Đa chiều (Mỹ) dẫn tờ Nezavisimaya Gazeta (báo Độc lập) của Nga ngày 10/10 cho biết, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố kế hoạch đưa quan hệ Nga - Thổ lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, quan hệ Nga - Thổ khó có thể kéo dài như kỳ vọng.
Quan hệ song phương giữa hai nước thay đổi đã vẽ nên một bức tranh mới về xu hướng ngoại giao của Moscow trong những năm gần đây: đối thủ ngày càng nhiều nhưng số lượng bạn bè thật sự lại không hề tăng.
Bởi những đối tác và đồng minh hợp tác với Nga chỉ nhằm đạt quyền lợi nên Moscow đã không thể xây dựng một liên minh có chung một giá trị quan, nguyên tắc và mục đích.
Báo Độc lập lý giải, hiện nay ngay cả những đối tác trong khối Liên minh kinh tế Á Âu (EEU) cũng tỏ thái độ hoài nghi Moscow và lo sợ họ sẽ trở thành một Ukraine thứ hai.
Trong khi đó, Đông Âu đã "bắt tay" với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Serbia - một quốc gia thân Nga - cũng đã dần ngả sang châu Âu.
Nga thà có một đối tác chiến lược cụ thể còn hơn là một đồng minh mang tính hình thức. (Ảnh: economist.com)
Hơn nữa, một số quốc gia được xem là đối tác chiến lược quan trọng như Trung Quốc thì đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh của Nga.
Cụ thể, Trung Quốc coi Trung Á là khu vực đầu tư quan trọng nên muốn thông qua phương thức tăng cường hợp tác kinh tế để tạo dựng ảnh hưởng chính trị tại khu vực này. Đồng thời, Trung Quốc còn là quốc gia vô cùng thực dụng khi chỉ muốn giao dịch thương mại với những đối tác có tiềm năng.
Và trong "giai đoạn tốt đẹp nhất" của quan hệ Nga - Trung, kim ngạch giao dịch song phương đã giảm 1/3.
Tờ báo Nga tiết lộ, để cải thiện tình hình, chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga sẽ tập trung phát triển quan hệ với Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS - các quốc gia thuốc Liên Xô cũ), Abkhazia và Nam Ossetia .
Phương thức ngoại giao của Moscow những năm gần đây chính là tạo dựng quan hệ song phương dưới hình thức đồng minh tạm thời hoặc đối tác chiến lược nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể như năng lượng, an ninh lượng thực, khủng bố và ngăn chặn sự phát triển của những loại hình vũ khí sát thương quy mô lớn.
Báo Độc lập nhận định, hiện nay các quốc gia có thể sẵn sàng "bắt tay" nhau để cùng giải quyết cùng một vấn đề chung nhưng không có nghĩa họ đứng cùng chiến tuyến.
Do đó, nước Nga tin rằng, có một đối tác chiến lược về một lợi ích cụ thể sẽ tốt hơn nhiều một đồng minh mang tính hình thức.