Nga - Iran: Mối quan hệ "đồng sàng dị mộng" tại Syria?

Thiên Hà |

Vừa hiện diện một tuần tại căn cứ quân sự của Iran, Nga đã nhanh chóng đưa quân về nước khiến truyền thông thế giới "đau đầu" giải mã mối quan hệ của hai nước này.

Ngày 22/8, Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, Moscow đã ngừng sử dụng căn cứ không quân Hamedan của Iran trong cuộc chiến chống IS do đã... "hoàn thành tất cả các nhiệm vụ".

Cùng ngày, chính quyền Tehran đã gọi hành vi của điện Kremlim là "phản bội lòng tin" và "khoe khoang, thiếu nhã nhặn" khi công bố các thông tin về việc không quân Nga sử dụng căn cứ quân sự của Iran.

Theo giới quan sát, nguyên nhân không quân Nga rút quân về nước sau một tuần hiện diện do sự nhúng tay của phương Tây, nổi bật là Mỹ.

Nhưng có ý kiến khác cho rằng, việc Iran bất ngờ chấm dứt quyền sử dụng căn cứ của Nga phản ánh sự nghi ngờ xâu xa của Tehran đối với Moscow, mặc dù hiện nay hai nước là đồng minh chiến lược của nhau trong cuộc chiến Syria.

Quyết định nói trên cũng cho thấy một thực tế, có thể vì quá tự mãn trước tầm ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, Nga đã không chú ý hệ quả của việc thông báo công khai sử dụng căn cứ quân sự Hamedan tác động đến dư luận quốc gia Hồi Giáo này.

Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times (Mỹ), giáo sư Đại học bang San Francisco Maziar Behrooz cho biết, việc Iran quyết định rút giấy phép sử dụng căn cứ, thể hiện sự "thiếu phối hợp" giữa hai bên về cách thức, thậm chí cả về việc có nên thông báo hoặc giữ bí mật về thỏa thuận này.

"Nga đã công khai thông tin này mà không quan tâm đến sự nhạy cảm trong nội bộ Iran… Nếu Nga im lặng thì có thể sẽ không xảy ra vấn đề gì", ông Behrooz nói.

Nga - Iran: Mối quan hệ đồng sàng dị mộng tại Syria? - Ảnh 1.

Tu-22M3 của Nga tại căn cứ không quân Hamadan ở Iran. (Ảnh: Yahoo.com)

Theo NYT, thái độ bị đánh giá là "quá kiêu căng" của Nga khiến Iran phật lòng bởi từ gần một năm nay, Moscow đã "qua mặt" Tehran trong vai trò đồng minh hàng đầu của chính phủ Syria.

Từ tháng 9/2015, điện Kremlin đã triển khai lực lượng không quân hùng hậu nhằm ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad nhưng lại làm lu mờ vai trò của Tehran trong khi chính Iran và các lực lượng dân quân đồng minh mới là đối tượng chịu thương vong để giúp đỡ Syria.

Theo NYT, mục tiêu chung của Nga và Iran chính là ngăn chặn việc lật đổ Tổng thống Assad bằng vũ lực, đồng thời chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan - được cho là mối đe dọa đối với an ninh của hai nước.

Tuy nhiên, hai nước lại có cách tiếp cận, vai trò và tầm nhìn dài hạn rất khác nhau.

Nga ưu tiên ngăn chặn việc phương Tây muốn thay đổi chế độ, trong đó có chính sách can thiệp công việc vào nội bộ của một quốc gia cũng như nhằm bảo vệ các cơ quan nhà nước của Syria.

Ngược lại, Iran lại chú ý nhiều hơn đến việc mở rộng ảnh hưởng ở toàn bộ khu vực Trung Đông, thông qua mối quan hệ với nhóm Hezbollah ở Liban hoặc các lực lượng dân quân người Shiite và cả với ông Assad - người đã từ lâu cho phép Iran chi viện vũ khí cho Hezbollah qua Syria.

Trước đó về vấn đề Israel, trong khi Iran và Israel xem nhau như kẻ thù không đội trời chung thì Nga vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Israel - nơi có một triệu người Nga sinh sống.

"Nga không đáng tin cậy. Họ [ Nga - Iran] không tin tưởng lẫn nhau", ông Cliff Kupchan - Chủ tịch Tập đoàn Eurasia - công ty tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới có trụ sở tại Washington cho biết.

Yuri Barmin - một chuyên gia phân tích về Trung Đông của Nga đăng trên Twitter cho hay, việc Nga ngừng sử dụng căn cứ Hamedan do gặp phải "khó khăn về hậu cần" nhưng cũng không quên nhấn mạnh, sự việc này xảy ra "quá nhanh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại