Nga - Iran: Sắp đến hồi huynh đệ tương tàn vì "chiến lợi phẩm" kếch xù ở Syria?

Ngọc Anh |

Khi cuộc khủng hoảng Syria đang tiến tới giai đoạn được giải quyết bằng con đường chính trị thì hai đồng minh Nga và Iran dường như đã xuất hiện mâu thuẫn.

Cục diện ở Syria đang thay đổi nhanh chóng với một lệnh ngừng bắn đang mở rộng và các khu vực không leo thang chiến sự được đề xuất bởi Nga, Mỹ và Jordan.

Rõ ràng, cuộc khủng hoảng Syria đang dần dần, một cách vững chắc, tiến vào giai đoạn giải quyết bằng chính trị.

Trong tình hình đó, các bên khác nhau của cuộc chiến chắc chắn có những cách nhìn khác nhau về vai trò của họ trong cục diện chung cũng như tương lai của đất nước Syria – vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.

Theo chuyên gia Vladimir Sazhin, một nhà nghiên cứu lâu năm tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Khoa học Nga, những khác biệt nói trên đã xuất hiện giữa hai nước từng là đồng minh gần gũi – đó là Nga và Iran.

"Tuy trước đây Nga và Iran đã hợp tác chặt chẽ với nhau để ủng hộ chính phủ hợp pháp tại Syria, nhưng hiện tại những khác biệt trong quan điểm của Moscow và Tehran về tương lai của Syria, về vai trò của mỗi bên, đã trở nên rõ nét. Nga và Iran cùng có chung các mục tiêu chiến thuật, nhưng về tầm nhìn chiến lược thì hoàn toàn không có điểm chung nào", Sazhin trả lời trang Sputniknews.

Nga và Iran có mục tiêu chiến lược khác nhau tại Syria

Ông Sazhin giải thích rằng, Nga muốn Syria trở thành một nước mà ở đó các nhóm thiểu số và tôn giáo khác nhau có quyền bình đẳng. Về phía Tehran, họ muốn thiết lập ở Damascus một chính phủ sẵn sàng đảm bảo sức mạnh cũng như sự ảnh hưởng của Iran trong khu vực cũng như trong cộng đồng người Hồi giao Shiite ở Iran, Iraq, Syria, Lebannon.

Iran muốn duy trì một hành lang hậu cần đảm bảo sự hỗ trợ về quân sự và tài chính cho các lực lượng thân Iran, trước hết là lực lượng Hezbollah, trong khu vực.

Ông Sazhin nhấn mạnh rằng mặc dù vai trò của Hezbollah ở Syria đang giảm đi, lực lượng này vẫn tiếp tục là công cụ chính để mở rộng ảnh hưởng của người Shiite do Iran lãnh đạo trong khu vực.

Nga - Iran: Sắp đến hồi huynh đệ tương tàn vì chiến lợi phẩm kếch xù ở Syria? - Ảnh 1.

Syria sẽ là "bài kiểm tra" cho mối quan hệ đồng minh Nga-Iran. Ảnh: Sputnik

Từ tháng 6/2016, Hezbollah đã ngày càng chống lại các thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, bao gồm một vài cuộc đối đầu với quân đội Syria trong quá trình giải phóng Aleppo.

Moscow đã nhiều lần đề xuất việc nhập nhiều nhóm vũ trang Shiite vào quân đội Syria để có một sự chỉ huy thống nhất, nhưng lần nào đề xuất này cũng bị từ chối.

"Tất nhiên, Tehran không muốn mất đi sự đối trọng với Damascus. Thêm vào đó, Iran muốn bảo vệ một công cụ mạnh mẽ để có thể kiểm soát các vùng mà họ cho là có lợi ích quan trọng ở Syria", Sazhin nhận định.

Israel, đối thủ chính của Iran ở Trung Đông, luôn coi các hoạt động của Tehran ở Syria là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của mình. Israel khẳng định rằng mục đích thật sự của Iran ở Syria không phải là chống khủng bố mà là kiểm soát các vùng lãnh thổ Syria để tăng cường sự hiện diện của mình ở Trung Đông.

Theo nhà phân tích chính trị Anton Mardasov, những lo ngại của Israel về các lực lượng thân Iran là có cơ sở.

"Tehran vẫn tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự của họ ở Syria. Hơn nữa, Iran thúc đẩy truyền bá giáo lý Shiite tại các vùng của người Sunni và điều này gia tăng nguy cơ xung đột tôn giáo. Về lâu dài, Iran có thể thiết lập một hành lang Shiite trong khu vực. Đây là việc ẩn chứa nhiều nguy hiểm và có thể là nhân tố đe dọa tới tiến trình giải quyết xung đột bằng chính trị ở Syria", ông Mardasov cho biết.

Vì Nga có lợi ích về nhiều mặt ở Syria nên Moscow cố gắng duy trì quan hệ bình thường với tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến, bao gồm cả đối thủ chính của Iran là Israel và Ả Rập Saudi.

Theo Sputnik, Moscow đánh giá rằng các chính sách của Tehran tại Syria là khá mơ hồ. Rõ ràng, Nga không vui vẻ gì với việc Iran cố gắng áp đặt ý muốn của họ lên Damascus hay việc Iran thiết lập nền tảng về chính trị và tư tưởng cho việc mở rộng ảnh hưởng của người Hồi giáo Shiite ở khu vực.

Những bước đi của Iran được đánh giá là sẽ gây mất ổn định và nhiều khả năng thổi bùng mâu thuẫn giữa Iran và Israel cũng như giữa Iran và các nước Ả Rập khác.

Kịch bản đó tất nhiên không phục vụ các lợi ích của Nga trong khu vực. Nhiều chuyên gia và nhà bình luận tin rằng, đó chính là lý do đằng sau những mâu thuẫn giữa Nga và Iran ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại