Nga: Không có mối đe dọa đáng kể nào từ Triều Tiên

Tú Oanh |

Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã đưa ra nhận định về vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên tại một cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Hạ Môn, Trung Quốc.

Theo Sputnik, ông Ryabkov cho biết, Nga luôn theo sát các động thái của Triều Tiên vì chúng có thể làm tăng năng lực hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này, tuy nhiên, Moscow không thấy có mối đe dọa đáng kể nào từ chính quyền Kim Jong-un.

“Chúng tôi thấy xu hướng nguy hiểm trong sự phát triển của Triều Tiên… Chúng tôi thấy quốc gia này đang nỗ lực để trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Dĩ nhiên, đây là tín hiệu đáng báo động đối với chúng tôi, hướng đi như vậy là không thể chấp nhận. Vấn đề này cần phải được theo dõi cẩn thận...

Mặc dù vậy, tôi nhắc lại, chúng tôi không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ Bình Nhưỡng so với một vài hàng xóm của quốc gia này, đặc biệt từ các đồng minh của Mỹ”, Sputnik dẫn lời ông Ryabkov.

Vị quan chức ngoại giao cấp cao của Nga nhận định, “các hành động khiêu khích gây bất ổn trong khu vực” của Bình Nhưỡng nên chấm dứt ngay. Nhưng ông Ryabkov không tán thành các biện pháp nào ngoài đối thoại ngoại giao.

“Rõ ràng, trong tình huống này, bất kỳ bước đi vội vàng nào cũng có thể dẫn tới sự bùng nổ”, ông nói.

Theo ông Ryabkov, cách duy nhất để giải quyết căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên là tham gia vào cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.

Thứ trưởng Nga khuyên, các quốc gia có ảnh hưởng đến chính quyền Kim Jong-un nên đưa ra các đề xuất thực tế về đối thoại. Ông cũng bày tỏ quan ngại khi các nước đồng minh của Washington có xu hướng ưa thích sử dụng các biện pháp trừng phạt và giọng điệu đe dọa với Triều Tiên hơn là tìm kiếm giải pháp thông qua công cụ ngoại giao.

Nhận cuộc nói chuyện với phóng viên, ông Ryabkov một lần nữa phản đối việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc, mà theo tuyên bố của hai nước này nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên.

Giống như Trung Quốc, kể từ thời điểm Seoul và Washington đồng ý triển khai THAAD tại Seongju hồi tháng 7/2016, Nga không hề che giấu thái độ tiêu cực với kế hoạch này.

Phía Nga lập luận, việc triển khai không những không giúp cải thiện tình hình, mà còn gia tăng các phản ứng quân sự không đáng có từ Bình Nhưỡng.

Ngoài THAAD, Moscow còn chỉ trích hàng loạt các biện pháp đặt ra nhằm kìm hãm tham vọng hạt nhân của Triều Tiên như các lệnh trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hay các lệnh trừng phạt đơn phương…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại