Nga đe dọa dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, chuyên gia nói: Vô nghĩa

Minh Khôi |

Leo thang hạt nhân là một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của phương Tây từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Đây là lý do tại sao vũ khí cung cấp cho Ukraine có chừng mực.

Nga đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân

Hồi đầu tuần này, ngay trước lễ nhậm chức Tổng thống lần thứ 5 của ông Putin, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố kế hoạch diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới Ukraine trong "tương lai gần". Đây sẽ là lần đầu tiên các cuộc tập trận như vậy được tổ chức kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc tập trận sẽ được thực hiện bởi các đơn vị tên lửa từ Quân khu phía Nam của lực lượng phòng không, với sự tham gia của lực lượng không quân và hải quân, nhằm mục đích "tăng cường khả năng sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược".

Đáng chú ý, khu vực của cuộc tập trận còn bao gồm cả Crimea, vốn được sáp nhập vào Nga năm 2014, và 4 khu vực của Ukraine ở phía đông nam hiện đang do Nga kiểm soát. 

Các quan chức phương Tây đã nhiều lần chỉ trích giới lãnh đạo Nga đưa ra các mối đe dọa hạt nhân. Trong khi đó, ông Putin chưa công khai đe dọa tấn công hạt nhân, mặc dù nhà lãnh đạo này đã cảnh báo phương Tây về khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân trong trường hợp đối đầu trực tiếp.

Mặt khác, ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã nhiều lần công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Medvedev cũng đề cập quyết định tổ chức các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật với các cuộc thảo luận ở phương Tây về việc gửi quân đồng minh tới Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cũng chia sẻ quan điểm tương tự, khi đề cập đến tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng NATO có thể gửi quân đến Ukraine. Ông Peskov cảnh báo về một "vòng căng thẳng leo thang mới".

Vũ khí hạt nhân chiến thuật khác với cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến lược vì chúng ít uy lực hơn và có tầm bắn nhỏ hơn. Các loại vũ khí này có thể ở dạng pháo, nhưng thường là tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình, đồng thời được bắn bằng hệ thống có thể mang đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm đầu đạn hạt nhân cho hệ thống tên lửa đất đối không với tầm bắn lên tới 500 km và hệ thống tên lửa trên bắn trên biển hoặc trên không với phạm vi lên tới 600 km.

Tuy nhiên, không có giới hạn rõ ràng về các loại vũ khí này. Một số nguồn phân loại tên lửa hành trình Kalibr mới của Nga và tên lửa siêu thanh Kinzhal, có tầm bắn lên tới vài nghìn km, là vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine: Vô nghĩa

Các chuyên gia được DW phỏng vấn đều nhất trí rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là rất khó xảy ra và sẽ vô nghĩa.

Pavel Podvig thuộc Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị của Liên Hợp Quốc cho biết: "Từ quan điểm quân sự, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine là vô nghĩa trong bất kỳ trường hợp nào, và cho đến nay, quan điểm này vẫn không đổi".

Theo chuyên gia này, Nga sẽ không thể thực hiện mô phỏng tấn công thực sự trong cuộc tập trận mà chỉ có thể thực hiện quy trình sử dụng vũ khí. Podvig cho biết: "Điều này là do các đầu đạn phi chiến lược thường được cất giữ riêng biệt với tên lửa và máy bay có thể bắn chúng".

Nikolai Sokov thuộc Trung tâm Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna tin rằng Nga chưa bao giờ có bất kỳ kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân nào ở Ukraine, ngay cả vào mùa thu năm 2022 khi quân đội nước này rút khỏi khu vực Kharkov và Kherson. 

Sokov cho biết, một số phương tiện truyền thông Mỹ đã đưa tin rằng vấn đề này có thể được thảo luận ở Nga. Nhưng hiện nay, quân đội Nga rõ ràng đang chiếm thế thượng phong so với Lực lượng vũ trang Ukraine ở nhiều khía cạnh và đang ngày càng chiếm nhiều lãnh thổ ở miền đông Ukraine, ông nói và cho biết thêm rằng Kiev thậm chí còn nhận định Nga có thể mở rộng các cuộc tấn công trong thời gian tới.

Leo thang hạt nhân là một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của phương Tây kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Các chính trị gia và chuyên gia phương Tây cho rằng đây chính là lý do tại sao vũ khí được cung cấp cho Ukraine một cách chậm rãi và có chừng mực.

Mathieu Boulegue, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson ở Mỹ, cho rằng các cuộc tập trận hạt nhân theo kế hoạch của Nga là một phần của "sự đe dọa liên tục" của Điện Kremlin, và ông cho rằng mục đích là nhằm phá vỡ quyết tâm hỗ trợ Ukraine của phương Tây.

Theo Boulegue, ông Putin cũng muốn thể hiện mình là một "nhà lãnh đạo mạnh mẽ", đặc biệt là trong thời điểm Nga kỉ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã.

Hầu hết các chuyên gia đều coi thông báo mới nhất này là lời cảnh báo đối với phương Tây. Podvig nói: "Không có gì tốt về tín hiệu chính trị này, nhưng chúng ta nên cố gắng đón nhận nó một cách tỉnh táo nhất có thể".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại