Nga không dễ rơi vào "cái bẫy ngọt ngào" của Mỹ để hợp thành liên minh chống Trung Quốc?

Mạnh Kiên |

Theo các chuyên gia phân tích, ngay cả khi Washington cố gắng kéo Moscow vào quỹ đạo của mình để gây áp lực với Trung Quốc, Mỹ chỉ cần Nga tạm thời và luôn là "kình địch" của Nga. Khi không còn cần đến nữa, Mỹ sẽ rời bỏ Nga không thương tiếc.

Nga không dễ rơi vào cái bẫy ngọt ngào của Mỹ để hợp thành liên minh chống Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump.

Vì sao Mỹ không thể quyến rũ Nga?

Ngày 19/9, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia Review của Nhật Bản rằng, Nga sẽ không tham gia liên minh với Mỹ để chống lại Trung Quốc hoặc những nước khác.

Đây không phải là lần đầu tiên Moscow bác bỏ việc tham gia một liên minh chống Trung Quốc.

Ngay từ năm 2016, khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, ông đã chìa cành ô liu tới Nga trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ hai nước. Sau đó, ông Trump vận động các đồng minh của Mỹ phát động một chiến dịch trấn áp tổng thể chống lại Trung Quốc.

Với mục tiêu trên, Mỹ đã cố gắng bằng mọi cách có thể để mời gọi Moscow hình thành một thế trận toàn diện chống Trung Quốc.

Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã kết thúc cách đây hơn 30 năm, nhưng việc nhìn nhận trật tự toàn cầu qua lăng kính Chiến tranh Lạnh đã trở thành một truyền thống quan trọng của ngoại giao Mỹ, cây bút Cui Heng viết trên tờ Global Times.

Các động thái của Washington nhằm lôi kéo Moscow kiềm chế Trung Quốc không phải là chưa từng có. Vào năm 2018, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, một người theo chủ nghĩa hiện thực từng phát triển ngoại giao tam giác giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô năm xưa, đã đề nghị với ông Trump rằng Washington nên bắt tay với Moscow để kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Theo cây bút Cui Heng, mặc dù coi cả Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh nhưng Mỹ lại có cách đối xử với từng bên khác nhau. Sự khác biệt này nằm ở nhận thức của Washington về các mối đe dọa có thể xảy đến từ hai quốc gia nói trên.

Mỹ tin rằng, một Trung Quốc đang trỗi dậy với nền tảng vững chắc đang đặt ra những thách thức lâu dài, chiến lược và toàn diện. Trong khi Washington chỉ xem Nga là một vấn đề mang tính ngắn hạn, liên quan đến các vấn đề an ninh và khu vực. Nhận thức như vậy đã tạo nên cơ sở cho việc Mỹ quyết định quyến rũ Nga để kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp việc Mỹ mời Nga trở lại G7, hay kêu gọi Nga về việc gia hạn hiệp ước START mới, Moscow vẫn tỏ ra lạnh lùng khi tham gia vào liên minh chống Trung Quốc của Washington.

Nga hiểu rõ rằng, Mỹ và các đồng minh luôn cảnh giác cao độ trước các cường quốc ngoài thế giới phương Tây - cụ thể là Trung Quốc và Nga. Ngay cả khi Washington cố gắng kéo Moscow vào quỹ đạo của mình để trấn áp Trung Quốc, Mỹ chỉ cần Nga tạm thời và không bao giờ chấp nhận Nga. Khi không còn cần đến nữa, Mỹ sẽ rời bỏ Nga không thương tiếc.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo Nga sẽ không tham gia với Mỹ vì những lợi ích ngắn hạn như vậy, cây bút Cui Heng nhận định.

Tầm nhìn đa cực của Nga

Nga không dễ rơi vào cái bẫy ngọt ngào của Mỹ để hợp thành liên minh chống Trung Quốc? - Ảnh 2.

Tổng thống Putin.

Với những nỗ lực phối hợp của cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga, quan hệ Trung Quốc-Nga đang ở đỉnh cao lịch sử. Với việc Mỹ đang cố gắng thành lập một liên minh chống Trung Quốc với thế giới phương Tây, mối quan hệ Trung - Nga lành mạnh và ổn định là rất quan trọng.

Theo Cui Heng, trong trường hợp quan hệ Trung - Mỹ đi đến cực điểm, ngoại giao vững chắc với Nga là chìa khóa để Trung Quốc tránh bị cô lập và đảm bảo an ninh chiến lược ở biên giới phía Tây và phía Bắc.

Quan hệ Trung Quốc-Nga đang cho thấy sự vững chắc về mặt chiến lược giữa lúc Mỹ cố tình tìm cách ly gián hai bên. Kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, giới học thuật phương Tây coi quan hệ Nga-Trung đang lên là phương tiện nguy hiểm trong việc chống lại Mỹ.

Cây bút Cui Heng đánh giá, trên trường thế giới, Trung Quốc và Nga đang chung tay chống lại sự bá quyền của Mỹ và duy trì trật tự và luật lệ quốc tế.

Chính vì vậy, Trung Quốc nên nhận ra rằng sự ủng hộ của Moscow đối với Bắc Kinh là kết quả của sự thấu hiểu của nước này về thế giới tương lai. Nga thực sự là một cường quốc toàn cầu.

Chiến lược ngoại giao của Nga phục vụ vị thế và lợi ích của chính mình. Nếu sức mạnh dần suy yếu, Nga sẽ có rất ít lựa chọn. Nga không muốn trở thành con rối của các cường quốc khác cũng như không muốn trở thành một quốc gia thứ cấp. Vì vậy, Nga luôn đề cao tầm nhìn thế giới đa cực là chiến lược ngoại giao của mình.

Gần đây, giới tinh hoa Nga đã đạt được đồng thuận rằng đối đầu Trung - Mỹ không phù hợp với lợi ích của Nga. Trên cơ sở này, Nga đang cố gắng tránh tình trạng đối đầu lưỡng cực - do đó nước này thúc đẩy các quy tắc quốc tế mang tính mở và đa phương.

Khi cạnh tranh Trung - Mỹ đang trở thành vấn đề căng thẳng, việc Nga lựa chọn không tham gia bất kỳ liên minh nào chính là quyết định đáp ứng nhu cầu của Nga vào lúc này, cây bút Cui Heng kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại