Nga chào hàng soái hạm cực "khủng" cho Hải quân Việt Nam
Tại Triển lãm quốc tế về Quốc phòng và An ninh – DSE Vietnam 2019 đang diễn ra ở Hà Nội, Tập đoàn Xuất nhập khẩu vũ khí Nhà nước Rosoboronexport của Nga đã lần đầu tiên giới thiệu mô hình biến thể tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 mới nhất, lớp tàu chiến hiện đại nhất đang có trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Đây có thể được xem là động thái chủ động chào hàng của Rosoboronexport khi đang có thông tin Việt Nam và Nga đang đàm phán hợp đồng đóng mới cặp tàu hộ vệ Gepard thứ 3 (chiếc số 5 và số 6) dựa trên thành công của hai cặp tàu đầu tiên.
Với việc mang mẫu Gepard 3.9 mới nhất đến Hà Nội, Rosoboronexport đang muốn trực tiếp giới thiệu cho Hải quân Việt Nam hướng nâng cấp hoàn hảo cho lớp tàu chiến này. Sau khi đã tối ưu hóa thiết kế, lớp tàu Gepard có thể đáp ứng mọi yêu cầu tác chiến của Hải quân Việt Nam trong tình hình mới.
Biến thể nâng cấp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 lần đầu được Rosoboronexport giới thiệu tại Triển lãm DSE Vietnam 2019. Ảnh: Trà Khánh.
Biến thể nâng cấp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 lần đầu được Rosoboronexport giới thiệu tại Triển lãm DSE Vietnam 2019. Ảnh: Trà Khánh.
So với các tàu chiến của Việt Nam hiện tại, biến thể Gepard 3.9 nâng cấp sở hữu sức mạnh tổng thể vượt trội với nhiều sự thay đổi, mang đến cho nó năng lực tác chiến toàn diện hơn trên biển. Điều mà các tàu Gepard hiện tại chưa thể thực hiện được.
Nếu Việt Nam lựa chọn thiết kế tàu Gepard 3.9 nâng cấp đang được giới thiệu tại triển lãm DSE Vietnam 2019, thì đây rất có thể sẽ là soái hạm tương lai của Hải quân Việt Nam bởi thiết kế "khủng" của nó.
Mẫu soái hạm được chào hàng cho Việt Nam có gì đặc biệt?
Dựa trên mô hình được Rosoboronexport trưng bày tại DSE Vietnam 2019, tàu Gepard 3.9 nâng cấp có kích thước và lượng giãn nước lớn hơn so với các tàu Gepard của Việt Nam hiện tại.
Hệ thống vũ khí trên tàu có sự thay đổi toàn diện, khi cụm ống phóng 2x4 8 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran-E bị loại bỏ, thay vào đó là cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng có thể mang theo 16 tên lửa, gấp đôi so với các tàu Gepard thông thường.
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thân tàu của Gepard 3.9 được kéo dài ra để có thể đặt cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng vào giữa thân, chưa rõ việc tăng kích thước một chút này có khiến ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của tàu Gepard 3.9 hay không, nhưng chắc chắn các nhà thiết kế hàng đầu của Nga đã tính toán tối ưu.
Tổng thể hệ thống trên biến thể Gepard 3.9 cải tiến với cụm ống phóng thẳng đứng VLS có khả năng mang theo 16 tên lửa gấp đôi so với phiên bản cũ. Ảnh: Trà Khánh.
Việc phải hy sinh khả năng tàng hình (không phải là thế mạnh của lớp Gepard 3.9) là hoàn toàn xứng đáng bởi các cụm ống phóng tên lửa thẳng đứng của Nga không chỉ có thể mang theo các tên lửa chống hạm mà còn có cả tên lửa hành trình, tên lửa chống ngầm và cả tên lửa phòng không trên hạm.
Trong đó hai mẫu tên lửa chắc chắn sẽ được trang bị cho biến thể Gepard 3.9 nâng cấp là tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa chống hạm siêu thanh Yakhont như nhiều tàu chiến khác của Hải quân Nga.
Với kho tên lửa tấn công trên năng lực tác chiến trên biển của Gepard 3.9 sẽ được nâng lên gấp bội với khả năng tác chiến đa nhiệm có thể đối phó với nhiều loại mục tiêu khác nhau. Đặc biệt, nếu được trang bị tên lửa phòng không tầm trung-xa, các tàu này có thể làm nhiệm vụ phòng không hạm đội.
Ngoài tên lửa, pháo hạm AK-176M trên Gepard 3.9 cũng sẽ được thay thế bằng pháo hạm A-190-01 hoặc A-192 hiện đại hơn. Các vũ khí còn lại như cụm ống phóng ngư lôi hạng nặng 533mm PTA-53-11661; tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần Palma-SU và tổ hợp pháo phòng không cao tốc AK-630M vẫn được giữ nguyên.
Pháo hạm AK-176M trên Gepard 3.9 sẽ được thay bằng pháo hạm A-190-01 hoặc A-192 hiện đại hơn.
Dù được tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu thế nhưng thiết kế của Gepard 3.9 nâng cấp vẫn còn chút thiếu sót khi nó không được trang bị một nhà chứa máy bay hoàn chỉnh và vẫn sử dụng lại thiết kế trước đó.
Đây có thể là điểm trừ lớn của Gepard 3.9 mới, khi trong quá trình vận hành các tàu Gepard hiện tại Hải quân Việt Nam phát hiện nhà chứa máy bay trên tàu có khá nhiều hạn chế nhất là trong các hoạt động dài ngày trên biển tác động không nhỏ hệ số kỹ thuật của tàu cũng như trực thăng săn ngầm Ka-28 mà tàu mang theo.
Thiết kế nhà chứa máy bay trên bản nâng cấp của Gepard 3.9.
Hy vọng trước khi thống nhất thiết kế của lớp Gepard 3.9 mới, phía Nga có thể trang bị cho lớp tàu hộ vệ này một nhà chứa máy bay tốt hơn.
Nga sẽ chuyển giao công nghệ đóng tàu lớp Gepard cho Việt Nam?
Theo nhiều chuyên gia quân sự phân tích bên cạnh giới thiệu biến thể nâng cấp của Gepard 3.9, nhiều khả năng phía Nga sẽ thảo luận thêm với Việt Nam về khả năng chuyển giao công nghệ đóng mới tàu Gepard 3.9 dựa trên thành công của hợp đồng tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya 1241.8 trước đây.
Sở dĩ điều này phải tới thời điểm hiện tại mới được nhắc tới là vì trước đây với công nghệ đóng tàu trong nước chúng ta không đủ năng lực để đóng các tàu chiến cỡ lớn, dù được phía Nga chuyển giao công nghệ nhưng chúng ta vẫn mất khá nhiều năm để có thể nắm được quy trình tự đóng các tàu tên lửa Molniya 1241.8.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại mọi chuyện đã thay đổi khi Công ty đóng tàu Ba Son một trong những nhà máy đóng tàu hải quân hàng đầu của Việt Nam đưa vào vận hành tổ hợp công nghiệp hàng hải có năng lực đóng mới các tàu chiến có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn, đặt tiền đề quan trọng giúp chúng ta tự đóng mới các tàu chiến như Gepard 3.9.
Xuất phát từ điểm này, phía Nga đã có cơ sở đánh giá và tin tưởng đặt vấn đề chuyển giao công nghệ đóng tàu Gepard 3.9 cho Việt Nam, như cách họ đã làm với hợp đồng cung cấp các tàu tên lửa Molniya 1241.8
Và rất có thể cặp tàu Gepard thứ ba sẽ được đóng ở Việt Nam bởi chính Công ty đóng tàu Ba Son bởi tại đây đã hội tụ đầy đủ các điều kiện cần và đủ về công nghệ, về con người và nhất làn niềm tự hào mang tên tàu chiến hiện đại "Made in Vietnam".
Sản phẩm công nghiệp quốc phòng Việt Nam tại triển lãm Indo Defence 2018