Nga không coi việc kiểm soát Sakhalin-2 là quốc hữu hóa
Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có động thái nhằm đáp trả các hành động từ "các quốc gia không thân thiện" phương Tây và các đồng minh của phương Tây khi ký sắc lệnh giành quyền kiểm soát hoàn toàn dự án khai thác dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), động thái này có thể khiến tập đoàn dầu khí Shell của Anh và các nhà đầu tư Nhật Bản bị loại khỏi dự án Sakhalin-2.
Sắc lệnh dài 5 trang vừa được nhà lãnh đạo Nga ký hôm 30/6 quyết định thành lập một công ty mới để tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment Co. – trong đó Shell và hai công ty thương mại của Nhật Bản là Mitsui và Mitsubishi nắm cổ phần dưới 50%.
Theo sắc lệnh mới, Nga sẽ quyết định việc các đối tác nước ngoài có tiếp tục được ở lại trong Sakhalin-2 hay không.
Ảnh: Reuters
Sau đây là những thông tin cần biết về dự án Sakhalin-2 và những thay đổi sau sắc lệnh mới của Tổng thống Putin do đài RT (Nga) tổng hợp:
Sakhalin-2 là gì?
Sakhalin-2 là một trong những dự án khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới với sản lượng hàng năm lên đến 12 triệu tấn. Ra mắt vào năm 2009, dự án này là liên doanh của tập đoàn Gazprom (Nga), tập đoàn Shell (Anh), các công ty Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản.
Cơ sở của Sakhalin-2 nằm trên đảo Sakhalin của Nga ở Thái Bình Dương, phía Bắc Nhật Bản, và chủ yếu cung cấp LNG cho các thị trường ở châu Á.
Các bên tham gia dự án là ai?
Dự án Sakhalin-2 do Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin quản lý và vận hành. Gazprom nắm giữ phần lớn cổ phần (50% 1), Shell nắm giữ 27,5% trừ một cổ phần, Mitsui nắm giữ 12,5% và Mitsubishi có 10% cổ phần trong dự án này.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin quy định điều gì?
Sắc lệnh mới quy định thành lập một công ty mới của Nga để tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Sakhalin Energy Investment. Gazprom sẽ giữ lại cổ phần của mình, trong khi các đối tác khác có thời gian một tháng để quyết định liệu họ có muốn cổ phần trong công ty mới hay không.
Nếu chính phủ Nga từ chối cho đối tác nước ngoài sở hữu cổ phần trong công ty mới, thì cổ phần của họ sẽ được bán ra và số tiền thu được sẽ được chuyển vào một tài khoản đặc biệt. Số tiền này có thể được sử dụng để hoàn trả những thiệt hại không xác định hoặc được gửi cho cổ đông theo thỏa thuận phân chia.
Tuy nhiên, các bên lựa chọn rời khỏi dự án có thể không được nhận đầy đủ bồi thường.
Nga có quốc hữu hóa dự án hay không?
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc thay đổi quyền sở hữu Sakhalin-2 "không thể được coi là quốc hữu hóa".
Trả lời báo giới hôm 1/7 về khả năng Nga áp dụng sắc lệnh này với những dự án năng lượng khác, ông Peskov cho biết từng tình huống sẽ được xem xét trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Các bên liên quan của nước ngoài đã phản ứng như thế nào?
Shell cho biết tập đoàn này đang xem xét sắc lệnh mới của Nga. Trong khi đó, Nhật Bản đã tuyên bố từ trước rằng họ sẽ không từ bỏ lợi ích của mình trong dự án Sakhalin-2, dự án quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này.
Người phát ngôn của Mitsubishi cho biết công ty đang thảo luận với các đối tác ở Sakhalin và chính phủ Nhật Bản về cách phản ứng với sắc lệnh. Mitsui vẫn chưa đưa ra bình luận.
Các chuyên gia chỉ ra rằng Nhật Bản sẽ không dễ dàng rút khỏi dự án. Việc thay thế LNG của Nga từ dự án Sakhalin-2 được cho là sẽ tiêu tốn của Tokyo 15 tỷ USD khi giá nhập khẩu tăng 35%.
Mặc dù vậy, Moskva trước đó đã cáo buộc Nhật Bản hưởng lợi từ Sakhalin-2 trong khi là một "quốc gia không thân thiện" đã cùng phương Tây áp đặt trừng phạt lên Nga. RT cho biết Nga có thể đưa ra quyết định thay cho Nhật Bản và chuyển hướng xuất khẩu LNG sang các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Những thay đổi có thể cản trở nguồn cung cấp LNG?
Moskva khẳng định không có cơ sở để ngừng cung cấp các sản phẩm từ Sakhalin-2 sau khi công ty mới tiếp quản. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo động thái này có thể gây xáo trộn thị trường LNG vốn đã căng thẳng...
Ảnh: Reuters
Căng thẳng leo thang
Động thái được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang sau khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine nổ ra.
Như đã giải thích ở trên, tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga nắm 50% cộng một cổ phần trong dự án Sakhalin-2, và dự án này chiếm khoảng 4% sản lượng LNG của thế giới. LNG từ dự án Sakhalin-2 chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Do đó, Reuters nhận định rằng động thái của Nga có nguy cơ gây xáo trộn thị trường LNG vốn đã căng thẳng, dù Moskva đã khẳng định rằng họ không có lí do gì để ngừng cung cấp các sản phẩm từ dự án Sakhalin-2 sau khi dự án đổi công ty điều hành.
Được biết, Nhật Bản nhập khẩu 10% LNG mỗi năm từ Nga, chủ yếu theo hợp đồng dài hạn thông qua dự án Sakhalin-2.
Ngoài ra, động thái của Nga cũng được cho là làm gia tăng những rủi ro mà các công ty phương Tây vẫn đang hoạt động ở Nga phải đối mặt.
Nhà phân tích Lucy Cullen của Wood Mackenzie nhận định: "Đây là một bước leo thang căng thẳng mới. Sắc lệnh của Nga thực chất là sung công tài sản của đối tác nước ngoài trong Sakhalin Energy Investment Company."
Nhiều công ty phương Tây đã rút khỏi Nga, và nhiều công ty nói rằng họ dự định rời Nga trong thời gian tới. Tuy nhiên, động thái mới nhất của Tổng thống Putin sẽ khiến cho quy trình rút khỏi Nga của những công ty đó càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Reuters, Moskva đang chuẩn bị một đạo luật nhằm cho phép Chính phủ Nga tịch thu tài sản của các phương Tây rời khỏi nước này. Dự kiến đạo luật sẽ sớm được thông qua.
Vài tháng trước, tập đoàn Shell đã tuyên bố ý định rút khỏi Sakhalin-2 và đến nay họ vẫn đang đàm phán với khách mua tiềm năng. Hôm 1/7, Shell cho biết họ đang đánh giá sắc lệnh mới của Nga.
Các nguồn tin của Reuters cho biết Shell tin rằng có nguy cơ Nga quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ở nước này, trong bối cảnh Tổng thống Putin thề trả đũa Mỹ và đồng minh trừng phạt và đóng băng tài sản của Nga.
Ảnh: Reuters
Ba lựa chọn của Nhật Bản
Động thái của Nga đã đẩy Nhật Bản đến gần hơn với nguy cơ mất nguồn cung cấp nhiên liệu giá trị, ngay tại thời điểm nước này đang thiếu điện vì mùa hè nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện nước của người dân tăng cao.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này sẽ theo dõi chặt chẽ yêu cầu của Tổng thống Putin đối với các điều khoản của hợp đồng, và phối hợp cùng các nhà khai thác để lập kế hoạch phản ứng.
Theo Nikkei Asian Review, Nhật Bản có ba phương án giải quyết, tuy nhiên các lựa chọn này đều có mặt hạn chế:
Thứ nhất, các công ty Mitsui và Mitsubishi có thể đồng ý nhận cổ phần trong công ty điều hành Sakhalin-2 mới. Hiện tại, hai công ty này sở hữu lần lượt là 12,5% và 10% trong liên doanh, nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ nhận được phần tương đương trong công ty mới.
Thứ hai, Mitsui và Mitsubishi có thể không nhận cổ phần trong công ty mới, nhưng Nhật Bản sẽ duy trì các hợp đồng mua LNG từ Sakhalin-2. Nhà nhập khẩu năng lượng Nhật Bản JERA đã ký một hợp đồng 20 năm vào năm 2009 với Sakhalin-2 về việc nhập khẩu hơn 1,5 triệu tấn nhiên liệu mỗi năm.
Thông thường, các hợp đồng như vậy thường vẫn có hiệu lực khi có sự thay đổi về quyền sở hữu. Tuy nhiên Nga đã xếp Nhật Bản vào danh sách "các quốc gia không thân thiện", vì vậy hợp đồng này vẫn bị đe dọa.
Thứ ba, và cũng là tình huống xấu nhất, đó là Nhật Bản không nhận cổ phần trong công ty điều hành Sakhalin-2 mới, và các hợp đồng bị chấm dứt. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào an ninh năng lượng của Nhật Bản, khi nguồn cung LNG ngay lập tức giảm xuống trong thời gian Nhật Bản đang trải qua cuộc khủng hoảng về điện.
Các công ty năng lượng Nhật Bản đang cố gắng ứng phó với tình hình. Hiroshima Gas mua khoảng 50% lượng LNG nhập khẩu từ Sakhalin-2 và cho biết họ đang thu thập thông tin.
Tohoku Electric Power, công ty nhập khẩu khoảng 10% LNG từ Sakhalin-2, cho biết họ đã bắt đầu cân nhắc các lựa chọn thay thế trong trường hợp việc nhập khẩu từ nguồn cung này đột ngột bị gián đoạn.
Nếu nguồn cung từ Sakhalin-2 LNG bị cắt, thị trường giao ngay là nguồn thay thế duy nhất cho các công ty Nhật Bản. Nhưng giá khí đốt trên thị trường này đắt hơn đáng kể so với Sakhalin-2. Ước tính Nhật Bản có thể tốn thêm lên đến 2 nghìn tỷ yên (14,78 tỷ USD)/năm để thay thế LNG của Sakhalin-2./.