Tây đang thực sự khiến Nga lo lắng.
Theo TASS hồi tháng 12/2015, Nga đã bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quân sự-kỹ thuật mới giữa Mỹ và Việt Nam có thể dẫn tới hệ quả là người Việt sẽ dần dần thay thế các thiết bị quân sự của Nga bằng của Mỹ.
Lo ngại của người Nga xuất hiện sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter diễn ra hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6/2015 vừa qua.
Theo nguồn tin này, trong bản Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ sẽ mở đường cho sự mở rộng thương mại trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước, cho phép mở ra khả năng hợp tác trong sản xuất của các công nghệ và thiết bị quân sự mới trong phạm vi của thỏa thuận.
Đặc biệt, chính phủ Mỹ cũng đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam như một phần của nỗ lực mở rộng và nâng tầm quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện của Quốc hội Mỹ John McCain cũng đang thúc đẩy kế hoạch bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí Việt Nam.
Gần tuyệt đối
Thực tế này khiến Nga lo ngại rằng mặc dù Việt Nam đã và đang mua tới hơn 90% thiết bị quân sự từ Moscow, nhưng thỏa thuận mới có thể cho phép Mỹ mở rộng phạm vi của ngành công nghiệp quốc phòng của mình đồng thời làm giảm ảnh hưởng của Nga đối với lực lượng vũ trang Việt Nam.
Theo số liệu phân tích của Trung tâm phân tích mua bán vũ khí TSAMTO của Nga năm 2011 nhận định rằng, hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Nga ở trên mức đối tác chiến lược.
Cụ thể, Việt Nam và Nga đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự có giá trị lớn. Năm 2009, Việt Nam và Nga cũng đã ký kết hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay về việc mua bán 6 tàu ngầm tấn công diesel-điện Kilo
Năm 2006 và năm 2010, Việt Nam đã ký kết các hợp đồng mua tàu tên lửa Gepard 3.9 của Nga. Ngoài ra, phía Việt Nam cũng đã hoàn thành việc ký kết hợp đồng mua 10-12 tàu tuần tra cao tốc Project 10412...
Nếu như trong những năm 2008-2011, tỷ trọng của Nga trên thị trường vũ khí Việt Nam là 92,5%, thì trong những năm 2012-2015, chỉ số này là 97,6%. Trong giai đoạn 2008-2011, trong số các nước nhập khẩu vũ khí Nga, Việt Nam đứng thứ 5 với 1,88 tỷ USD.
Năm 2015, xét về tổng khối lượng các đơn đặt hàng, Việt Nam có thể dịch chuyển lên vị trí thứ 4 với khối lượng xuất khẩu vũ khí Nga sang Việt Nam dự báo đạt 2,46 tỷ USD.
Đa dạng hóa vũ khí
Mặc dù vũ khí Nga vẫn chiếm gần 50% thị phần tại Việt Nam nhưng căn cứ vào những bản hợp đồng quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực máy bay quân sự những năm gần đây của Việt Nam khiến Moscow có lý do để lo lắng.
Cụ thể, thỏa thuận mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 từ châu Âu cho thấy Việt Nam đang có những bước dịch chuyển quan trọng để tìm thêm những nguồn cung cấp vũ khí mới, dần thay thế cho vũ khí Nga.
Theo tạp chí quốc phòng hàng tuần Jane's Defense Weekly, trong năm 2013, Không quân Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua 3 máy bay vận tải quân sự C-295 với trị giá ước tính 100 triệu USD từ hãng Airbus DS của châu Âu.
Theo Jane's thì thỏa thuận trên được coi là hợp đồng quân sự lớn nhất mà Việt Nam ký kết với một nhà cung cấp vũ khí châu Âu, nối tiếp sau hợp đồng mua 3 máy bay tuần thám biển CASA C-212-400 được Việt Nam và Airbus ký kết trong năm 2008.
Trong đó, cả ba máy bay C-2012-400 đều được chuyển giao cho Không quân Việt Nam từ tháng 8/2012 đến đầu năm 2013.
Cả 3 máy bay tuần thám biển C-212-400 đều được Việt Nam biên chế cho Lữ đoàn không quân 918 và hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ của Cảnh sát Biển Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 2012, Hải quân Việt Nam cũng được đầu tư hiện đại hóa phi đội máy bay trực thăng bằng việc đặt mua 2 trực thăng vận tải tầm xa EC-225 Super MK II từ hãng Eurocopter (châu Âu) phát triển cho nhiệm vụ vận tải, trinh sát, tuần tra và tìm kiếm cứu nạn.
Nga sẽ vẫn tiếp tục thống trị thị trường quốc phòng Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần của vũ khí Nga tại Việt Nam sẽ giảm dần trong tương lai.
Nguyên nhân chính là cơ chế chính sách xuất khẩu quốc phòng ngày càng cởi mở hơn từ các hãng xuất khẩu vũ khí châu Âu, Israel, Nhật, Canada...
Họ đã sẵn sàng bán những sản phẩm quốc phòng mới nhất cho Việt Nam nhằm tìm được chỗ đứng trên thị trường buôn bán vũ khí của các quốc gia Đông Nam Á.
Rõ ràng trong những năm gần đây, vũ khí phương Tây đã và đang thể hiện được ưu thế của họ về chất lượng, độ tin cậy và các chính sách hậu mãi sau bán hàng khác, những điều này đã thu hút được sự chú ý đáng kể từ Việt Nam.
Tạp chí quốc phòng Anh nói rằng, xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng châu Âu sang Việt Nam trong năm 2012 lên đến 102 triệu Euro (137 triệu USD), năm 2011 là 75 triệu Euro và năm 2010 là 34 triệu Euro.
Trong giai đoạn 2001 - 2004, doanh số cung cấp các phần cứng quân sự của châu Âu cho Việt Nam được ước tính trung bình là 3,1 triệu Euro mỗi năm.