Hoạt động đẩy nhanh bàn giao hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Ấn Độ có thể đẩy xung đột biên giới Trung - Ấn leo thang.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cuối tuần trước, truyền thống Nga đưa tin Moscow đã đồng thuận tiến hành hoạt động chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ vào tháng 1/2021. Đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ sở hữu S-400 sớm hơn kế hoạch ban đầu gần 1 năm.
Thông tin New Delhi thúc giục Nga hoàn thành thương vụ mua bán S-400 trị giá 5,43 tỉ USD được công bố giữa lúc căng thẳng tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn gia tăng.
Theo bản hợp đồng mà Nga - Ấn ký kết hồi tháng 10/2018, hệ thống S-400 đầu tiên sẽ được Moscow chuyển giao cho New Delhi vào cuối năm 2021.
Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo Ấn Độ hủy thương vụ mua tên lửa S-400, trong khi dư luận Ấn Độ cũng tỏ ra hoài nghi trước hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Tuy nhiên, xung đột biên giới Trung - Ấn bùng phát ở dãy núi Himalaya vào ngày 15/6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng đã khiến New Delhi quyết định thúc Moscow đẩy nhanh tiến độ bàn giao S-400.
Dù Trung Quốc được cho cũng chịu thương vong về người, nhưng chính phủ Bắc Kinh chưa từng công bố con số tử vong và bị thương. Cả Trung - Ấn không ngừng đổ lỗi cho nhau làm căng thẳng leo thang, nhưng hai bên cũng nhấn mạnh việc theo đuổi giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Trước Ấn Độ, Trung Quốc cũng đã tiếp nhận hai lô S-400 từ Nga. (Ảnh: TASS)
Hồi tuần trước, trong chuyến thăm tới Moscow, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh không chỉ yêu cầu Nga nhanh chóng chuyển giao S-400, mà còn đưa ra đề nghị mua thêm 21 tiêm kích MiG-29 và 12 chiếc Su-30 MKI. Đây là thương vụ mua vũ khí khẩn cấp, sau khi xung đột biên giới Trung - Ấn bùng nổ ở vùng Ladakh.
Nhà bình luận quân sự Hong Kong Song Zhongping nhận định, hệ thống phòng không S-400 có tầm hoạt động 400 km và có thể trở thành mối đe dọa trên mặt trận Himalaya.
Bởi các hệ thống phòng không chính mà quân đội Trung Quốc đang triển khai tới vùng biên giới giáp Ấn Độ là các tên lửa do Trung Quốc sản xuất gồm HQ-9 và HQ-16. Hai loại tên lửa này của Trung Quốc có tầm bắn ngắn hơn so với S-400 Nga.
“Nếu S-400 được triển khai tới gần Đường Kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh, nó có thể trở thành mối đe dọa với máy bay Trung Quốc đang hoạt động sâu trong lãnh thổ nước này. S-400 có thể khiến quân đội Trung Quốc đau đầu trong hoạt động tuần tra và kiểm soát ở phía tây biên giới”, ông Song chia sẻ.
Nhưng theo ông Song, quân đội Trung Quốc cũng đã biết được điểm yếu của S-400. Bởi Trung Quốc chính là quốc gia đầu tiên trên thế giới mua hệ thống phòng không S-400 theo bản thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD vào năm 2104.
Lô S-400 đầu tiên được Nga chuyển giao cho Trung Quốc vào tháng 5/2018 và lô thứ hai là vào tháng Một năm nay. Ngoài ra, các binh sĩ không quân Trung Quốc cũng đã được đào tạo sử dụng S-400 tại Nga.
“Từ những kinh nghiệm vận hành S-400, quân đội Trung Quốc đã biết được điểm yếu của S-400 và biết cách đánh mù hoặc trừ khử nó”, ông Song nói thêm.
Trong khi đó, theo bản thỏa thuận xây dựng lòng tin giữa binh sĩ Trung - Ấn ở vùng biên giới, hai bên bị cấm để cho các máy bay quân sự bay trong phạm vi 10 km trong LAC nếu như không đưa ra đề nghị trước.
Do đó, ông Song cho rằng nếu xảy ra vụ tấn công nhằm vào máy bay Trung Quốc dù nó chưa vi phạm quy định trên, hành động này sẽ được coi là mang tính khiêu khích nghiêm trọng và dẫn tới bị trả đũa.
Nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh Zhou Chenming lại tỏ ra hoài nghi khi nhận định, mối đe dọa từ S-400 sẽ cần thời gian để kiểm chứng.
Bởi theo ông Zhou, Nga từng trì hoãn chuyển giao các hợp đồng bán vũ khí cho nước ngoài bao gồm S-400 cho Trung Quốc.
“Sau khi được bàn giao, S-400 vẫn cần từ 1 – 2 năm để vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Do đó, thông tin S-400 được đẩy nhanh bàn giao cho Ấn Độ mới chỉ là thông điệp cảnh báo Trung Quốc vào thời điểm hiện tại”, ông Zhou kết luận.
Theo thiết kế, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga có thể tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa tầm trung và cũng có thể được sử dụng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Tầm bắn đạt 400 km, hệ thống S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao tới 30 km.