Điều gì đang cản đường Nga - Nhật tìm kiếm một hiệp ước hòa bình? Mỹ chi 500 tỷ USD hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân Iran tuyên bố khởi động làm giàu urani lấy nhiên liệu hạt nhân
Vài giờ trước khi Mỹ thông báo chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 1-2 tuyên bố Moscow chưa bao giờ là nước đầu tiên gây ra cuộc chạy đua vũ trang và cũng không có ý định đe dọa bất cứ nước nào liên quan đến kế hoạch của Mỹ rút khỏi INF, theo RT.
"Nga sẽ không đe dọa bất cứ nước nào, Nga chỉ kiềm chế những đối thủ tiềm tàng và bảo đảm an ninh của mình", ông Ryabkov nói thêm, nhấn mạnh nước này đang gấp rút đưa các loại vũ khí răn đe hiện đại là tên lửa Kinzhal và thiết bị lướt siêu vượt âm Avangard vào trực chiến để tăng cường năng lực phòng thủ.
"Đây là các tổ hợp đủ sức mạnh vô hiệu hoá mối đe doạ tiềm tàng từ phía Mỹ hoặc bất cứ hướng nào khác", Thứ trưởng Ngoại giao Nga thông báo thêm.
Cũng theo quan chức Nga, việc Mỹ rút khỏi INF cho thấy Washington không còn coi việc kiểm soát vũ khí như một biện pháp hiệu quả bảo đảm an ninh của mình.
"Tôi lo ngại rằng hiệp ước New START có thể chịu chung số phận với INF", ông Ryabkov nhận định về hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân tối quan trọng giữa hai siêu cường quân sự Nga và Mỹ. "Hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 5-2-2021 và có thể không được gia hạn nữa".
Cùng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Moscow có quyền đưa ra những biện pháp đáp trả phù hợp nếu Mỹ quyết định rút khỏi INF, song thông báo Nga luôn sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại.