Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine không ngừng xói mòn kể từ sau khi phe đối lập tại Kiev lật đổ nhà lãnh đạo thân Điện Kremlin, và Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Những diễn biến này khiến Ukraine tập trung vào phát triển mối quan hệ với phương Tây bất chấp sự phản đối từ Nga.
Việc tạo ra được một ảnh hưởng trong giới chính trị Kiev – mà thời cơ tốt nhất là cuộc bầu cử Quốc hội Ukraine sẽ diễn ra trong tháng 7, sẽ giúp chính sách Ukraine của Nga dễ dàng hơn. Và một doanh nhân được cho là có liên hệ với Điện Kremlin đang có những bước tái thiết Đảng Nền tảng đối lập – Vì cuộc sống trước ngày bầu cử 21/7.
Tuần trước, doanh nhân Viktor Medvedchuk, có con gái gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là cha đỡ đầu, là một trong những người hỗ trợ và làm trung gian cho một sự kiện trao đổi tù nhân. Đề xuất hạ giá năng lượng cũng được Nga đưa ra.
Tuy nhiên, theo trang Bloomberg, những nỗ lực của Nga nhằm gia tăng ảnh hưởng tại nước láng giềng không có nhiều tiến triển. Trong 5 năm trở lại đây, sự ủng hộ giành cho các đảng chính trị thân Nga tại Ukraine hầu như không thay đổi, trong khi tân Tổng thống mới đắc cử Volodymyr Zelensky lại tuyên bố duy trì lập trường thân phương Tây.
"Mục tiêu của Nga rất đơn giản: giành lại quyền lực thông qua các đồng minh, nhưng điều này lại khó có thể đạt được", Volodymyr Fesenko, giám đốc của tổ chức nghiên cứu chính trị Penta tại Kiev, nhận định.
Giới phân tích chỉ ra, ông Putin đang cố gắng "tận dụng" sự thiếu kinh nghiệm chính trường của Tổng thống Zelensky. Nga bắt đầu cấp hộ chiếu cho các cư dân trong khu vực chiến sự tại miền đông Ukraine sau khi ông Zelensky trúng cử. Động thái này khiến cho mong muốn của Kiev giải quyết cuộc xung đột trở nên ngày càng khó khăn.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thông tin cũng có thể nổ ra với việc ông Medvedchuk vừa mua lại một đài truyền hình quốc gia.
Các mối quan hệ con người, văn hóa và ngôn ngữ giữa Ukraine và Nga đồng nghĩa rằng sẽ luôn có những cử tri sẵn sàng ủng hộ các chính trị gia thân Moscow.
"Tôi có nhiều họ hàng tại Nga và tôi không muốn các nhà cầm quyền Ukraine biến họ thành đối thủ của chúng tôi", cô Marina, 35 tuổi, đến từ Kiev chia sẻ với Bloomberg.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người mang theo suy nghĩ khác biệt. Một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Sáu chỉ ra, 2/3 người dân Ukraine vẫn coi Nga là một quốc gia hiếu chiến.
Bloomberg cho rằng, với việc các cử tri ở Crimea và vùng chiến sự không được tham gia bỏ phiếu và phần lớn người dân đều tỏ ra thiện cảm với các mục tiêu quốc gia lâu dài là gia nhập EU và NATO, sự ủng hộ cho các đảng phái thân Nga trong cuộc bầu cử Ukraine, gần như chắc chắn sẽ không ấn tượng.