Chuyên gia quân sự Nga Vashily Kashin hôm 15/6 cho biết, rất có khả năng quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ sản xuất hàng loạt và đưa vào biên chế cho quân đội nước này nhiều máy bay vận tải quân sự chiến lược hạng nặng thế hệ mới Y-20 ngay trong năm nay.
Tuy nhiên, tốc độ cung ứng loại máy bay vận tải hạng nặng này cho quân đội Trung Quốc sẽ được quyết định bởi năng lực độc lập chế tạo máy bay của ngành công nghiệp hàng không nước này.
Ông Kashin cho rằng, tuy Trung Quốc đã sản xuất và đưa vào biên chế Y-20 nhưng nước này vẫn bắt buộc phải mua máy bay Il-76 của Nga. Vấn đề này xuất phát từ sự bất cập giữa nhu cầu của lực lượng không quân và năng lực tự chủ sản xuất của Trung Quốc.
Nhu cầu vận tải của Không quân Trung Quốc đang ngày một tăng cao
Chuyên gia quân sự Kashin cho biết, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sẽ phải cần tới ít nhất 100 chiếc máy bay vận tải hạng nặng Y-20 để bảo đảm tính cơ động trên toàn cầu, bảo đảm sơ tán an toàn công dân nước này khi thế giới có biến và hoàn thành các nhiệm vụ bảo đảm an ninh khác.
Theo phân tích của chuyên gia quân sự Trung Quốc, không quân nước này còn phải có thêm 50 đến 60 chiếc máy bay khác bao gồm máy bay tiếp dầu, máy bay trinh sát tầm xa, máy bay trinh sát điện tử và máy bay tác chiến điện tử mới đủ khả năng bảo đảm cho các hoạt động.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng không quân tầm xa
Hiện nay, các Tập đoàn chế tạo hàng không của Trung Quốc chuẩn bị cùng lúc sản xuất 3 loại máy bay cỡ lớn hoàn toàn mới, bao gồm máy bay vận tải khách C919, máy bay vận tải hạng nặng Y-20 và thủy phi cơ “Giao Long”.
Ngoài ra, không quân nước này vẫn có nhu cầu lớn về bổ sung thêm máy bay vận tải hạng trung Y-8 và Y-9 và máy bay ném bom tầm xa H-6K.
Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn của lực lượng không quân đã vấp phải một khó khăn rất lớn, do năng lực sản xuất máy bay cỡ lớn của các Tập đoàn chế tạo máy bay nước này còn hạn chế, các dây chuyền đang đứng trước tình trạng quá tải.
Năng lực tự chủ sản xuất máy bay vận tải hạng nặng hạn chế
Vào năm 1981, Trung Quốc mới bắt đầu sản xuất hàng loạt loại máy bay vận tải tầm trung Y-8, trải qua gần 20 năm (tính đến năm 2010), không quân nước này mới sở hữu 169 chiếc.
Nhìn chung thì tiềm lực công nghiệp chế tạo máy bay vận tải hạng nặng của Trung Quốc còn hạn chế, tốc độ sản xuất ở mấy năm đầu là khá thấp, bình quân mỗi năm các nhà máy của nước này chỉ sản xuất được 5 đến 6 chiếc máy bay Y-8.
Đến giai đoạn hiện nay, các Tập đoàn chế tạo hàng không Trung Quốc mới có khả năng sản xuất với số lượng lớn loại máy bay vận tải hạng trung, mà hiện nay nhiệm vụ cấp bách của họ là phải tăng cường năng lực sản xuất máy bay vận tải hạng nặng.
Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần phải nhanh chóng tăng số lượng công nhân, nhưng rất có thể sẽ làm cho chất lượng đào tạo nhân lực giảm, dẫn đến chất lượng sản phẩm đầu ra bị giảm sút. Do đó, trong thời gian tới, tốc độ sản xuất các máy bay mới của Trung Quốc sẽ không thể nhanh được.
Có thể ở những năm đầu, mỗi năm Trung Quốc chỉ sản xuất được 2 đến 4 chiếc. Có nghĩa là muốn nhanh chóng đưa vào sản xuất và sở hữu với số lượng lớn các máy bay vận tải hạng nặng, Trung Quốc không thể không nhập khẩu máy bay vận tải Il-76 của Nga.
Chuyên gia Nga: Trung Quốc sẽ phải nhờ Nga
Năng lực sản xuất công nghiệp quân sự của Trung Quốc chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng máy bay vận tải hạng nặng cần trang bị cho quân đội nước này, trong khi nước này đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.
Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng việc bảo vệ công dân của họ ở hải ngoại, quy mô hoạt động sơ tán công dân tại các khu vực xảy ra xung đột ngày càng mở rộng. Bắc Kinh đã đề xuất xây dựng căn cứ quân sự thứ nhất tại Djibouti thuộc châu Phi và sau đó có thể là các căn cứ quân sự ở các nước khác.
Hiện Trung Quốc đang lùng sục khắp thế giới để mua lại các máy bay vận tải hạng nặng Il-76 của Nga. Ví dụ như việc nước này lùng mua một chiếc Il-76 mang số hiệu sản xuất 1023410339, bay lần đầu vào ngày 21/5/1993, sau đó gia nhập một hãng hàng không của Uzbekistan.
Vào tháng 4/2004, chiếc máy bay này được đưa vào kho niêm phong cất giữ. Đầu năm 2015, Trung Quốc đã mua lại và đến tháng 7/2015, chiếc Il-76 này bắt đầu được Trung Quốc "mông má" rồi nâng cấp lại để kéo dài tuổi thọ và đưa vào sử dụng.
Vị chuyên gia quân sự Nga nhận định, từ thực trạng này có thể thấy, viễn cảnh hợp tác trong lĩnh vực sản xuất máy bay vận tải quân dụng hạng nặng giữa Trung Quốc với Nga vẫn có chiều hướng khả quan.
Nga giúp Trung Quốc có năng lực quản lý ADIZ toàn diện
Hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sắp sửa đơn phương lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) phi pháp trên Biển Đông.
Để có năng lực quản lý ADIZ, một là Bắc Kinh phải có tàu sân bay với các tiêm kích hạm mạnh mẽ để áp dụng phương thức quản lý cơ động từ trên biển, hoặc là phải có khả năng quản lý từ các sân bay ven bờ và các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Hiện Trung Quốc đã có tàu sân bay Liêu Ninh nhưng nó không thể có năng lực tác chiến, đồng thời các tiêm kích hạm J-15 phiên bản cơ sở cũng có phạm vi tác chiến và lượng vũ khí mang theo rất kém. Do đó, Liêu Ninh chỉ được sử dụng làm phương tiện huấn luyện biển đội hàng không mẫu hạm Trung Quốc.
Máy bay vận tải Il-76 mang số hiệu sản xuất 1023410339, Trung Quốc mua lại của Uzbekistan
Các tàu sân bay quốc nội đang chế tạo thì ít nhất cũng mất 7 - 10 năm nữa mới có khả năng hình thành năng lực tác chiến, trong khi đó, Trung Quốc sẽ nỗ lực nâng cấp tiêm kích hạm J-15 lên phiên bản tiếp theo hiện đại hơn thì mới đủ năng lực tác chiến.
Do đó, trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc sẽ xây dựng ADIZ theo phương án thứ 2, tức là quản lý ADIZ từ các sân bay trên bờ và các căn cứ quân sự xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Hiện các sân bay trên đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã hoàn tất một phần cơ sở hạ tầng để quản lý ADIZ.
Tuy nhiên, đối với quần đảo Hoàng Sa, khoảng cách từ bờ biển Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc không xa nên Bắc Kinh không phải lo ngại vấn đề tiếp tế và phạm vi tuần tiễu của chiến đấu cơ nhưng đối với quần đảo Trường Sa thì vấn đề này là một khó khăn lớn.
Vì thế, yếu tố thứ 2 mà Bắc Kinh cần có để quản lý theo phương thức này là nâng cao năng lực vận tải tầm xa và khả năng tiếp liệu trên không. Và Nga chính là người đã gián tiếp hỗ trợ cho Trung Quốc có đủ năng lực lập và quản lý ADIZ phi pháp trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Vấn đề Nga đã giúp Trung Quốc những gì trong việc xây dựng năng lực quản lý ADIZ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.