Nga lại lập chiến công "trên cơ" Mỹ khi giúp "hai con rồng" Ấn Độ-Trung Quốc bắt tay nhau?

Mạnh Kiên |

Nga đã thành công sau khi Mỹ nếm mùi thất bại trước đó - với cả Ấn Độ và Trung Quốc đều từ chối lời đề nghị hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chiến thắng ngoại giao

Khi các ngoại trưởng của Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý giảm leo thang căng thẳng dọc theo biên giới, có một quốc gia thứ ba mong muốn được ghi nhận công lao cho bước đột phá này, theo SCMP.

"Chúng tôi rất vui vì Moscow đã trình bày một nền tảng để Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có một cuộc gặp rất hiệu quả với mục tiêu ổn định tình hình ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói sau cuộc hội đàm của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải họp tại Moscow gần đây.

Trong khi các chuyên gia vẫn hoài nghi về sự đột phá mà mà thỏa thuận Trung Quốc và Ấn Độ vừa có được - khi hàng nghìn quân của hai nước vẫn đang so kè nhau tại biên giới - đối với Nga, những dư vị sau cuộc họp có thể được coi là một chiến thắng.

Các nhà quan sát cho rằng, sự nhiệt tình của Nga trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán nói trên nên được coi là động thái mới nhất của nước này nhằm nâng cao vị thế ở Nam Á.

Nga lại lập chiến công trên cơ Mỹ khi giúp hai con rồng Ấn Độ-Trung Quốc bắt tay nhau? - Ảnh 1.

Ba ngoại trưởng Ấn Độ-Nga-Trung Quốc đã giúp căng thẳng biên giới giảm nhiệt.

Chuyên gia Alexey Kupriyanov từ viện nghiên cứu IMEMO, thuộc viện Hàn lâm Khoa học Nga có trụ sở tại Moscow, nhận định: "Nga đang quay trở lại Nam Á vì nhiều lý do".

Nga dường như có ý định trở lại chính trường lớn và giành lại một số ảnh hưởng mà họ đã mất trong những thập kỷ 1980 và 1990. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần công khai sự tiếc nuối khi đánh mất đi vị thế cường quốc và đã nỗ lực để giành lại ảnh hưởng của nước Nga trên thế giới, bắt đầu ở Tây Á và châu Phi. Giờ đây, sự chú ý của Moscow đang chuyển sang Nam Á.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc mà Nga tạo nền tảng có thể là một trong những thắng lợi ngoại giao quan trọng hơn của Moscow trong những năm gần đây.

Nga đã thành công sau khi Mỹ nếmmùi thất bại trước đó - với cả Ấn Độ và Trung Quốc đều từ chối lời đề nghị hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tầm nhìn Âu-Á

Mục tiêu chiến lược của Tổng thống Putin là xác định tầm nhìn cho việc Nga đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, với tư cách là nhà lãnh đạo của một cộng đồng các quốc gia "Đại Âu-Á".

"Để làm được điều này, Nga nhận thấy họ cần phải lôi kéo các quốc gia từng là đối thủ vào một mối quan hệ hợp tác. Họ công nhận rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này", P.S. Raghavan, chủ tịch Ban cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ và là đại sứ của Ấn Độ tại Nga từ năm 2014 đến năm 2016, nêu quan điểm.

Nga và Trung Quốc có sự cảnh giác nhau trong quá khứ. Tuy nhiên, Raghavan cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đã đẩy Nga vào vòng tay chặt chẽ với Trung Quốc. Còn về các quyết định đối với New Delhi là vì Nga nhận ra rằng "không có Ấn Độ, không thể có quan hệ đối tác Á-Âu".

Là một phần trong tầm nhìn của mình, Nga cũng đã tiếp cận với hầu hết các quốc gia Nam Á khác, trừ Bhutan, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với bất kỳ ai trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal cho biết: "Sự hiện diện của Nga ở Nam Á luôn mạnh mẽ, tập trung vào Ấn Độ. Ông chỉ ra rằng Ấn Độ từ lâu đã là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên trên bộ và trên biển và các cuộc gặp thượng đỉnh hàng năm kể từ năm 2000. Năng lượng cũng là một lĩnh vực mở rộng hợp tác".

Các nhà lãnh đạo Nga coi thế kỷ 21 là thế kỷ châu Á, sẽ mang lại cơ hội lớn cho Moscow kinh doanh và đầu tư ở Nam Á và ngược lại. Nga hy vọng vào việc cùng thăm dò năng lượng, khoáng sản ở Nepal và phát triển cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka, bên cạnh việc tìm cách mở rộng hợp tác với Ấn Độ - quốc gia đã đầu tư 1 tỷ USD vào vùng Viễn đông của Nga trong các lĩnh vực ngoài năng lượng.

Quan hệ với Pakistan

Nga lại lập chiến công trên cơ Mỹ khi giúp hai con rồng Ấn Độ-Trung Quốc bắt tay nhau? - Ảnh 3.

Tên lửa BrahMos - sản phẩm do Nga và Ấn Độ cùng phát triển.

Điều đáng chú ý hiện nay là việc Nga đang ngày công khai sự thiện chí trong quan hệ hợp tác với Pakistan.

Không chỉ tham gia vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Pakistan, Nga cũng thực hiện các cuộc tập trận quân sự với nước này. Một số quan điểm cho rằng, New Delhi lo ngại đối thủ của họ là Pakistan sẽ lôi kéo Moscow tiến sâu hơn vào chính trường Nam Á.

Nhưng một số quan điểm lạc quan hơn ở Ấn Độ cho rằng, hợp tác vũ khí giữa Nga và Ấn Độ không thể so sánh được với Nga và Pakistan.

Họ chỉ ra tên lửa BrahMos do Ấn-Nga phát triển có thể tấn công bất kỳ thành phố nào của Pakistan, hoặc hệ thống phòng không S-400 mà Ấn Độ mua của Nga sẽ cho phép nước này đánh chặn bất kỳ tên lửa, máy bay hoặc máy bay không người lái nào đến từ lãnh thổ Pakistan và cho đó là một lợi thế rõ ràng so với đối thủ lâu đời.

Đối tác Ấn Độ

Với lợi ích rộng lớn của cả Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, việc Nga cân bằng hai bên không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Trong khi đó, Mỹ có các liên kết đáng kể với Ấn Độ như là một phần của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên biển mà một số người tin rằng nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Raghavan cho biết, những liên kết này không mở rộng đến khối đất liền Á-Âu. Ông Raghavan nói rằng mặc dù Nga cam kết cung cấp cho Ấn Độ những công nghệ quân sự mới nhất, nhưng họ vẫn cẩn trọng để điều này không làm ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.

Trong khi Nga coi hai mối quan hệ là cùng có lợi nhưng sẽ không muốn bị coi là đối tác cấp dưới của Trung Quốc.

"Mối quan hệ của Nga với Ấn Độ chính là cách để Moscow làm nổi bật vai trò như một tác nhân độc lập trong khu vực không bị ràng buộc bởi bất kỳ ý chí nào từ Trung Quốc", Raghavan kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại