Thông tin trên vừa được trang vpk của Nga đăng tải, cho thấy Moskva đang rất quan tâm tới việc chiếm lĩnh thị trường vũ khí mới nhưng tràn đầy tiềm năng này tại khu vực Đông Nam Á.
Trong tuần qua đã tràn ngập thông tin trên các phương tiện truyền thông về việc Hải quân Philippines đồng ý về nguyên tắc một bản ghi nhớ dự thảo ký với Nga, trong đó Moskva sẽ hỗ trợ chính quyền Manila xây dựng một hạm đội tàu ngầm.
Hải quân Philippines công bố ý định có thể sẽ mua lại 2 tàu ngầm Kilo 636.3 bản nội địa mà Nga đang dùng để nhanh chóng tạo lập nên sức mạnh tác chiến dưới nước. Theo quan điểm của họ thì lực lượng hải quân của một quốc đảo như Philippines chưa thể coi là hoàn thiện nếu thiếu vắng một biên đội tàu ngầm.
Philippines có thể sở hữu 2 tàu ngầm diesel-điện Kilo 636.3 - bản nội địa của Nga
Mặc dù giới chức quân sự Philippines từng phát biểu rằng họ đã xem Nga là nhà cung cấp chính, thậm chí cử cả đoàn công tác đã tới thăm một số cơ sở đóng tàu của Nga để làm quen với tàu ngầm Kilo 636, tuy nhiên vẫn chưa có gì chắc chắn rằng Moskva sẽ giành được thương vụ trên.
Cần nhớ lại rằng hồi năm 2016, Hải quân Philippines đánh giá rất cao tàu ngầm Type 212 do công ty Thyssen Krupp Marine Systems của Đức phát triển, đồng thời còn ngỏ ý quan tâm tới phiên bản thấp hơn là Type 209.
Phải sang đến đầu năm 2017 thì sự chú ý của họ mới chuyển hướng sang Kilo 636 của Nga.
Nhưng theo diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết nước này vẫn đang xem xét một số ứng viên tiềm năng khác đến từ châu Âu bao gồm cả Pháp. Đồng thời ông Lorenzana còn thông tin thêm rằng chương trình mua sắm tàu ngầm của Philippines sẽ kéo dài thêm 12 tháng nữa để cân nhắc và mất khoảng 4 năm để nhận chiếc đầu tiên.
Nga đang tìm cách "trói chân" Philippines bằng gói tín dụng quân sự
Trước tình hình trên, việc Nga cho biết họ sẵn sàng cấp khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp cho quốc gia Đông Nam Á này có lẽ là một cách "giữ chân" đối tác, để họ không chạy tới một nhà cung cấp khác.
Biện pháp kích cầu trên được cho là có sức nặng rất lớn, đồng thời Nga còn có truyền thống cho bạn hàng thanh toán tiền mua vũ khí theo hình thức hàng đổi hàng bằng những sản phẩm có thế mạnh của địa phương như nông sản hay tài nguyên, đây điều khoản mà các nhà cung cấp vũ khí Tây Âu khó lòng theo nổi.
Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi thì tại khu vực Đông Nam Á, Hải quân Philippines sẽ là lực lượng thứ hai sau Việt Nam có trong trang bị lớp tàu ngầm diesel-điện tối tân này của Nga.
Tên lửa hành trình đối đất Kalibr được phóng đi từ tàu ngầm Kilo 636