Theo thông báo từ Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga cho hay, Tập đoàn chế tạo máy bay Sukhoi hiện tại đã có thể bắt đầu các cuộc đàm phán bán máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ 5 do Sukhoi chế tạo cho các khách hàng nước ngoài, sau khi giấy phép xuất khẩu chiến đấu cơ này đã được thông qua.
Dựa trên tuyên bố ngày 16/8 của Rosoboronexport, biến thể xuất khẩu của tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ có định danh là Su-57E và bất cứ khách hàng tiềm năng nào của Rosoboronexport đều có thể mua chiến đấu cơ này.
Trước đó Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov – Phụ trách về công nghiệp quốc phòng từng phát biểu trước báo giới rằng, ngay sau khi Su-57 được biên chế chính thức cho lực lượng Không quân Nga thì quá trình xuất khẩu chiến đấu cơ thế hệ 5 này cũng sẽ được khởi động. Tới thời điểm hiện tại tuyên bố trên đã trở thành hiện thực.
Khi được hỏi về khả năng xuất khẩu Su-57, ông Borisov cho biết, Moscow từng lo ngại việc xuất khẩu quá sớm Su-57 sẽ ảnh hưởng tới các hợp đồng xuất khẩu Su-35 – dòng chiến đấu cơ bán chạy nhất của Nga hiện nay và họ không có lý do gì để phá hoại thị trường của chính mình.
Tuy nhiên đối với Moscow, một mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 như Su-57 lại là một lá bài chiến lược trong các mối quan hệ hợp tác quân sự hoặc giúp thị trường vũ khí xuất khẩu của nước này trở nên hấp dẫn hơn.
Nga muốn hoãn xuất khẩu tiêm kích tàng hình Su-57 vì sợ không bán được Su-35. Ảnh: airliners.net.
Nhiều khả năng Nga sẽ chính thức giới thiệu biến thể xuất khẩu của tiêm kích tàng hình Su-57 vào tháng 11 tới tại Triển lãm hàng không quốc tế Dubai, bởi một số nhà phân tích cho rằng Trung Đông là thị trường hấp dẫn cho loại chiến đấu cơ này.
Dù vậy khả năng một quốc gia nào đó trong khu vực Trung Đông có thể đặt mua mẫu tiêm kích này là khá thấp, trong khi đó ở châu Á Nga luôn có sẵn hai khách hàng tiềm năng cho Su-57 là Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong đó Ấn Độ được đánh giá có khả năng cao sẽ mua chiến đấu cơ này thay vì cùng Nga phát triển chương trình FGFA.
Ngoài ra khu vực Đông Nam Á cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng cho Su-57 bởi từ lâu truyền thông Nga đã luôn có nhận định rằng Việt Nam và Indonesia đang để ngỏ khả năng đàm phán mua mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 mới nhất của Nga.
Tựu chung lại Sukhoi Su-57 có thể là một mẫu chiến đấu cơ đặc biệt nhưng bất kỳ quốc gia nào muốn mua nó đều sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng, bởi với giá thành có thể lên đến hơn 50 triệu USD của Su-57 có thể sẽ khiến nhiều khách hàng nản lòng.
Đó là còn chưa kể tới việc mẫu máy bay này có tốt như tuyên bố hay không thì đến lúc này chỉ có mỗi người Nga là biết rõ nhất.