Các phi công hạng Ace (bắn hạ được 5 máy bay đối phương trở lên) của Ukraine cho biết, họ cần máy bay phương Tây để đối phó với các máy bay phản lực ưu thế hơn của Nga.
Một máy bay tiêm kích MiG-29 của không quân Ukraine. Ảnh: Giovanni Colla.
Nga thay đổi chiến thuật liên tục, thường xuyên giăng bẫy trên bầu trời
Một trong các phi công hàng đầu của chính quyền Kiev vừa cho hay, phía Nga đang giăng các bẫy tử thần tinh vi để phục kích các chiến đấu cơ của Ukraine.
Thiếu tá Vadym Voroshylov cho biết, hiện nay phía Ukraine ngày càng khó đối phó với các máy bay Nga nếu như họ chỉ dựa vào các máy bay cũ thời Xô viết. Anh này xin phương Tây viện trợ cho Ukraine các máy bay chiến đấu hiện đại F-16.
Trao đổi với Telegraph, thiếu tá Voroshylov cảnh báo: “Người Nga thay đổi chiến thuật thường xuyên, nên chiến sự luôn động. Họ giăng bẫy. Họ sẽ tung một máy bay phản lực lên bay một mình, để dụ các phi công Ukraine nghĩ rằng chỉ có một chiếc chiến đấu cơ của Nga. Sau đó, hai hoặc ba chiếc máy bay Nga nữa sẽ bất ngờ xuất hiện bên sườn chiếc máy bay Ukraine và áp đảo đối phương”.
Phi công Ukraine hiện tiếp tục lái các chiến đấu cơ MiG-29 từ thời Liên Xô. Do vậy, Voroshylov nhấn mạnh, họ không thể làm gì hơn ngoài việc “cố giữ thế trận”. Việc hạ các đối thủ Nga sử dụng chiến đấu cơ thượng hạng Su-35 và oanh tạc cơ Su-34 là điều rất khó khăn đối với phi công Ukraine.
Su-35 là một phiên bản nâng cấp của Su-27. Nó có tính cơ động cao, với góc tấn công lớn và được chỉnh sửa cho cận chiến. Máy bay này có động cơ lớn và khỏe, có thể trang bị một loạt bom dẫn đường.
Phi công Ukraine Voroshylov nói tiếp: “Giờ đây chúng tôi chỉ cản trở được đối phương mà thôi. Nếu có máy bay F-16, chúng tôi có thể kiểm soát được sân bay, các vùng biển và mặt đất để yểm trợ bộ binh. Chúng tôi cần thêm các máy bay hiện đại để giành ưu thế trước đối phương”.
Các phi công Ukraine hạng Ace, Voroshylov và Logachov. Ảnh: Telegraph.
Phi công Ukraine loay hoay trước ưu thế của máy bay Nga hiện đại hơn
Đại tá Volodymyr Lohachov - Cục trưởng Cục hàng không của Bộ Tư lệnh không quân Ukraine nhấn mạnh: “Để hiệu quả trên không, các máy bay phản lực phải được trang bị tên lửa không đối không và radar hiện đại”.
Ông chỉ rõ thêm vấn đề mà Ukraine đang đối mặt: “Radar trên các máy bay Nga tốt gấp 4 lần những gì chúng tôi sở hữu và họ có thể phát hiện chúng tôi từ cự ly xa hơn. Đã vậy, tên lửa Nga cũng có uy lực hơn của chúng tôi. Tình hình càng lúc càng nguy hiểm. Đôi lúc, chúng tôi thậm chí còn không thấy phía Nga phóng tên lửa - điều này thực nguy hiểm cho các phi công ”.
Cụ thể, ông Lohachov giải thích rằng, Nga có khả năng tấn công từ cự ly 200km tính từ tiền tuyến, trong khi máy bay Ukraine phải tiến tới gần hơn nhiều để có thể khai hỏa, và do vậy ở vào thế nguy hiểm hơn nhiều.
Phi công Voroshylov (còn được biết đến với tên gọi Karaya) là một phi công tiêm kích nổi tiếng ở Ukraine. Trong một lần bay đêm, viên phi công này từng gặp phải nhiều UAV Nga được phóng lên. Nhằm nhìn rõ hơn các UAV, Voroshylov bay lại gần hơn và hạ 2 chiếc UAV như vậy. Nhưng vụ nổ thứ 2 đã phá hủy kính chắn gió buồng lái, buộc Voroshylov phải nhảy dù.
Voroshylov trăn trở: “Nếu muốn tấn công máy bay Nga, chúng tôi phải bay lại gần hơn và bay thấp hơn, điều này rất nguy hiểm. Phía Nga có 40 căn cứ không quân và trên 700 máy bay cánh cố định và trực thăng. Đã vậy, các máy bay phản lực của họ hiện đại hơn của chúng tôi”.
Nóng lòng chờ đón F-16 của phương Tây
Ukraine đã kêu gọi cung cấp cho họ các máy bay F-16 do Mỹ sản xuất. Hiện có hơn hơn 3.000 máy bay loại này đang vận hành trên toàn thế giới.
Máy bay đa nhiệm và đã trải qua thực chiến này đã được nâng cấp, cải tiến trong các năm qua. Một số chiếc được trang bị các công nghệ thế hệ 5 như radar tiên tiến.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây tuyên bố rằng ông hiện nay không muốn cung cấp cho Ukraine các tiêm kích F-16 . Điều này đã khiến Tổng thống Ukraine Zelensky hối thúc Thủ tướng Anh Sunak cung cấp cho Ukraine các máy bay Typhoon của không quân hoàng gia Anh.
Hồi tháng 2, Thủ tướng Anh hướng dẫn bộ quốc phòng nước này nghiên cứu xem loại máy bay nào của Anh có thể gửi cho Ukraine, mặc dù ông Sunak thận trọng nói rằng có thể mất 3 năm mới đào tạo được một phi công.
Tuy nhiên, thiếu tá Voroshylov và đồng nghiệp, đại tá Lohachov phản biện lại khung thời gian trên.
Đại tá Lohachov nói: “Chỉ cần chưa đến 6 tháng là huấn luyện được phi công bay loại máy bay đó. Chừng nào chúng tôi còn phải đợi thì chúng tôi sẽ còn mất phi công. Chúng tôi đã có một danh sách các phi công ưu tú nhất có thể đào tạo lái F-16. Thật không may, một số phi công như thế đã tử trận”.
Trong các tuần gần đây, các thành viên Đông Âu trong khối quân sự NATO đã lần đầu tiên khởi động chuyển giao các máy bay chiến đấu cổ thời Xô viết cho Ukraine.
Slovenia và Ba Lan đều đã gửi máy bay tiêm kích MiG lấy từ kho vũ khí của họ. Tuy nhiên, một số máy bay như vậy chỉ có ích ở góc độ cung cấp linh kiện thay thế.
Tóm lại, thông điệp của các viên phi công Ukraine là hãy trao cho họ các máy bay hiện đại F-16 của phương Tây để giúp họ sống sót.
Hầu hết các phi công và kỹ sư trình độ cao của Ukraine đã trải qua các khóa học tiếng Anh chuyên sâu để họ có thể hiểu được các giảng viên hướng dẫn họ nếu có dịp được đào tạo sử dụng tiêm kích phương Tây. Phi công Ukraine vẫn học tiếng Anh dù triển vọng nhận máy bay từ Anh là thấp./.