Ảnh: Global Look Press
Mỹ thừa nhận Nga đang kiếm bộn tiền
Hãng tin RT (Nga) cho biết, Cố vấn cấp cao của Mỹ về An ninh Năng lượng Toàn cầu Amos Hochstein thừa nhận rằng Nga hiện đang kiếm được nhiều tiền hơn từ việc xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Cố vấn cấp cao của Mỹ về An ninh Năng lượng Toàn cầu Amos Hochstein. Ảnh: AP
Vị quan chức này thừa nhận, giá năng lượng toàn cầu đã tăng trước sự kiện hồi tháng 2/2022 và còn tiếp tục tăng cao hơn do những cấm vận. Điều này đã khiến Moscow đỡ bị ảnh hưởng hơn do các lệnh hạn chế.
Ông Hochstein trước đây từng là đặc phái viên về an ninh năng lượng của Mỹ.
Khi được hỏi, liệu Moscow có nhận được nhiều tiền hơn từ hoạt động buôn bán dầu khí so với vài tháng trước hay không, ông Hochstein trả lời: "Tôi không phủ nhận điều đó."
Truyền thông Nga cho biết Moscow không bị ảnh hưởng
Mỹ đã hạn chế tất cả việc nhập khẩu dầu thô, một số sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá của Nga vào hồi đầu tháng 3 như một phần của lệnh trừng phạt do những hoạt động của Nga vào cuối tháng 2.
Tuy nhiên, hôm 8/6, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cho biết, lượng dầu vận chuyển từ Nga đến Mỹ đã "tầng gần gấp đôi" trong tháng 3 so với tháng 2.
Cũng theo RT, Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã miễn cưỡng áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu dầu của Nga và thay vào đó nhắm mục tiêu vào lĩnh vực tài chính và ngân hàng. Tuy nhiên khối này cũng đã đồng ý đưa ra lệnh cấm đối với dầu của Nga vào cuối tháng 5.
Khối quyết định ngừng 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga ngay lập tức và dừng 90% lượng dầu vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Hungary và một số quốc gia khác đã được miễn trừ do nền kinh tế của nước này không có khả năng đối phó nếu không có nguồn năng lượng được Nga cung cấp.
Trong khi đó, các báo cáo truyền thông cho rằng các lệnh trừng phạt hầu như không ảnh hưởng gì tới hoạt động năng lượng của Moscow cho đến nay.
Lệnh trừng phạt phản tác dụng với Mỹ và đồng minh?
Vào tháng 4, Wall Street Journal báo cáo rằng, các lô hàng dầu của Nga đã tăng 300.000 thùng/ngày chỉ trong tháng.
Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng khoảng 50% kể từ đầu năm 2022. Chính phủ Nga cũng đã chỉ ra các khách hàng mới ở châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu mua dầu thô của họ.
Theo báo cáo thị trường hàng tháng của cơ quan này, Moscow đã kiếm được khoảng 20 tỷ USD mỗi tháng trong năm nay từ việc bán dầu thô và các sản phẩm liên quan đến dầu.
Thu nhập tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Cũng theo IEA, số tiền này tăng lên do nhiều lô hàng đã được chuyển đến châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ.
Ấn Độ là một ví dụ. Theo Reuters, lượng xuất khẩu dầu của Nga tới nước này tăng vọt vào tháng 5. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt dường như đã trở nên phản tác dụng đối với Mỹ và các đồng minh của họ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng vào đầu tuần này. Ông nói rằng, khả năng cung cấp đủ điện của quốc gia đang bị đe dọa.
Cuối tuần trước, Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) báo cáo rằng, giá xăng Mỹ đã tăng gấp đôi dưới thời Tổng thống Biden và đạt mức cao nhất mọi thời đại, lên tới 4,81 USD/gallon vào hôm 4/6.
Vào hôm 1/6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo rằng các thành viên EU, vốn cũng đang gặp tình trạng giá xăng dầu tăng cao, có thể phải tiết kiệm nhiên liệu khi có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có.