Hội nghị thượng đỉnh nêu trên xem ra đã đạt một vài kết quả cụ thể, như nhấn mạnh các thách thức đạt được hình thái hòa bình giữa các phe phái đối địch, các nhóm cực đoan cũng như sự miễn cưỡng của phương Tây trong việc tái cam kết với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tại cuộc họp báo sau đó, các bên tham gia hội nghị đã lặp lại lời kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị chứ không phải quân sự vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi tiến hành "một tiến trình chính trị toàn diện do Syria đứng đầu và của Syria", cũng như thành lập một ủy ban vào cuối năm nay để thực hiện công cuộc cải cách hiến pháp như một tiền đề cho cuộc bầu cử tự do và công bằng được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Cả 4 quốc gia nêu trên đều liên quan đến cuộc chiến tranh Syria ở một mức độ nào đó. Thổ Nhĩ Kỳ nhận lãnh hậu quả nặng nề nhất khi phải tiếp nhận 3,5 triệu người tị nạn và hàng trăm người đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công khủng bố.
Trong khi đó, Đức và Pháp đều đã tiếp nhận hàng ngàn người Syria chạy trốn bom đạn. Còn Nga can thiệp quân sự để củng cố chế độ Assad - hoạt động được Iran hậu thuẫn.
Thế nhưng, giới chuyên môn ví hội nghị thượng đỉnh mới diễn ra này như một "cơ hội chụp ảnh ở cấp cao" của các tổng thống Vladimir Putin, Recep Tayyip Erdogan, Emmanuel Macron và Thủ tướng Angela Merkel, chủ yếu là phản ánh tầm ảnh hưởng của Nga đối với chuyện kết thúc cuộc xung đột ở Syria.
"Không nên mong chờ điều gì to tát ở hội nghị thượng đỉnh này. Dư luận hầu như có ấn tượng là các nước khác tham gia ổn định tình hình ở Syria đều chịu tác động thực sự từ Nga - quốc gia lâu nay vẫn vận động sự hỗ trợ tái cấu trúc ở Syria không qua giai đoạn chuyển tiếp chính trị" - nhà nghiên cứu Tobias Schneider, Viện Chính sách công toàn cầu ở Berlin - Đức, nhận định.
Không quân Nga đã và đang đóng vai trò quyết định trong việc giúp các lực lượng chính phủ Syria tái chiếm lãnh thổ. Hiện nay, chỉ tỉnh Idlib - với hơn 2 triệu thường dân - còn do các nhóm chống chính quyền Assad chiếm giữ.