Nga đưa Sarmat - tên lửa đạn đạo liên lục địa sát thương nhất vào trực chiến

Trung Hiếu/VOV.VN (Nguồn: CNN, New York Times) |

Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga, Yury Borisov, vừa tuyên bố nước này đã triển khai trực chiến đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat - thứ vũ khí được Nga ca ngợi là "tên lửa sát thương mạnh nhất thế giới".

Nga xác nhận tên lửa Sarmat đã triển khai trực chiến

RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ tiếp theo của Nga được dự báo sẽ đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống răn đe chiến lược được phóng từ hầm tên lửa trên mặt đất.

Nga đưa Sarmat - tên lửa đạn đạo liên lục địa sát thương nhất vào trực chiến - Ảnh 1.

Nga phóng tên lửa Sarmat. Ảnh: AFP.

Hôm 1/9, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) công bố rằng hệ thống chiến lược Sarmat đã được đặt vào "trạng thái báo động chiến đấu". Tuy nhiên, ông không tiết lộ ngày tháng và vị trí chính xác hệ thống này sẽ được triển khai trực chiến.

Lần phóng Sarmat đầu tiên đã được thực hiện vào ngày 20/4/2022 từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở tỉnh Arkhangelsk (Nga), chỉ 2 tháng sau khi Nga đưa quân vào Ukraine trong "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Khi đó Nga đã đạt được các mục tiêu của cuộc phóng. Các thông số thiết kế của tên lửa đã được kiểm chứng trong quá trình tên lửa bay. Ngoài ra, đầu đạn trong cuộc phóng thử này đã tới đích bên trong thao trường Kura trên bán đảo Kamchatka.

Tổng thống Nga Putin khi ấy cảnh báo rằng tên lửa sẽ "những kẻ cố gắng tìm cách đe dọa Nga phải suy nghĩ lại".

Vào tháng 11/2022, Nga công bố rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Tổng thống Putin vào ngày 23/2 tuyên bố rằng hệ thống Sarmat tiên tiến sẽ được đưa vào trực chiến ở Nga trong cùng năm. Vào ngày 21/6, ông Putin tái khẳng định rằng hệ thống phức hợp chiến lược Sarmat sẽ sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ trực chiến "trong tương lai gần".

Và tuyên bố mới nhất của Tổng giám đốc Roscosmos đã xác nhận tên lửa này đã được triển khai trực chiến.

Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự Nga, cho biết, mức độ sẵn sàng đó có thể mới chỉ "trên giấy tờ" do Sarmat mới chỉ trải qua số lần thử nghiệm hạn chế.

Tuyên bố của ông Borisov vào hôm 1/9 có thể là một tín hiệu chính trị nữa gửi tới phương Tây, cảnh báo phương Tây chớ tăng cường viện trợ cho Ukraine để tránh hậu quả nguy hiểm.

Một quan chức Mỹ giấu tên, nói rằng việc Nga triển khai Sarmat không làm gia tăng mức độ e sợ của Mỹ về leo thang hạt nhân.

Thông số đáng gờm của tên lửa "Satan II"

Tên lửa RS-28 Sarmat (phương Tây đặt cho biệt danh "Satan II") được Nga công nhận là tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất của nước này. Tên lửa có một thiết kế đồ sộ, được trang bị một đầu đạn nhiệt hạch.

Tên lửa được giới thiệu trong một thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Putin vào năm 2018. Ông Putin khi ấy ca ngợi đây là vũ khí có khả năng lẩn tránh bất cứ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Theo các chi tiết được tiết lộ trong triển lãm Army-2019, Sarmat có tầm bắn ấn tượng là 18.000km và trọng lượng lúc phóng trên 200 tấn, trong đó 178 tấn là nhiên liệu. Tên lửa có đường kính 3m và tổng chiều dài là 35,5m.

Tên lửa nổi bật với tốc độ và tầm bay đặc biệt, độ chính xác vô song và khả năng được cho là xuyên thủng được mọi hệ thống phòng thủ tên lửa .

Sarmat có thể mang đồng thời 15 đầu đạn hạt nhân hạng nhẹ, cho phép một quả tên lửa riêng lẻ có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu do định dạng của các đầu đạn này là đa đầu hướng (MIRV).

Nga từng có ý định dùng Sarmat để thay thế cho tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36M2 Voyevoda do Liên Xô thiết kế. Voyevoda được phát triển lần đầu vào năm 1962 và có thể mang 3 đầu đạn.

Sarmat có tầm bay lớn, giúp nó bay qua Bắc cực hoặc Nam cực để đánh vào bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất, như nhận xét của ông Putin vào năm 2018.

Ban đầu, Moscow vạch ra khung thời gian để kết thúc thử nghiệm Sarmat vào năm 2021, với mục tiêu nhập nhanh tên lửa này vào kho vũ khí của quân đội Nga.

Tuy nhiên, một số cuộc phóng thử, thường được coi là thử nghiệm giai đoạn cuối trong phát triển vũ khí, đã bị trì hoãn cho tới năm 2022.

Vào tháng 2/2023, Nga cố gắng thử nghiệm Sarmat trong lúc Tổng thống Mỹ Biden đang thăm Ukraine. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khi đó tuyên bố thử nghiệm trên đã thất bại.

Năm 2022, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby thông báo cho báo chí rằng Mỹ không xem vũ khí này là đe dọa Washington hoặc các đồng minh của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại