Nga giục Ấn Độ trả tiền để bàn giao S-400

Thiên Thanh |

Nga sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống S-400 cho Ấn Độ vào năm 2020 và hoàn tất vào năm 2025.

Nga hy vọng sẽ nhận được khoản thanh toán tạm ứng từ Ấn Độ cho hệ thống phòng không S-400 trước cuối năm 2019 để việc giao hàng có thể bắt đầu trong năm 2020 và hoàn tất năm 2025, Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang (FSMTC) Vladimir Drozhzhov nói với báo giới.

“Kế hoạch thanh toán đã được thống nhất, và tôi hy vọng khoản thanh toán đầu tiên sẽ được phía Ấn Độ chuyển sớm.

Tôi nghĩ rằng đến cuối năm 2020 đầu năm 2021 tổ hợp đầu tiên sẽ được bàn giao. Sau tổ hợp đầu tiên, các hệ thống khác sẽ được chuyển giao theo một lịch trình nhất định trong những năm tới. Ấn Độ sẽ nhận tất cả hệ thống vào năm 2024-2025”, ông Drozhzhov giải thích.

Tháng 10-2018, Moscow và New Delhi đã ký hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất cho Ấn Độ trị giá 5,43 tỷ USD. Thỏa thuận đã được ký trong thời gian Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm Ấn Độ hai ngày.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra cảnh báo gián tiếp cho Ấn Độ rằng việc mua vũ khí từ Nga, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, có thể làm tổn hại các thỏa thuận vũ khí giữa Ấn Độ và Mỹ, nguy cơ kích hoạt các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ấn Độ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Nga giục Ấn Độ trả tiền để bàn giao S-400 - Ảnh 1.

TT Nga Putin đã đồng ý bán hệ thống S-400 cho Ấn Độ trong chuyến viếng thăm và gặp gỡ người đồng cấp Narendra Modi.

Ấn Độ muốn cả hai hệ thống của Mỹ và Nga

Để giữ bầu không khí ôn hòa với Mỹ và tránh lệnh trừng phạt, Ấn Độ đã bắt đầu tiến trình mua hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại NASAMS II của Mỹ trị giá 1 tỉ USD, trước khi ký thỏa thuận mua hệ thống S-400 với Nga.

Mỹ cũng đã đề nghị cung cấp cho Ấn Độ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và hệ thống phòng thủ Patriot để thuyết phục nước này rút lại việc mua S-400.

Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ cho hay hệ thống NASAMS II của Mỹ có giá cao hơn hệ thống S-400 của Nga.

Dù vậy, họ vẫn muốn có cả NASAMS II và S-400 cùng với các hệ thống mã hóa khác nhằm đối phó các đe dọa mới nổi trong thời buổi chiến tranh mạng và điện tử.

Chuyên gia quốc phòng Pravin Sawhney đồng ý với quan điểm trên. Ông lập luận rằng sử dụng S-400 để đối phó máy bay đang lao tới hoặc một vật thể không người lái như máy bay không người lái chẳng hạn là ý kiến hay bởi S-400 có thể phá hủy tên lửa đạn đạo.

“S-400 được sử dụng tốt nhất là bảo vệ các thành phố lớn và các mục tiêu có giá trị cao trước tên lửa đạn đạo”, ông nhận xét.

Mặt khác, NASAMS có tầm hoạt động hạt chế, được thiết kế để hạ gục máy bay tấn công và các phương tiện trên không khác, trong đó có tên lửa hành trình bay thấp.

“Ấn Độ đã lên kế hoạch dùng S-400 cho phòng không tấn công và NASAMS cho phòng không phòng thủ”, ông Sawhney cho biết.

Các chuyên gia tin rằng trong khi S-400 của Nga được Ấn Độ dùng với mục đích bảo vệ trước các tên lửa của Trung Quốc, còn NASAMS của Mỹ sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của bất kỳ máy bay tấn công nào từ Pakistan.

Theo kế hoạch của Ấn Độ, NASAMS được triển khai ở các khu vực biên giới nhằm bảo vệ các cơ sở quân sự nhạy cảm chống lại các trận không chiến, tương tự như vụ không chiến hôm 27-2 giữa các chiến đấu cơ của Ấn Độ và Pakistan.

Nga giục Ấn Độ trả tiền để bàn giao S-400 - Ảnh 3.

Hệ thống phòng không NASAMS có thể cùng lúc hạ gục 72 mục tiêu. Ảnh: Airforce Technology

Trong khi đó, 5 trung đoàn S-400 mà Ấn Độ mua từ Nga sẽ bảo vệ 2-3 thành phố chính của Ấn Độ, trong đó có thành phố thủ đô New Delhi.

Về mặt hoạt động, mỗi trung đoàn S-400 gồm hai khẩu đội, mỗi khẩu đội có bốn bệ phóng. Do đó, 5 trung đoàn S-400 sẽ có 40 bệ phóng.

S-400 có thể bắn bốn tên lửa khác nhau: tên lửa tầm xa 40N6 có tầm bắn 400km, tên lửa tầm xa 48N6 có tầm bắn 250km, tên lửa tầm trung 9M96E2 có tầm bắn 120 km và tên lửa tầm ngắn 9M96E có tầm bắn 40km.

Tên lửa 40N6 nhằm chống lại Hệ thống cảnh báo và điều khiển trên không (AWACA), trong khi 48N6 được thiết kế để phá hủy các mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo bay tốc độ 4.800m/s.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại