Rõ ràng, Nga đã có chuẩn bị trước và áp dụng nhiều biện pháp phòng thủ cứng, mềm để vô hiệu hóa các đòn tấn công kiểu du kích của phiến quân Syria.
Những đòn tấn công bằng UAV của phiến quân Syria sẽ còn tiếp tục, nhưng những hành động giống như "châu chấu đá xe", khi lưới phòng thủ hai căn cứ Nga ở Syria liên tục được tăng cường bằng các khí tài chiến đấu hiện đại bậc nhất của Quân đội Nga hiện nay.
Vậy Nga đã sử dụng những biện pháp gì để biến không phận căn cứ Tartus và Khmeimim thành vùng bất khả xâm phạm đối với UAV của phiến quân.
"Lưới trời thưa, nhưng khó lọt"
Để ngăn chặn các UAV tự chế phiến quân Syria sử dụng tấn công các căn cứ quân sự Nga thì công đầu chính là của các đơn vị trinh sát điện tử, tác chiến điện tử Nga triển khai tại Syria.
Đặc thù tấn công của UAV tự chế là lợi dụng địa hình bay thấp, sử dụng các mốc định vị vệ tinh dẫn đường đưa UAV tiếp cận căn cứ quân sự Nga. Nếu thành công, chúng sẽ thả các đầu đạn hoặc lao thẳng vào các vị trí yếu địa trong căn cứ.
Tuy nhiên, mục tiêu này chưa bao giờ thành công chính là nhờ hệ thống trinh sát, đối kháng điện tử và biện pháp kỹ thuật Nga áp dụng để bảo vệ các căn cứ Tartus và Khmeimim.
Các UAV tấn công vào căn cứ quân sự tại Syria
Trên không phận các căn cứ Nga đều có sự hiện diện của các đơn vị trinh sát điện tử, cảnh giới đường không bằng các máy bay A-50U, Tu-214R và UAV trinh sát. Chúng tạo thành một mạng lưới trinh sát bằng quang-điện tử lẫn sóng vô tuyến ở nhiều độ cao khác nhau khiến bất kỳ vật thể xâm nhập đều lộ diện.
Một biện pháp kỹ thuật rõ ràng nhất của Nga áp dụng vô hiệu hóa triệt để các đòn tấn công bằng UAV là việc cắt sóng mạng di động xung quanh các căn cứ ở Syria. Đây chính là động thái tạo ra vùng trắng sóng vô tuyến để các UAV phiến quân Syria sử dụng dễ dàng bị phát hiện hơn.
Điều này có thể giải thích đơn giản bằng là bất kỳ UAV nào đều cần nhận lệnh điều khiển từ xa băng sóng vô tuyến. Khi chúng tiếp cận khu vực phòng thủ căn cứ Nga, nhiễu động vô tuyến do chúng tạo ra bị thu lại và định vị cho hệ thống phòng thủ.
Căn cứ vào thông tin trên, các hệ thống trinh sát quang-điện tử sẽ tiếp tục vạch mặt đối phương để hệ thống đối kháng điện tử và phòng không tầm thấp bắn hạ.
Một yếu tố khác nữa là Quân đội Nga đưa ra quy định tuyệt đối cấm binh sĩ sử dụng thiết bị thông minh, có khả năng chụp ảnh dân sự trong căn cứ.
Đây chính là biện pháp kỹ thuật hạn chế việc rò rỉ thông tin về hình ảnh, vị trí của đơn vị quân sự Nga đóng trong căn cứ. Nếu thông tin này rơi vào tay phiến quân đều là mối nguy cơ lớn.
Biện pháp kỹ thuật tiếp theo để ngăn chặn UAV tấn công chính là sử dụng hệ thống đối kháng điện tử Krasukha-4. Xung điện công suất lớn do Krasukha-4 tạo ra đủ để UAV phiến quân Syria sử dụng mất tín hiệu điều khiển, cũng như tín hiệu định vị vệ tinh dẫn tới mất phương hướng và rơi.
Kết quả của biện pháp này được thể hiện qua việc nhiều UAV của phiến quân Syria bị phía Nga thu giữ còn nguyên vẹn, thậm chí còn nguyên cả vũ khí trong mang theo.
Tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 Nga ở Syria.
Mục tiêu bắn tập của Pantsir-S1 và Tor-M2
Bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, lưới lửa phòng không bảo vệ các căn cứ Nga cũng được trang bị các loại khí tài đặc trị thiết bị bay thấp. Đó chính là các tổ hợp vũ khí phòng không Pantsir-S1 và Tor-M2.
Đối phó với mối nguy cơ từ UAV phiến quân Syria sử dụng khó nhất là việc phát hiện ra chúng, còn việc bắn hạ không phải là vấn đề khó khăn. Khi phát hiện ra chúng, việc bắn hạ còn dễ hơn cả bắn mục tiêu tập của Pantsir-S1 và Tor-M2.
Các tổ hợp vũ khí phòng không tầm thấp như Pantsir-S1 và Tor-M2 cung cấp ô phòng thủ rộng tới 20km, trần cao chiến đấu tới 15km, khả năng chiến đấu bất kể ngày đêm xung quanh các căn cứ của Nga ở Syria.
Hỏa lực kết hợp giữa pháo-tên lửa của Pantsir-S1 hay đạn tên lửa đánh chặn siêu thanh chuyên trị tên lửa hành trình và bom lượn của Tor-M2 đủ không một mục tiêu bay tự chế nào có thể thoát khi đã vào tầm ngắm.
Thực tế, trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn quân sự không thiếu các hình ảnh tổ hợp Pantsir-S1 và Tor-M2 bắn hạ các UAV cố gắng tiếp cận căn cứ Nga ở Syria.
Hiệu quả của lưới phòng thủ phức hợp cứng, mềm xung quanh căn cứ Nga ở Syria đã được khẳng định, khi chưa một đợt tấn công nào của phiến quân thành công.
Phòng không Nga triển khai ở Syria.
Tuy nhiên, từ các mảnh vỡ UAV thu thập được, các thiết bị bay của phiến quân Syria sử dụng đều có khoảng cách hoạt động khoảng 100km và được trang bị điều khiển khá tinh vi. Giới chuyên gia quân sự Nga đánh giá, có bàn tay của "nước ngoài" đứng sau các vụ tấn công.
Điều này hoàn toàn có cơ sở, khi có nhiều phe phái được nước ngoài hậu thuẫn tham gia nội chiến ở Syria và việc Nga có mặt ở quốc gia Cận Đông này cũng không vừa mắt họ.
Như vậy, cuộc chiến chống lại các đợt tấn công bằng UAV nhằm vào các căn cứ Nga sẽ không sớm chấm dứt. Ít nhất cho tới khi cuộc nội chiến ở Syria chấm dứt.
Tuy nhiên, với lưới phòng thủ hiện tại, người Nga đã có thể "kê cao gối mà ngủ" trước các đòn tấn công như diễn tập của phiến quân Syria nhằm vào căn cứ Tartus và Khmeimim.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 Nga dùng bắn hạ Tomahawk Mỹ tiêu diệt UAV.