Le Figaro cho rằng, ngũ cốc không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân Nga, mà còn dành cho xuất khẩu. Và với tư cách là nhà cung cấp ngũ cốc quan trọng nhất, Nga cũng nhận được một vị trí đặc quyền trong quan hệ quốc tế.
Liên Hợp Quốc đang lo lắng về việc liệu Lebanon có bị “bỏ lại” mà không có đủ lương thực sau vụ nổ gần đây ở cảng Beirut hay không. Được biết, kho lương thực, bột mì và ngũ cốc bị tiêu hủy hoàn toàn tại cảng. Điều này cũng bao gồm các vấn đề hậu cần đảm bảo đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong tương lai, vì cảng ở thủ đô Beirut đã tiếp nhận và vận chuyển tới 70% sản phẩm lưu chuyển hàng hóa quốc gia. Ước tính khoảng 120 nghìn tấn ngũ cốc đã bị phá hủy.
Ngay sau đó, Pháp đã huy động và gửi một lượng lớn ngũ cốc tới Beirut. Nhưng Lebanon cần nhiều hơn thế, đó là lý do tại sao nước này hiện trở thành một khách hàng hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu ngũ cốc trên toàn cầu. Đặc biệt, gần đây Nga đã đáp ứng một nửa nhu cầu nhập khẩu của Lebanon.
“Nhìn chung Nga đang mở rộng ảnh hưởng của mình ở Địa Trung Hải thông qua “ngoại giao ngũ cốc””, Le Figaro viết.
Theo Le Figaro, Moscow đã chiếm vị trí quan trọng nhất trong thị trường ngũ cốc trong nhiều năm. Và bằng cách tiến vào Địa Trung Hải, Nga đã trở thành một đối tác cần thiết cho các quốc gia đang bị thâm hụt cơ cấu. Trong số 180 triệu tấn được xuất khẩu hàng năm trên thế giới, gần một phần tư đến từ Nga. Do đó, vào thời điểm hiện tại Nga là số một về xuất khẩu ngũ cốc.
Nga có thể đạt được vị trí này nhờ có diện tích canh tác rộng lớn với 27 triệu ha. Vào những năm 2000, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định “đánh cược” vào lĩnh vực này. Đặc biệt, ông đã hiện đại hóa công tác hậu cần tại các cảng Biển Đen. Như vậy trong 20 năm qua, Nga đã tăng trưởng thu hoạch từ 30 triệu tấn ngũ cốc lên hơn 50 triệu tấn, và con số này có khả năng lên tới 80 triệu tấn. Nga không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu 50-60%. Mặt hàng xuất khẩu này mang lại cho Nga khoảng 10 tỉ USD mỗi năm.
“Để tìm kiếm người mua, Nga không phải mất quá nhiều thời gian và nước này tìm thấy chúng ở phía nam Địa Trung Hải. Một phần ba tổng lượng ngũ cốc xuất khẩu trên thế giới đến các nước Bắc Phi và Trung Đông. Sau đó, Nga đang từng bước chinh phục thị trường này. Nga nhanh chóng trở thành một đối tác quan trọng của các quốc gia trên và cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại đây”, Le Figaro cho biết.
Nhờ vào xuất khẩu ngũ cốc, Nga có thể thiết lập quan hệ đặc biệt với các nước vùng Maghreb (Maroc, Algeria, Tunisia và Libya). Ai Cập không mua ngũ cốc từ Nga cách đây 20 năm, và hiện nay 3/4 lượng ngũ cốc nhập khẩu của nước này đến từ Nga. Năm 2010, Nga bị thất thu, nước này tạm thời chặn xuất khẩu ngũ cốc và khủng hoảng ập đến với Ai Cập vì giá ngũ cốc tăng vọt.
Maroc mua một lượng lớn ngũ cốc từ Pháp, nhưng cũng quay sang Nga. Thủ tướng Nga khi đó là Dmitry Medvedev đến thăm Algeria và Maroc vào năm 2017, các vấn đề ngũ cốc đã được đề cập song hành với việc cung cấp vũ khí trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, để có được vị thế như vậy Nga phải vượt qua những đối thủ đã được công nhận trong khu vực, chẳng hạn như Mỹ. Theo các chuyên gia, ngày nay không có quốc gia nào khác trên thế giới có thể phủ nhận vị thế của Nga trong lĩnh vực này.
Hơn nữa, các nhà chức trách Nga tiếp tục đầu tư vào việc phát triển khả năng xuất khẩu ngũ cốc bằng cách hiện đại hóa các tuyến giao thông xung quanh Biển Đen, đầu tư vào nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp. Ngoài ra, sự nóng lên của khí hậu có thể ảnh hưởng tới trồng ngũ cốc, vì vậy, năng suất đất ở vùng Siberia sẽ được tận dụng triệt để.
“Trong 5 năm tới Nga có thể sản xuất 100 triệu tấn ngũ cốc/ năm. Do đó, Nga đang tìm kiếm các thị trường bán hàng mới, cụ thể là chuyển sang Guinea Xích Đạo, Sudan và Nigeria. Qatar và Saudi Arabia cũng là mục tiêu tiếp theo của Nga”, Le Figaro nhấn mạnh.