Nga đánh bại Hoàng đế Napoleon bằng mưu lược chứ không phải mùa Đông (Kỳ 1)

Trung Hiếu |

Câu cửa miệng của phương Tây là đạo quân của Hoàng đế Pháp Napoleon đã thua ở Nga do gặp phải mùa Đông lạnh giá. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn thế nhiều. Nga không trông chờ vào mùa Đông mà còn phải dùng đến mưu lược để giành chiến thắng.


Cách đây 210 năm, vào ngày 15/9/1812, Đạo quân Pháp do Hoàng đế Napoleon chỉ huy tiến vào điện Kremlin ở Moscow. Trong con mắt của thế giới khi ấy, cuộc chiến coi như kết thúc - thành phố lớn nhất của nước Nga đã phủ phục dưới gót giày của nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất hàng đầu thế giới khi ấy.

Nga đánh bại Hoàng đế Napoleon bằng mưu lược chứ không phải mùa Đông (Kỳ 1) - Ảnh 1.

Hoàng đế Napoleon có mặt tại thành phố Moscow hoang tàn. Tranh: Adam Albrecht.

Tuy nhiên, 3 tháng sau đó, các tàn quân của Napoleon đang tháo chạy, để lại các thi thể. Các trung đoàn của Napoleon lúc ấy chỉ còn những người thân tàn ma dại. Lực lượng chủ lực của Pháp xâm lược Nga vào mùa Hè đã bị tiêu diệt vào cuối năm đó. Con số lính thương vong vẫn còn gây tranh cãi vào ngày nay nhưng số lính Pháp chết trận và bị bắt giữ được ước tính là trong khoảng từ 400.000 đến 500.000 người.

Vì sao Napoleon bại trận?

Sử liệu kinh điển của phương Tây kể rằng Hoàng đế Napoleon đã phải rút lui vì mùa Đông nước Nga và rằng các lực lượng của ông ta bị khí hậu khắc nghiệp đánh bại. Góc nhìn chính thống của Nga thì cho rằng Napoleon vấp phải một lực lượng tự nhiên khác, đó là chủ nghĩa ái quốc - yếu tố thúc đẩy những người dân thường cầm vũ khí đứng dậy chống quân Pháp xâm lược, chiến đấu bên cạnh lực lượng quân đội chính quy của nhà nước. Những gì mà đại văn hào Lev Tolstoy kể sống động về chiến tranh đã bổ sung vào bức tranh này.

Tuy nhiên, ít có điều nào ngẫu nhiên hay tự nhiên trong thất bại của Napoleon .

Trước tiên, rất khó để tưởng tượng rằng một viên tướng dạn dày trận mạc như Napoleon lại quên tính đến yếu tố thời tiết, khí hậu của đất nước mà ông lên kế hoạch chinh phục. Trên thực tế, Napoleon trước đó đã phát động nhiều chiến dịch quân sự vào mùa Đông. Trong trận chiến Austerlitz năm 1805, người Nga đã thua trong điều kiện thời tiết lạnh giá hơn rất nhiều so với trận Berezina, nơi quân Nga chiếm thế áp đảo. Trong khi đó, trận Eylau - trận kết thúc bất phân thắng bại đối với cả 2 phe, xảy ra trong điều kiện có bão tuyết nặng nề.

Nói cách khác, Napoleon không phải là một tù trưởng châu Phi, người có thể được lượng thứ về mặt này do chưa bao giờ thấy tuyết trong đời.

Câu chuyện về sự kháng cự ở cấp người dân cơ sở cũng không chính xác cho lắm. Đây không phải là lần đầu tiên Napoleon phải chiến đấu chống lại một đội dân quân. Napoleon từng đối đầu các lực lượng như thế ở Tây Ban Nha nhưng quân Pháp không bị tổn thất lớn và nhanh chóng.

Bản thân quân Nga cũng gặp phải một cuộc chiến du kích ở Phần Lan trong chiến dịch Thụy Điển 1808-1809, khi mùa Đông cực kỳ khắc nghiệt. Nhưng điều này cũng không chặn được cuộc tiến công của quân Nga. Tức là, cả tuyết lẫn phong trào nổi dậy đều không bảo đảm chắc chắn kết quả thắng lợi cho Nga, nhất là trước một đội quân đông đảo dưới trướng một viên tướng tài ba như Napoleon.

Cuộc chiến đặc biệt

Cuộc chiến 1812 là đặc biệt. Thứ nhất, quân đội Pháp tiến nhanh còn lực lượng phòng ngự Nga phải lùi dần. Không có trận chiến nào có thể thay đổi tiến trình xung đột. Napoleon sau đó bắt đầu rút lui, nhưng các cuộc giao tranh sau đó cũng không có tác động đáng kể nào lên tình hình tổng thể. Napoleon tiếp tục lui hết lần này đến lần khác, còn Nga thì tiếp tục truy kích đối phương. Nhưng thực ra phía Nga không hành động theo kiểu phản ứng mà họ có cả một kế hoạch chi tiết.

Kế hoạch của Nga bắt nguồn từ các chiến dịch của họ thất bại vào năm 1805 và giai đoạn 1806-1807. Sau một loạt thất bại mang tính sỉ nhục, Sa hoàng Alexander I ký với Napoleon Hiệp ước Tilsit. Tuy nhiên, hòa ước này không giải quyết được mâu thuẫn giữa hai quốc gia và mọi người nhận ra rằng đó chỉ là khoảng lặng ngắn ngủi.

Napoleon rất giỏi về giành các mục tiêu chiến thuật, và điều nào tạo ra thử thách cho người Nga. Đồng thời lúc đó, tuy Nga thuộc về một liên minh gồm Áo và Phổ nhưng cả hai nước này đều đã nằm dưới sự cai trị của Hoàng đế Napoleon và không thể trợ giúp cho Nga. Khi ấy, quân Pháp đông hơn, lại do tướng tài Napoleon chỉ huy. Không ai dám đặt cược cho quân đội Nga trong hoàn cảnh ấy. Do vậy, Nga buộc phải nghĩ ra các biện pháp bất đối xứng. Nói theo ngôn ngữ thể thao, Nga phải lôi võ sĩ quyền Anh Mike Tyson sang giải đấu súng.

Nga đánh bại Hoàng đế Napoleon bằng mưu lược chứ không phải mùa Đông (Kỳ 1) - Ảnh 2.

Chốt chỉ huy của Napoleon. Tranh: Alexander Averyanov.

Kiến trúc sư chiến thắng

Vào tháng 4/1812, ý tưởng trên được phát triển thành một kế hoạch hành động. Điều thú vị là kế hoạch này do một nhân vật ít được biết đến ở nước Nga ngày nay xây dựng. Ông ấy là Trung tá Pyotr Chuykevich, phục vụ trong Văn phòng Đặc biệt của Bộ Chiến tranh Đế chế Nga. Văn phòng này là một cục bí mật ít người khi ấy biết đến.

Văn phòng Đặc biệt là một trong các dự án yêu thích của Bộ trưởng Chiến tranh Barclay de Tolly - một hoàng tử Nga và một quân nhân có gốc gác Đức Baltic và Scotland. Tolly là một chỉ huy xuất sắc và thành công, mặc dù tài năng của ông nằm trong các lĩnh vực thường không trực tiếp mang lại vinh quang quân sự. Ông là bậc thầy về tổ chức hậu cần, chuỗi cung ứng và thu thập tình báo. Nói cách khác, ông ấy giỏi những thứ hiếm khi được nhận ra cho đến khi chúng trở thành các điểm yếu của quân đội. Chuykevich được Tolly bổ nhiệm vào Văn phòng Đặc biệt - thực chất chính là cơ quan thu thập tình báo chính thức đầu tiên của Nga.

Chuykevich đã chuẩn bị một báo cáo phân tích có nhan đề “Các tư tưởng yêu nước” được gửi tới Tolly. Sau khi nghiên cứu cẩn thận cấu trúc quân đội Pháp và chiến lược ưa thích của Napoleon, viên Trung tá suy luận rằng cách tốt nhất để tiến lên là không để cho quân Pháp sử dụng lợi thế số lượng đông. Ông gợi ý nên tránh một trận chiến lớn nhằm không phải phung phí binh sĩ Nga, thay vào đó, thực hiện rút lui và tiến hành chiến tranh du kích, đặc biệt ở sau lưng đối phương, tập kích tuyến tiếp tế của địch, làm kiệt sức và suy yếu đội quân của Napoleon tiến tới giành được lợi thế tổng thể.

Đây là một kế hoạch hợp lý. Quân Pháp chỉ có 2 cách nhận tiếp tế: Hoặc nhận từ Tây Âu, hoặc đi cướp bóc tại chỗ.

Cách thứ nhất không khả thi nhiều cho quân Pháp vì các đoàn vận chuyển sẽ phải di chuyển qua cự ly xa, mà tình trạng đường sá Nga khi ấy rất tệ hại. Còn về cướp bóc tại chỗ thì quân Pháp cũng gặp vấn đề do mật độ dân cư Nga rất thấp, thấp hơn nhiều so với các phần còn lại của châu Âu nên họ sẽ phải đi rất xa mới thu gom được đủ thức ăn. Đây là vấn đề thứ 2 mà họ đối mặt./. (Còn nữa)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại