Giới chuyên gia nhận định, đây là chiến thắng chính trị quan trọng của Moscow và giúp củng cố vị thế của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với các quốc gia đồng minh của Mỹ.
Giá trị nhỏ, nhưng triển vọng lớn
Theo các thông tin công khai, Nga và Philippine đã ký hợp đồng cung cấp các tổ hợp súng phóng lựu vác vai RPG-7V và đạn dược kèm theo.
Đánh giá về sự kiện này, Tổng biên tập Tạp chí Sức mạnh tổ quốc, Victor Murakhovsky nhận định, mặc dù giá trị của hợp đồng trên không lớn, nhưng lại mở ra cơ hội hợp tác quân sự lâu dài giữa Nga và Philippine, quốc gia vốn từ trước tới nay chỉ đặt mua vũ khí, trang bị quân sự từ Mỹ và phương Tây.
"Đối tác cung cấp vũ khí, trang bị chính của Philippine là Mỹ. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi kể từ khi ông Rodrigo Duterte trở thành Tổng thống Philippine.
Việc Nga bắt đầu cung cấp súng phóng lựu cho Philippine có giá trị nhỏ về mặt tài chính, nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng khi vũ khí Nga lần đầu tiên có mặt chính thức tại quốc gia Đông Nam Á này", chuyên gia V. Murakhovsky nhận định.
Ông V. Murakhovsky đánh giá, con đường hợp tác tương lai giữa Moscow và Manila sẽ còn nhiều khó khăn và kết quả còn phụ thuộc nhiều vào chính sách đối ngoại của Phillipine.
Cung cấp những dòng vũ khí tin cậy
Đánh giá về hợp đồng cung cấp súng phóng lựu RPG-7V cho Philipine, chuyên gia quân sự Nga, Igor Korotchenko khẳng định, Manila đã chọn loại vũ khí có độ tin cậy cao và tính năng của nó đã được khẳng định trên chiến trường.
Súng phóng lựu RPG-7V nổi tiếng ở độ tin cậy và dễ sử dụng trong chiến đấu.
"Súng phóng lựu RPG-7V có độ tin cậy cao và đáp ứng yêu cầu của Quân đội Philippine về một loại vũ khí hỏa lực cá nhân uy lực, có khả năng tiêu diệt nhiều loại mục tiêu. Đây là loại vũ khí giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Phillipine", ông I. Korotchenko đánh giá.
Một điểm quan trọng của hợp đồng quân sự đầu tiên giữa Nga và Phillipine là khẳng định vị thế của Moscow tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mở ra triển vọng hợp tác mới
Chuyên gia V. Murakhovsky nhận định, trong tương lai ngắn hạn, Moscow và Manila sẽ có thêm các thỏa thuận cung cấp vũ khí phòng thủ và trang bị hải quân. Tuy nhiên, những hợp đồng giá trị lớn sẽ chưa xuất hiện.
Vì thiếu hỏa lực vác vai áp chế mạnh, lực lượng chính phủ Philippine gặp nhiều khó khăn khi đối phó với các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong môi trường đô thị.
"Nhiều khả năng, Nga và Philippine sẽ ký các hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet-EM và tên lửa phòng không Igla. Trong lĩnh vực trang bị hải quân, hợp tác hai bên bước đầu mới chỉ giới hạn ở các hợp đồng cung cấp tàu tuần tra và tàu tên lửa cao tốc", chuyên gia V. Murakhovsky đánh giá.
Một trong những phương tiện chiến đấu phía Philippine quan tâm là dòng xe chiến đấu bộ binh hải quân BMP-3F. Dòng trang bị này rất phù hợp với đặc điểm địa hình nhiều đảo của Philippine và tính năng đã được khẳng định trong biên chế Quân đội Indonesia. Ngoài ra, các dòng trực thăng vận tải hạng trung Mi-8 và Mi-17 cũng nằm trong tầm ngắm của Manila.
Brunei – "Chốt chặn cuối cùng" tại châu Á-Thái Bình Dương
Sau Philippine, Brunei là quốc gia duy nhất tại châu Á-Thái Bình Dương chưa từng mua vũ khí, trang bị của Nga. Tuy nhiên, với hợp đồng quân sự mới với Manila, Brunei đã có những tín hiệu về khả năng hợp tác quân sự-quốc phòng với Moscow.
Một điểm đặc biệt của hợp tác quân sự-quốc phòng với Nga là không kèm bất kỳ điều kiện nào. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Philippine R. Duterte giải thích nguyên nhân tại sao chọn vũ khí Nga: "Khi Nga bán vũ khí, họ không yêu cầu bất kỳ điều kiện nào. Điều này hoàn toàn trái ngược với Mỹ".
Đây cũng có thể là lý do bên cạnh tính năng kỹ thuật, Nga gần đây liên tục có được các hợp đồng quân sự mới với các quốc gia có truyền thống hợp tác với Mỹ tại Cận Đông, Mỹ Latinh, châu Phi…