Các đội bay của Lực lượng Không quân Belarus đã hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật như một phần trong kế hoạch triển khai vũ khí này cho đồng minh của Nga trong bối cảnh giao tranh tiếp diễn ở nước láng giềng Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ngày 15/4.
Bộ trên đã công bố một đoạn video trong đó một phi công Belarus nói rằng khóa huấn luyện ở Nga đã trang bị cho các phi công lái máy bay tấn công mặt đất Su-25 của Không quân Belarus những kỹ năng cần thiết để sử dụng vũ khí.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước tuyên bố rằng Moskva có kế hoạch triển khai một số vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ Belarus.
Tiếp đó, ngày 2/4, Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai gần biên giới phía tây của Belarus, trước cửa ngõ NATO. Theo ông Grizlov, việc Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến biên giới phía tây Belarus là một phần của các động thái nhằm "đảm bảo an ninh".
"Vũ khí hạt nhân của Nga sẽ được triển khai tới biên giới phía tây quốc gia đồng minh của chúng tôi và sẽ tăng cường năng lực an ninh của chúng tôi. Kế hoạch này sẽ được thực hiện bất chấp sự phản đối của châu Âu và Mỹ", hãng tin Reuters dẫn lời Đại sứ Grizlov nói với kênh truyền hình của Belarus.
Nga đã ký kết một thỏa thuận liên minh với Belarus, trong đó đề cập các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự chặt chẽ. Quân đội Nga đã sử dụng lãnh thổ Belarus để tiến vào Ukraine từ phía bắc vào tháng 2/2022 và đã duy trì sự hiện diện ở Belarus.
Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tới Belarus sẽ đưa vũ khí này đến gần hơn với các mục tiêu tiềm năng ở Ukraine và các thành viên NATO ở Đông và Trung Âu. Belarus có chung đường biên giới dài 1.250 km với các thành viên NATO là Latvia, Litva và Ba Lan.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có tầm bắn tương đối ngắn và sức mạnh kém hơn nhiều so với đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa chiến lược tầm xa, vốn có khả năng hủy diệt cả thành phố.
Một tên lửa Iskander-K của Nga được phóng trong cuộc tập trận quân sự trên thao trường ở Nga. Ảnh: Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga/AP
Tổng thống Putin nói rằng việc xây dựng các cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ được hoàn thành ở Belarus trước ngày 1/7 năm nay. Nga cũng đã giúp hiện đại hóa các máy bay chiến đấu của Belarus để chúng tương thích với việc mang vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Moskva còn cung cấp cho Belarus tên lửa tầm ngắn Iskander có thể gắn đầu đạn hạt nhân.
Tổng thống Putin đã nhấn mạnh rằng Nga sẽ giữ quyền kiểm soát đối với bất kỳ vũ khí hạt nhân nào được triển khai tới Belarus, giống như Mỹ kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trên lãnh thổ của các đồng minh NATO.
Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko, đã gợi ý rằng một số vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga cũng có thể được triển khai tới nước này bên cạnh các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Moskva.
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin một lần nữa đề cập đến khả năng này hôm 15/4, nói rằng "đó có thể là bước tiếp theo" nếu phương Tây tiếp tục điều mà ông mô tả là đường lối thù địch của mình.
"Chúng tôi sẽ chỉ đáp trả vũ lực bằng vũ lực. Nếu không, họ sẽ không hiểu điều đó ở phương Tây", ông Khrenin nói.
Belarus, Kazakhstan và Ukraine đều từng có vũ khí hạt nhân của Liên Xô trên lãnh thổ của mình nhưng đã bàn giao toàn bộ kho vũ khí này cho Nga sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.