Ảnh trích xuất từ video của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy bệ phóng 50P6 cùng với hệ thống phòng không S-350.
Nga đưa S-350 tới gần biên giới Ukraine?
Hệ thống phòng không S-350 Vityaz mới sản xuất của Nga dường như đã lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc chiến ở Ukraine khi xuất hiện những bằng chứng cho thấy nó được triển khai ở một căn cứ không quân cách biên giới Ukraine hơn 60 km.
Theo nhà quan sát Thomas Newdick, việc đưa hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung trên tới khu vực này là một thực tế đáng chú ý bởi điều đó cho thấy Nga lo ngại Ukraine có thể tăng cường tấn công các căn cứ nằm ngoài biên giới nước này.
Các bộ phận của hệ thống tên lửa S-350 có thể được thấy trong một video gần đây do Bộ Quốc phòng Nga công bố, trong đó ghi lại các chiến dịch của máy bay cường kích Su-25 Frogfoot tại một căn cứ không quân không rõ tên trong cuộc chiến ở Ukraine.
Video trên được công bố cùng với các bài báo đưa tin rằng, các cường kích kích Su-25 của Nga đã "tiêu diệt các cơ sở và trang thiết bị quân sự" của Ukraine ngày 12/8.
Nhà phân tích quốc phòng Guy Plopsky đã phát hiện ra các bộ phận dường như là của S-350 trong video trên do Bộ Quốc phòng Nga công bố. Theo đó, các bộ phận này có thể bao gồm trạm radar 50N6A, radar cảnh giới nhìn vòng 96L6-TsP, 2 bệ phóng tên lửa là bệ phóng tự hành 50P6, hoặc 50P6T.
Vị trí của video dường như là Căn cứ Không quân Taganrog gần thành phố cảng Taganrog, vùng Rostov giáp Biển Azov. Căn cứ này tập trung khoảng 20 máy bay vận tải Il-76MD Candid thuộc Trung đoàn Không quân Vận tải 708 của Nga.
Từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Taganrog đã trở thành một căn cứ không quân quan trọng cho các trực thăng của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, nhưng các cường kích S-25 chưa từng được ghi nhận xuất hiện ở đây.
Hình ảnh từ Google Earth hồi tháng 2/2022 cho thấy không có sự xuất hiện của S-350 ở địa điểm trên, hoặc ít nhất là chưa được triển khai trên đường băng - nơi mà một trong các bệ phóng của nó được thấy trong video.
Ông Stefan Büttner, một chuyên gia nghiên cứu về căn cứ không quân của Nga xác nhận, hình ảnh vệ tinh từ Sentinel Hub ngày 1/8 rõ ràng cho thấy những dấu hiệu của một trong các bệ phóng ở đây. Vị trí của nó có thể được xác nhận qua video trên và phù hợp với những dấu hiệu của Sentinel Hub.
Theo ông Stefan Büttner, S-350 thậm chí có thể đã xuất hiện ở căn cứ này vào giữa tháng 4 dựa trên những bằng chứng mà ông quan sát được về sự di chuyển của các phương tiện.
Mục đích của Nga khi triển khai S-350 gần biên giới Ukraine
Chính xác loại tên lửa nào sẽ được sử dụng cho hệ thống S-350 hiện vẫn đang được tranh luận mặc dù một số ý kiến cho rằng đó có thể là tên lửa 9M96, với tầm bắn chỉ gần 30km và có thể được sử dụng cho cả hệ thống phòng không tầm xa S-400. Mỗi bệ phóng 50P6 có thể mang 12 tên lửa 9M96.
Tuy nhiên, thậm chí cả khi có sẵn các tên lửa 9M96D với tầm bắn xa hơn cho S-350 thì khoảng cách đó vẫn chưa vượt quá xa biên giới và chưa vươn tới lãnh thổ phía Đông Nam Ukraine.
Do đó, dựa trên vị trí của S-350 ở Taganrog thì mục đích của nó chủ yếu là phòng thủ trước các cuộc tấn công có thể diễn ra của Ukraine nhằm vào căn cứ này, thay vì mở rộng mạng lưới phòng không của Nga.
S-350 bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào tháng 3/2019 và đi vào hoạt động từ tháng 2/2020. Hệ thống phòng thủ tên lửa này được thiết kế để đối phó với các chiến đấu cơ, UAV, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hiện nay, các UAV tầm xa và các tên lửa đạn đạo có lẽ là mối đe dọa chủ yếu với căn cứ Taganrog.
Khả năng phòng không của S-350 cho phép nó có thể bảo vệ cả các cơ sở hạ tầng quan trọng khác hoặc các mục tiêu gần căn cứ trên. S-350 cũng là hệ thống nằm trong kế hoạch thay thế hệ thống S-300P từ Chiến tranh Lạnh – loại vũ khí vẫn được Nga và Ukraine triển khai trong cuộc xung đột hiện nay.
Không giống như S-300P và Pantsir, S-350 được trang bị khả năng bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng trước những cuộc tấn công của nhiều mối đe dọa và vũ khí khác nhau cùng lúc.
Trước đó, Công ty Quốc phòng Almaz-Antey - nhà sản xuất S-350 cho biết, hệ thống này vượt trội so với các đối thủ của nó về số lượng tên lửa mang các đầu đạn và hệ thống radar có khả năng chống nhiễu cao, có thể quan sát tình hình từ mọi hướng nhờ chế độ quét vòng quanh.
Hệ thống S-350 tương thích với tất cả hệ thống phòng không và có thể lấy thông tin từ các tổ hợp khác cũng như phối hợp hoạt động với S-400 nhằm làm tăng mật độ phóng các tên lửa đất đối không.
"Vityaz có thể tự cung cấp khả năng phòng không cho chính mình. Hiện chưa có hệ thống tầm trung nào khác có những đặc điểm như vậy trên thế giới", ông Yan Novikov - CEO của công ty quốc phòng Almaz-Antey cho hay.