Nga thu giữ pháo tự hành Caesar của Pháp tại chiến trường Ukraine
Những khẩu pháo tự hành Caesar của Pháp viện trợ cho Ukraine đã bị Nga thu giữ và chuyển về nhà máy chế tạo vũ khí Uralvagonzavod để nghiên cứu. Thông tin này được cả Pháp và Nga xác nhận, và đây có lẽ cũng là cơ sở để các chuyên gia Nga có thể tìm ra điều gì đó hữu ích.
Tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) của Nga là một doanh nghiệp chuyên sản xuất vũ khí. Xe tăng Armata, pháo tự hành Msta-S là một trong những sản phẩm của của UVZ. Đại diện tập đoàn này đã gửi "lời cảm ơn" đậm chất mỉa mai tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì đã chuyển giao Caesar cho Ukraine.
Paris hứa cung cấp 1/4 số pháo tự hành Caesar dự trữ của mình cho Kiev, tức khoảng 18 khẩu. Số vũ khí này sẽ chuyển đến các đơn vị của quân đội Ukraine, trong đó có lữ đoàn pháo binh số 55. Pháo tự hành Caesar 155mm là sản phẩm của công ty Nexter của Pháp – thành viên của tập đoàn quốc phòng Pháp – Đức KNDS. Quân đội Pháp được trang bị vũ khí này từ năm 2007, giới chuyên gia đánh giá cao khả năng chính xác của loại pháo tự hành này. Pháo tự hành Caesar được chế tạo để tiêu diệt pháo binh, hệ thống công sự và các loại vũ khí khác của đối phương. Tầm bắn của Caesar từ 4,2 đến 45km, tốc độ bắn 6 viên/phút, lượng đạn dự trữ 18 viên.
Chia sẻ với phóng viên báo Vzglyad.ru, cựu lãnh đạo binh chủng tên lửa phòng không, bộ tư lệnh đặc nhiệm không quân Nga, đại tá Sergey Khatylev cho rằng: khi bóc tách hệ thống pháo Caesar ra từng con ốc vít, giới chuyên gia Nga đặc biệt quan tâm tới từng bộ phận, cụm thiết bị riêng biệt, đến thiết kế công nghệ của vũ khí này, đánh giá xem chi tiết nào có thể áp dụng cho vũ khí của Nga.
Ví dụ, để đơn giản hóa kết cấu, trong pháo tự hành Caesar đã áp dụng những giải pháp kỹ thuật khác so với vũ khí của Nga. Hệ thống xác định tọa độ mục tiêu của vũ khí phương Tây cũng có nhiều điểm khác so với vũ khí của Nga.
Chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov cho biết, pháo tự hành Caesar được dẫn đường và điều khiển bằng màn hình cảm ứng trong cabin, màn hình này cũng được bố trí ở thiết bị khóa nòng, từ hai vị trí này đều xác định được tọa độ của mục tiêu. Nghiên cứu cốt lõi điện tử của Caesar có thể hiểu được hệ thống thông tin của toàn bộ khối NATO. Thông tin về mục tiêu được truyền đi theo một kênh bí mật, kíp chiến đấu chỉ việc tiếp nhận và cài đặt vào máy tính, sau đó vũ khí tự hướng đến mục tiêu, kíp chiến đấu chỉ việc bấm nút khai hỏa, toàn bộ các thao tác này được thực hiện tự động hóa ở mức độ cao.
Chuyên gia Khutov cho biết thêm, Nga có phiên bản pháo tự hành tương tự như Caesar của Pháp, đó là Koalitsya-SV. Nga không công bố Koalitsya-SV có được tham chiến tại Ukraine hay không, chỉ biết rằng số lượng vũ khí này trong quân đội Nga hiện tại chưa nhiều. Đối với các hãng phát triển vũ khí, họ rất quan tâm tới việc đối thủ của mình áp dụng những giải pháp công nghệ như thế nào mà thôi.
Các chuyên gia Nga đặc biệt chú ý tới các loại đạn của pháo tự hành Caesar. Hiện nay Caesar sử dụng thế hệ đạn pháo mới. Kích thước của đạn có thể định dạng ở chế độ tự động để đạt tới một tầm bắn theo yêu cầu. Công nghệ này cũng được phát hiện ở pháo tự hành Panzerhaubitze của Đức.
Đối với các đơn vị chuyên phát triển hệ thống tác chiến điện tử, họ đặc biệt quan tâm tới những kênh trao đổi thông tin bí mật, để thiết lập hệ thống gây nhiễu vô tuyến điện tương ứng.
Đại tá Khatylev cho biết: pháo tự hành Caesar của Pháp, cũng như M777 của Mỹ, hay Panzerhaubitze của Đức đều không phải là vũ khí siêu mới. Các chuyên gia Nga không thể tìm thấy có gì để sao chép được. Nga đã có đủ các hệ thống pháo tầm ngắn, tầm trung, tầm xa với chất lượng cao, giải quyết được mọi nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường. Các loại pháo của Nga có đầy đủ tính năng hiện đại cần thiết.
Chuyên gia quân sự Khutov kết luận: "Tất cả vũ khí của NATO viện trợ cho Ukraine đối với Nga đều có ý nghĩa chiến lược – quân sự, quan trọng.
Chúng giúp Nga có thể hiểu được xu thế phát triển vũ khí trong NATO. Có nghiên cứu chúng, mới có thể hiểu được rằng các giải pháp trong vũ khí của chúng ta công nghệ hơn và hiệu quả hơn".