Theo những hình ảnh mới được công bố, Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 đã hoàn thành công việc đại tu, nâng cấp chiếc Su-30K đầu tiên theo hợp đồng ký năm 2013 với Angola, dự kiến nó sẽ sớm được chuyển giao cho đối tác trong thời gian tới.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), thương vụ bán lại 12 chiếc Su-30K đi kèm 2 trực thăng tấn công Mi-171Sh (bao gồm cả vũ khí và phụ tùng) giữa Nga và Angola có giá trị lên tới 1 tỷ USD, trong đó ước tính một chiếc Su-30KN (tiêu chuẩn sau nâng cấp) có giá thành 45 triệu USD (chi phí hiện đại hóa 30 triệu USD).
Tiêm kích Su-30K cất cánh thực hiện chuyến bay thử nghiệm sau khi được hiện đại hóa
Sau khi bán được 2/3 lô hàng cho Angola, phía Nga vẫn rất tích cực tìm khách hàng để "đẩy" nốt 6 chiếc còn lại, có thời điểm tưởng như Không quân Iraq đã đồng ý tiếp nhận chúng nhưng rồi họ lại đặt niềm tin vào F-16 của Mỹ. Chi phí cao gần bằng Su-30MK2 trong khi đây vẫn là máy bay cũ có lẽ chính là điểm yếu cốt tử.
Để tránh viễn cảnh buộc phải tháo dỡ sau khi tốn không ít tiền kho bãi, bảo quản và tiếp thị, liệu Nga có nên chấp nhận "hòa vốn" bằng cách học tập tuyệt chiêu mà Mỹ từng áp dụng và rất thành công, đó là sẵn sàng "tặng không" 6 máy bay còn lại cho đối tác và chỉ thu tiền đại tu, sửa chữa?
Những chiếc tiêm kích Su-30K tại Nhà máy sửa chữa máy bay số 558 ở Baranovichi, Belarus
Trong trường hợp bỏ qua khoản tiền 15 triệu USD ban đầu của máy bay cũ, nếu nâng cấp lên chuẩn Su-30KN thì khách hàng sẽ phải chi ra khoảng 30 triệu USD, con số này thậm chí còn ít hơn nếu họ chỉ yêu cầu sửa chữa khung thân và động cơ, chấp nhận tính năng kỹ chiến thuật tương đương Su-27PU.
Đây có lẽ là phương án tỏ ra hợp lý hơn nhiều, vì xét cho cùng tuổi khung của Su-30K cũng chỉ vào khoảng 2.000 giờ bay lại đã trải qua quá trình sử dụng khá dài, mức giá 45 triệu USD/chiếc như Angola phải chịu là quá thua thiệt.
Tóm lại, để nhanh chóng tìm được đối tác đồng ý tiếp nhận 6 chiếc Su-30K tồn kho, tránh việc phải bán sắt vụn, Nga không nên cố gắng "tận thu" một cách chắc tay như đã làm trong thời gian vừa qua. Nếu Nga chấp nhận "lỏng tay", không loại trừ viễn cảnh sẽ có một vài chiếc cập bến Việt Nam - khách hàng từng nhận nhiều kỳ vọng nhất để bù đắp cho số Flanker bị thiếu hụt.