Nga "khó ở" trên thị trường tàu ngầm: Lộ đối thủ mới nguy hiểm - Đã có tuyên bố bất ngờ

Bảo Lam |

Trên thị trường tàu ngầm diesel, Nga đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ Đức, Pháp và Hà Lan. Nhưng chưa hết, một đối thủ mới nhưng rất nguy hiểm - đó là Trung Quốc.

Tuyên bố gây bất ngờ đã được đưa ra

Việc các khí tài hải quân của Nga được sử dụng hiệu quả tại Syria, dường như, đã tạo nên tất cả những tiền đề để quảng bá thành công một vài mẫu khí tài trên thị trường thế giới, bao gồm cả các tàu ngầm Kilo diesel-điện Đề án 636 và những phiên bản xuất khẩu trên nền tảng đề án này.

Gần như tất cả những tàu ngầm Kilo đề án 636.3 của Nga thuộc biên chế Hạm đội Hắc Hải đã chứng tỏ rõ nét tính hiệu quả chiến đấu của mình khi từ dưới ngầm phóng các tên lửa hành trình Kalibr-PL tiêu diệt thành công những mục tiêu trên bộ tại Syria.

Những tàu ngầm này đã tiến hành các đợt tấn công bằng tên lửa tiêu diệt khủng bố ở Syria từ khoảng cách lên tới 1.500km một cách độc lập hoặc phối hợp với nhiều tàu chiến mặt nước khác trong thành phần nhóm tác chiến lâm thời, gồm cả khinh hạm Đề án 11356.

Bất cứ khách hàng tiềm năng nào muốn mua các tàu ngầm đề án này của Nga, có thể đã bị thuyết phục bởi tiềm lực chiến đấu cao của chúng, bất chấp những tàu ngầm này được xuất khẩu mà không trang bị tên lửa Kalibr, thay vào đó là phiên bản xuất khẩu của tên lửa này – Club-S, với tầm bắn không vượt quá 300km.

Nhưng tại triển lãm quốc tế khí tài không quân và hải quân LIMA-2019, một tuyên bố gây bất ngờ đã được đưa ra.

Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga (FSVTS), ông Mikhail Petukhov đã thông báo với hãng thông tấn TASS rằng, Thái Lan và Indonesia quyết định tạm thời không mua các tàu ngầm đề án 636 của Nga, mặc dù trước đây hai quốc gia này từng được coi là khách hàng tiềm năng.

Vì đâu nên nỗi?

"Các tàu ngầm diesel-điện Đề án 636 sở hữu những tính năng đáng nể và có nhiều điểm vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, quyết định mua khí tài này được thực hiện, thông thường, trên cơ sở đấu thầu và phụ thuộc nhiều vào những yếu tố khách quan, cũng như chủ quan. Thái Lan và Indonesia đã quyết định không thiên về đề nghị của phía Nga", ông Mikhail Petukhov nói.

Theo lời Phó giám đốc FSVTS, đó không phải là bi kịch đối với Nga. "Chúng tôi chỉ tiếc rằng họ, khác với các chuyên gia đến từ hải quân Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và hàng loạt những quốc gia khác, tạm thời không có cơ hội để chứng kiến những tính năng chiến đấu độc đáo của các tàu ngầm Kilo đề án 636", ông Petukhov nhấn mạnh.

Quyết định của Thái Lan và Indonesia từ chối mua các tàu ngầm Kilo của Nga chắc chắn không phải điều bất ngờ đối với những ai theo dõi diễn biến tình hình trên thị trường chế tạo tàu ngầm thế giới.

Với truyền thống và nền tảng hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước Châu Á-Thái Bình Dương và trên thực tế Nga cũng đã có một số thành công nhất định khi bán được các tàu ngầm đề án 877EKM và 636 cho các nước ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong đó, Ấn Độ mua 10 chiếc tàu ngầm đề án 877EKM; Trung Quốc – 12 chiếc, bao gồm 4 chiếc thuộc đề án 877EKM và 8 chiếc Kilo thuộc đề án 636; Việt Nam – 6 chiếc tàu ngầm Kilo thuộc đề án 636.1.

Tuy nhiên, trong một thập niên vừa qua, các tàu ngầm của Nga lại thất bại ở Hàn Quốc, nước này đã quyết định lựa chọn các tàu ngầm đề án 214 của Đức, cho Malaysia (nước này đã mua hai tàu ngầm Scorpene của Pháp) hay cho Thái Lan (đã mua một chiếc thuộc đề án S26T của Trung Quốc và lựa chọn cấu hình thêm hai chiếc nữa).

Nga khó ở trên thị trường tàu ngầm: Lộ đối thủ mới nguy hiểm - Đã có tuyên bố bất ngờ - Ảnh 2.

Tàu ngầm diesel-điện Tunku Abdul Rahman lớp Scorpene của Hải quân hoàng gia Malaysia Ảnh: REUTERS/Bazuki Muhammad.

Ngoài ra, Nga cũng thất bại ở thị trường Pakistan khi quốc gia Nam Á này sẽ đóng mới theo giấy phép 8 chiếc tàu ngầm đề án 041 "của Trung Quốc.

Đặc biệt, Ấn Độ - đối tác chiến lược và là quốc gia nhập khẩu vũ khí thuộc loại lớn nhất của Nga mới đây đã chọn mua 6 tàu ngầm Scorpene của Pháp và hiện chúng đang được sản xuất theo giấy phép, tại nhà máy đóng tàu Mazagaon Dockyard Limited (MDL), bất chấp đã bị chậm tiến độ 6 năm.

Dường như, không có gì đặc biệt đằng sau bản hợp đồng này giữa Ấn Độ và Pháp, nhưng trên thực tế, xuất hiện một câu hỏi lớn liên quan tới chương trình Project 75I được bàn thảo cách đây không lâu ở Ấn Độ, với tổng giá trị lên tới 7,8 tỷ USD.

Theo khuôn khổ dự án này, Ấn Độ mở gói thầu quốc tế để đóng mới 6 chiếc tàu ngầm thông thường sử dụng động cơ đẩy độc lập với không khí (động cơ AIP). Dự án sẽ được thực hiện bởi liên doanh giữa công ty tư nhân của Ấn Độ và công ty sản xuất nước ngoài được lựa chọn thông qua đấu thầu.

Chính "Rosoboronexport" cùng Phòng thiết kế Rubin (Nga) đã dự định tham gia vào gói thầu này với đề án tàu ngầm Amur-1650 (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm đề án 677) được trang bị động cơ AIP.

Nga khó ở trên thị trường tàu ngầm: Lộ đối thủ mới nguy hiểm - Đã có tuyên bố bất ngờ - Ảnh 3.

Tàu ngầm diesel-điện Đề án 677. Ảnh: Nhà máy đóng tàu Admiralty.

Đề xuất của phía Nga trong tương lai có thể được coi như "con Át chủ bài", bởi vì chiếc tàu ngầm mới dành cho Ấn Độ có thể trang bị tên lửa BrahMos siêu thanh phóng từ tàu ngầm để tiêu diệt mục tiêu cả trên mặt nước cũng như trên bộ. Tuy nhiên, như đã thấy trên thực tế, hiện nay không ai có thể dự đoán được điều gì.

Nếu như trước đây các đại diện của BrahMos Aerospace từng nhắc tới chiếc tàu tiềm năng có thể mang các tên lửa của họ là tàu ngầm phi nguyên tử do Nga sản xuất, thì bây giờ họ không loại trừ trong chương trình Project 75I của Hải quân Ấn Độ, các tên lửa BrahMos có thể được trang bị trên cả các tàu ngầm do nước khác chế tạo.

"Phía Ấn Độ đã quyết định trang bị tổ hợp tên lửa BrahMos cho 6 chiếc tàu ngầm phi nguyên tử tương la theo chương trình 75I. Tổ hợp tên lửa này sẽ được lắp đặt trên các tàu ngầm của quốc gia giành thắng lợi trong gói thầu sắp tới", ông Alexandr Maksichev, lãnh đạo phía Nga của Liên doanh BrahMos Aerospace cho biết.

Theo lời ông Maksichev, bất cứ quốc gia nào có khả năng thắng thầu theo chương trình 75I, sẽ phải tích hợp vào thiết kế tàu ngầm của mình tổ hợp BrahMos. "Nếu họ muốn thắng thầu và ra nhập thị trường Ấn Độ thì phải 'đăng ký hộ khẩu' cho BrahMos trên tàu của mình", đại diện BrahMos Aerospace cho biết.

Nga khó ở trên thị trường tàu ngầm: Lộ đối thủ mới nguy hiểm - Đã có tuyên bố bất ngờ - Ảnh 4.

Tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos. Ảnh: Ruslan Shamukov/TASS.

Hiện nay, sau khi nhận bàn giao chiếc tàu cuối cùng thuộc lớp Scorpene đến năm 2021-2022, Hải quân Ấn Độ, về nguyên tắc, không phản đối triển vọng tiếp tục sản xuất các tàu ngầm loại này theo giấy phép và đóng thêm các tàu ngầm phi nguyên tử của Pháp với động cơ AIP và trang bị tổ hợp tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ.

Theo Hải quân Ấn Độ, công tác triển khai chương trình Project 75I có thể kéo dài ít nhất trong một thập niên hoặc hơn.

Thời hạn bàn giao chiếc tàu ngầm đầu tiên trong khuôn khổ chương trình này dự kiến vào giai đoạn 2030-2033, nhưng, như điều vẫn thường xuyên xảy ra với các chương trình quân sự của Ấn Độ, thời hạn này nhiều khả năng có thể kéo dài hơn.

Và có vẻ như hiện giờ Hải quân Ấn Độ không còn quá mặn mà với chương trình này như vài năm trước, bởi vì trong những năm qua, Hải quân Ấn Độ đã chịu ảnh hưởng khá lớn từ "hoạt động vận động hành lang của người Pháp".

Đúng vậy, ai lại muốn để nhà máy đóng tàu MDL đánh mất những năng lực hiện có khi triển khai hợp đồng sản xuất theo giấy phép 6 tàu ngầm Scorpene của Pháp, như những gì xảy ra trước đây vào thập niên 90 khi sản xuất các tàu ngầm Đức thuộc đề án 209/1500 của công ty HDW.

Sẽ hoàn toàn phù hợp và tiết kiệm chi phí, theo ý kiến Hải quân Ấn Độ, khi sản xuất thêm các tàu ngầm Scorpene, trước khi quyết định cuối cùng về chương trình Project 75I được thông qua.

Thêm một chi tiết kỹ thuật nữa, có thể có lợi cho người Pháp trong trường hợp gói thầu chương trình Project 75I sẽ vẫn được công bố. Dây chuyền sản xuất các tàu ngầm Scorpene tại Nhà máy đóng tàu MDL có thể được sử dụng để sản xuất các tàu ngầm của những đề án khác theo giấy phép.

Ngoài ra, người Pháp đang nắm trong tay con át chủ bài không kém phần quan trọng – đó là máy phát điện độc lập với không khí MESMA đang được sản xuất hàng loạt.

Máy phát này, dưới dạng modul độc lập, có thể lắp đặt trên các tàu ngầm mới, cũng như bất cứ tàu ngầm được nâng cấp nào tạo ra tiềm năng nâng cấp không hề tồi cho người Pháp, sản phẩm mà có thể rất cần cho thị trường Ấn Độ trong tương lai gần.

Nga khó ở trên thị trường tàu ngầm: Lộ đối thủ mới nguy hiểm - Đã có tuyên bố bất ngờ - Ảnh 6.

Tàu ngầm điện-diezel Karanj lớp Scorpene của Hải quân Ấn Độ tại Nhà máy đóng tàu MDL. Ảnh: EPA-EFE/DIVYAKANT SOLANKI.

Người chơi mới cực kỳ nguy hiểm

Liên quan tới Nga, thì theo tuyên bố của Cục trưởng Cục đóng tàu Hải quân Nga, chuẩn đô đốc Vladimir Tryapichnikov, hạm đội Hải quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận máy phát điện không cần không khí (AIP) dành cho các tàu ngầm phi nguyên tử vào năm 2021-2022.

Nhưng kể cả nếu thiết bị này của Nga sẽ hoàn thành vào thời gian này, thì vẫn cần phải vận hành thử nghiệm nó, căn chỉnh và chỉ sau đó mới có thể chính thức bàn giao, cấp giấy chứng nhận xuất khẩu và bán ra thị trường.

Khi chưa có các máy phát không cần không khí, những tàu ngầm của Nga có thể tạm thời chưa được thị trường khí tài hải quân thế giới quan tâm. Ngoài ra, từ giờ khó có thể coi Trung Quốc là khách hàng mua các tàu ngầm của Nga.

Đối tác chiến lược này của Nga không chỉ có được kinh nghiệm tốt trong quá trình vận hành 12 chiếc tàu ngầm Kilo diesel-điện Đề án 877EKM và 636 của Nga, mà còn tự nghiên cứu chế tạo các tàu ngầm tương tự.

Hơn nữa, Trung Quốc, từ quốc gia nhập khẩu tàu ngầm đã trở thành quốc gia xuất khẩu chúng, khi tính đến thời điểm hiện nay đã bán được 8 chiếc tàu ngầm của mình cho Pakistan và một chiếc cho Thái Lan.

Điều này có nghĩa là cuộc cạnh tranh trên thị trường tàu ngầm diesel-điện thế giới giữa Nga, Đức, Pháp và Hà Lan đang nóng lên, khi một người chơi mới – Trung Quốc, chính thức tham gia.

Ngoài 12 chiếc tàu ngầm do Nga chế tạo, tổng số lượng tàu ngầm được ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc xuất xưởng trong vòng 2 thập niên (1995-2016) đã lên tới con số 44 chiếc, tương đương 2 chiếc mỗi năm.

Tốc độ này không chỉ giúp Trung Quốc thoả mãn được nhu cầu của lực lượng Hải quân, mà còn bảo đảm việc thực hiện các bản hợp đồng xuất khẩu các tàu ngầm.

Cũng cần phải tính tới việc đơn đặt hàng quốc phòng đóng 6 chiếc tàu ngầm diesel-điện Đề án 636.3 cho Hạm đội Thái Bình Dương và một vài chiếc tàu ngầm đề án 677 cho Hải quân Nga sẽ được hoàn thành trong những năm tới, còn khối lượng các đơn đặt hàng tiếp theo từ năm 2020 sẽ giảm.

Vì vậy, trong tương lai có thể phát sinh vấn đề áp lực đè nặng lên công suất của Nhà máy đóng tàu Admiralty, nơi dây chuyền sản xuất các tàu ngầm để đáp ứng nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu đang được vận hành tốt. Và vấn đề này cần phải được giải quyết ngay bây giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại