Nga can thiệp, thế trận Nagorno-Karabakh thay đổi chỉ trong một ngày
Lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan bắt đầu có hiệu lực ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh từ lúc 12:00 (giờ địa phương) ngày 10/10/2020.
Azerbaijan và Armenia đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên sau cuộc đàm phán kéo dài khoảng 10 tiếng tại Moscow một ngày trước đó. Tại đây, Nga đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục các bên giao tranh chấp nhận chế độ ngừng bắn mới.
Cuộc đàm phán có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zohrab Mnatsakanyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov và do Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov làm trung gian hòa giải.
Azerbaijan và Armenia cũng chính thức đồng ý bắt đầu xúc tiến các cuộc đàm phán thực chất để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột quân sự ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh nổ ra vào ngày 27/ 9 vừa qua.
Quá trình thương thuyết sẽ do các nhà đàm phán quốc tế của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) làm trung gian.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở khu vực Nagorno-Karabakh đã hoàn tất. Theo ông, triển vọng hòa bình phụ thuộc vào sự sẵn sàng của Armenia trong việc chấp nhận thực tế rằng những vùng lãnh thổ này không thuộc về họ.
Chiến sự ở Nagorno-Karabakh đã hạ nhiệt sau khi có sự can thiệp của Nga
Để tìm được một giải pháp hòa bình, Azerbaijan và Armenia sẽ phải ngồi lại với nhau trên bàn đàm phán dưới sự hỗ trợ của Nhóm Minsk. Phía Azerbaijan được cho là đã sẵn sàng thực hiện đề xuất này ngay tức thì.
Chỉ vài ngày trước, ban lãnh đạo Azerbaijan do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ từng quả quyết tuyên bố họ đang tiến tới giải quyết vấn đề Karabakh bằng biện pháp quân sự bằng mọi giá. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực ngoại giao của Nga, thế trận đã thay đổi chỉ trong một ngày.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Jeyhun Bayramov, Nga đã thể hiện lập trường cân bằng và trung lập trong suốt thời gian leo thang ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh vừa qua.
“Nga là nước láng giềng có quan hệ chiến lược với chúng tôi. Nga đã thể hiện một cách tiếp cận cân bằng, duy trì sự trung lập trong suốt giai đoạn leo thang”, ông Bayramov phát biểu trong cuộc họp báo ngày 10/10.
Thổ Nhĩ Kỳ cần ghi nhớ: Nga đã đặt ra lằn ranh đỏ không thể dung thứ!
Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chính của Azerbaijan và được cho là “kẻ chủ mưu” kích động cuộc chiến Armenia-Azerbaijan hiện nay, lại tỏ ra hung hăng hơn. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố cứng rắn: Armenia phải trả trả lại các vùng lãnh thổ mà nước này đang kiểm soát cho Azerbaijan.
“Quân đội Azerbaijan đã hành động anh dũng và giành chiến thắng vĩ đại để giải phóng những vùng đất bị chiếm đóng. Armenia phải trả lại các vùng đất mà họ đã chiếm giữ cho chủ sở hữu hợp pháp”, người đứng đầu Bộ QP Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố. “Cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng với người anh em Azerbaijan của chúng tôi”.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn và quyết định ngoại giao quay trở lại đàm phán, tình hình trên thực địa ở giới tuyến chia cắt giữa Armenia và Azerbaijan diễn ra vẫn phức tạp.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết, Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công vào Nagorno-Karabakh chỉ 5 phút sau khi lệnh ngừng bắn được ký kết. Armenia cũng cáo buộc các lực lượng Azerbaijan đã pháo kích vào một số khu vực dân sự, gồm cả thị trấn Hadrut.
Hình ảnh do Quân đội Armenia công bố hôm 27/9/2020 ghi lại cảnh một chiếc xe tăng của Azerbaijan nổ tung sau khi bị tấn công
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng tuyên bố, “bất chấp thỏa thuận ngừng bắn”, Armenia đã nã pháo vào một số khu vực của Azerbaijan. Các nguồn tin địa phương cho biết, các cuộc đọ súng lẻ tẻ vẫn đang diễn ra. Thế nhưng, cả hai bên đều lên tiếng phủ nhận việc họ vi phạm lệnh ngừng bắn và đổ lỗi cho nhau.
Sau những cáo buộc qua lại, Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov nói rằng đất nước ông “không loại trừ việc nối lại các hành động tấn công” nếu Armenia tiếp tục vi phạm quá trình đàm phán.
“Armenia phải hoàn thành các nghĩa vụ của mình, nếu không chúng tôi không loại trừ khả năng kích hoạt trở lại các hành động chiến đấu. Cần phải thấy rằng, Armenia đã vi phạm các nghĩa vụ của mình. Các hành động thù địch của họ vẫn tiếp diễn bất chấp lệnh ngừng bắn”, ông Bayramov quả quyết.
Tính đến tối ngày 10/10, không có bên nào thực sự đang tiến hành các hoạt động tấn một cách có chủ đích. Do đó, lệnh ngừng bắn có thể nói là đã phát huy tác dụng.
Mặc dù vậy, cục diện trong khu vực vẫn có nguy cơ bùng nổ một lần nữa nếu như các bên tham chiến không kiểm soát hành động của mình.
Trong cuộc xung đột hiện nay, Nga được đánh giá là vẫn đang giữ vai trò là nước bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho Armenia, ngăn cản Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ tấn công trực tiếp vào biên giới Armenia. Tuy nhiên, Yerevan cũng không nên trông chờ vào sự can thiệp quân sự trực tiếp của Nga.
Azerbaijan tung video tấn công phá hủy các hệ thống phòng không của Armenia
Với tình hình tại Karabakh, Moscow không mong muốn xảy ra bất ổn hơn nữa trong khu vực và nhất là sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng sự hiện diện của các phần tử cực đoan ở đó.
Vì vậy, Nga sẽ sử dụng ảnh hưởng ngoại giao của mình để hòa giải xung đột và buộc các bên quay lại bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
Hôm thứ Năm tuần trước, chứng kiến chiến sự leo thang căng thẳng, Tổng thống Vladimir Putin đã thúc giục các bên xung đột trong cuộc tranh chấp ở Nagorno-Karabakh ngay lập tức ngừng lại các hành động thù địch, trao đổi tù nhân và thi thể của những người đã thiệt mạng.
Tổng thống Putin sau đó cũng đã mời ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan tới Moscow để đàm phán.
“Ngoại trưởng của Azerbaijan và Armenia đã được mời đến Moscow vào ngày 9/10 để tổ chức tham vấn về những vấn đề liên quan với sự trung gian hòa giải của Bộ trưởng Ngoại giao Nga”, thông báo của Điện Kremlin cho biết.
Thế nhưng, các hành động của Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến viễn cảnh khu vực Nagorno-Karabakh bị biến thành một điểm nóng khủng bố mới nếu như Ankara tìm triển khai các chiến binh cực đoan tới đó.
Đối với Nga, sự hiện diện ngày càng nhiều của các phần tử khủng bố có liên hệ với al-Qaeda gần biên giới đất nước là lằn ranh đỏ không thể dung thứ.