Nga đã hoàn thành dây chuyền chế tạo ICBM hạng nặng Sarmat

Tuấn Sơn |

Ngày 12-6, theo nguồn tin từ Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga, xí nghiệp chế tạo máy ở Krasnoyarsk – Krasmash, nơi duy nhất trên nước Nga được thiết kế chuyên biệt để sản xuất các dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Sineva và Linner, đã hoàn thành quá trình nâng cấp để chế tạo dòng vũ khí tấn công chiến lược đặc biệt là tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat.

Sau khi đi vào hoạt động, Krasmash sẽ đáp ứng việc sản xuất ICBM thế hệ mới thay thế cho tổ hợp ICBM thế hệ cũ RS-20V Voevoda (tên NATO: SS-18 Mod 6 Satan) phiên bản giếng phóng vốn là "nắm đấm chủ lực" của lực lượng Tên lửa chiến lược Nga trong suốt 25 năm qua.

Ngoài ra, việc hoàn thành nâng cấp cơ sở chế tạo tên lửa Krasmash cũng có ý nghĩa quan trọng khi Nga tự chủ được việc sản xuất ICBM hạng nặng. Dưới thời Liên Xô, công việc này được thực hiện tại nhà máy Pivdenmash ở thành phố Dnepropetrovsk, Ukraine.

Sau khi Liên Xô tan rã, tới tận thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa có một cơ sở sản xuất ICBM hạng nặng hoàn chỉnh tương ứng.

Nga đã hoàn thành dây chuyền chế tạo ICBM hạng nặng Sarmat - Ảnh 1.

Giếng phóng chứa ICBM của Nga.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, để đảm bảo tiến trình sản xuất ICBM Sarmat, quá trình nâng cấp xí nghiệp Krasmash được thực hiện gấp rút. Và sắp tới, cơ sở này sẽ bắt đầu lắp ráp ICBM Sineva để đảm bảo nguồn lực cho lực lượng hạt nhân chiến lược Hải quân Nga.

Việc cơ sở Krasmash lắp ráp được ICBM Sarmat cũng giúp đẩy nhanh quá trình hoàn thiện của dòng ICBM thế hệ mới này với sự phối hợp của Trung tâm Công nghệ tên lửa mang tên Makeyev. Đặc biệt là việc đảm bảo tương thích giữa ICBM Sarmat phiên bản giếng phóng và phiên bản di động đặt trên xe đặc chủng.

Đánh giá về việc Krasmash đã sẵn sàng lắp ráp ICBM Sarmat, tướng Nga nghỉ hưu, Pavel Zolotarev nhận định, bên cạnh các dòng ICBM phóng nhanh như Bulava, Yars, Topol-M, lực lượng Tên lửa chiến lược Nga cần ICBM hạng nặng sử dụng như những đòn đánh quyết định cùng các đòn tấn công phủ đầu.

Điều này là cần thiết để đối trọng với chương trình nâng cấp quy mô lớn lực lượng hạt nhân của Mỹ bắt đầu từ năm 2020. Theo kế hoạch mới của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump, "bộ ba" hạt nhân của Mỹ sẽ được chi tới 1.000 tỷ USD cho quá trình nâng cấp quy mô.

"ICBM hạng nặng có thể mang vũ khí, thiết bị gây nhiễu hạng nặng hơn và nhiều hơn so với các dòng ICBM thông thường", ông P. Zolotarev cho biết.

So với ICBM Voevoda, Sarmat chỉ nặng bằng một nửa (khoảng hơn 100 tấn), nhưng có sức tấn công tương đương với 10 đầu đạn hạt nhân có sức công phá cỡ Megaton (triệu tấn thuốc nổ TNT). Điểm đặc biệt là tầm bắn của ICBM mới vượt quá ngưỡng 11.000km giúp nó tấn công bất kỳ vị trí nào trên Trái Đất theo nhiều quỹ đạo bay khác nhau.

Liên quan tới ICBM Sarmat, trong bài phát biểu mới đây, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov nhấn mạnh, ICBM mới có thể vượt qua hầu như mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phương Tây. Tới năm 2020 lực lượng hạt nhân chiến lược Nga sẽ được trang bị lại 100% chứ không phải là 70% như các tuyên bố trước đó.

Đánh giá về khả năng chiến đấu của Sarmat, ông Y. Borisov cho biết, việc sử dụng các quỹ đạo phóng qua hai cực của Trái đất buộc Mỹ phải tái triển khai lại hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp không chỉ ở các hướng tiếp giáp với Nga, mà là bao quanh lãnh thổ nước này. Đây là việc làm cực kỳ phức tạp và tốn kém và chưa chắc đã có hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại