Hôm thứ Bảy tuần trước, lực lượng phòng không Syria đã lập nên một chiến tích chưa từng xảy ra kể từ thời điểm năm 1982, đó là bắn hạ một máy bay chiến đấu hiện đại F-16D thuộc biên chế Không quân Israel (IAF).
Trước khi hứng chịu thiệt hại trên thì tiêm kích Israel vẫn thường xuyên ra vào không phận Syria "như đi chợ" để thực hiện các vụ oanh tạc tiêu diệt những nhóm vũ trang hay cơ sở vật chất có thể sử dụng để gây nguy hiểm cho họ mà chưa phải hứng chịu bất cứ tổn thất nào.
Điều đó đã dẫn tới nhận định kể từ nay về sau IAF sẽ chẳng thể tự tung tự tác trên bầu trời Trung Đông nữa, nhất là khi Syria sẵn sàng "chơi rắn" và có thể sau lưng họ còn tồn tại sự trợ giúp ngầm của lực lượng Nga đang đóng quân.
Tiêm kích đa năng F-15I Ra'am của Không quân Israel
Tuy nhiên thực tế lại cho thấy một sự thật khác hoàn toàn, Không quân Israel chẳng những không thận trọng hơn mà ngay sau khi chiếc F-16D bị bắn rơi khiến 2 phi công bị thương thì họ gần như ngay lập tức tiến hành chiến dịch trả đũa với quy mô lớn chưa từng có.
Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Israel thì những đợt không kích trả đũa đã gây ra thiệt hại rất nặng nề cho Quân đội Syria, thậm chí tờ báo Haaretz của nước này còn cho biết phòng không đã bị tiêu diệt tới một nửa lực lượng.
Diễn biến trên chắc chắn đã gây bất ngờ cho một số nhà quan sát tình hình quân sự - chính trị khu vực, đồng thời cũng đặt ra dấu hỏi về vai trò cũng như vị trí của các tổ hợp phòng không Nga đã ở đâu khi Israel tung "đòn thù".
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2E được Nga cung cấp cho Syria
Có lẽ người Nga từ trước tới nay chưa bao giờ thực sự muốn đối đầu với Quân đội Israel. Tel Aviv rõ ràng là một cường quốc quân sự khu vực, trong tay họ sở hữu nhiều vũ khí, khí tài tối tân mà Nga chưa chắc đã biết cách khắc chế.
Bên cạnh đó chất lượng và tinh thần chiến đấu của binh lính Israel đã được khẳng định qua nhiều cuộc xung đột, lợi thế về vị trí địa lý cùng số lượng đông đảo giúp quốc gia Do Thái chiếm ưu thế vượt trội so với các đơn vị Nga đang đóng quân trên đất Syria.
Chính vì lý do này, Nga sẽ không mạo hiểm ra mặt để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad một cách rõ ràng, nếu có thì nhiều khả năng họ cũng chỉ ngấm ngầm thông qua cung cấp phương tiện chiến tranh hoặc lựa chọn cách thức nào đó tránh đặt các quân nhân của mình vào tình thế nguy hiểm trước không lực hùng mạnh của Israel.
Với tình hình như vậy, phòng không Syria vẫn sẽ phải dựa vào sức mình là chủ yếu, có thể họ sẽ nhận được chi viện trực tiếp từ phía Iran nhưng rất khó để yêu cầu Nga cung cấp tham số radar về hướng di chuyển của tiêm kích Israel, hay thậm chí là điều khiển giúp mình những tổ hợp phòng không mà Moskva cung cấp như vẫn từng kỳ vọng.
Tiêm kích F-15I Ra'am của Israel trong cuộc tập trận Red Flag cùng với Không lực Hoa Kỳ