Nga đã có “câu trả lời” cho hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc

Tuấn Sơn |

Với biệt danh “đoàn tàu hạt nhân”, các đơn vị vũ khí hạt nhân đặt trên tàu hỏa từng làm đau đầu giới chức quân sự Mỹ dưới thời Chiến tranh Lạnh.

Hiện nay, trước những thách thức toàn cầu mới đến từ NATO, đặc biệt là việc Mỹ triển khai các thành phần của hệ thống phòng thủ tên lửa áp sát nước Nga tại Ba Lan, Romania và Hàn Quốc, Nga đã có "câu trả lời" của mình bằng việc nâng cấp và khôi phục hoạt động của "đoàn tàu hạt nhân" với mật danh BZhRK Barguzin với trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới RS-24 Yars.

Đánh giá về hệ thống Barguzin, giới chuyên gia quân sự thế giới nhận định, "đoàn tàu hạt nhân" mới không chỉ vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO, mà còn biến học thuyết tấn công nhanh toàn cầu (PGS) của Lầu Năm góc trị giá nhiều tỷ USD trở nên vô nghĩa.

Ngay khi các thông tin liên quan tới việc Nga khôi phục và nâng cấp "đoàn tàu hạt nhân" với tên gọi BZhRK Barguzin, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko nhận định, khi đưa vào trang bị loại vũ khí chiến lược trên sẽ biến nỗ lực "cô lập" nước Nga bằng hàng rào tên lửa đánh chặn và học thuyết PGS với mục tiêu tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất trong vòng 1 giờ của Mỹ trở nên vô nghĩa và tốn kém.

Nga đã có “câu trả lời” cho hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

ICBM RT-23 Molodet từng là "nắm đấm răn đe" không thể ngăn cản của Liên Xô và BZhRK Barguzin sẽ đảm nhiệm chức năng tương tự.

Theo lời chuyên gia I. Korotchenko, mục tiêu chính của PGS là nhanh chóng tấn công phủ đầu các trung tâm chính trị, quân sự chiến lược của đối phương với các đợt tấn công "phẫu thuật" bằng ICBM có độ chính xác cao. Điều này cũng làm hệ thống phản công của đối phương bị tê liệt, thậm chí là tiêu diệt.

Tuy nhiên, PGS chỉ đạt hiệu quả với các mục tiêu cố định hoặc đã xác định được vị trí triển khai, còn đối với BZhRK Barguzin thì điều đó vô hiệu.

Mặt khác, các thành phần lá chắn tên lửa của Mỹ áp sát lãnh thổ Nga là nhằm mục tiêu theo dõi, phát hiện sớm các vụ phóng ICBM để có phương án ngăn chặn ngay trong pha phóng đầu tiên, khi ICBM tăng tốc để lấy độ cao, không thể cơ động thay đổi quỹ đạo bay.

Đối với BZhRK Barguzin, việc các đơn vị ICBM đặt trên tàu hỏa ẩn mình trong hệ thống đường sắt rộng lớn của Nga và có thể tung đòn tấn công bất kỳ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, việc ngăn chặn sẽ là vô hiệu.

"Nếu người Mỹ không có tọa độ triển khai của tất cả đơn vị vũ khí hạt nhân chiến lược của đối phương, PGS sẽ vô tác dụng", chuyên gia I. Korotchenko nhận định. Theo lời ông này, BZhRK Barguzin sẽ là "con át chủ bài" mới của Nga đối với Mỹ và đồng minh vì không ai biết, "đoàn tàu hạt nhân" đang ở đâu và khi nào có thể tung đòn tấn công hủy diệt.

"Điểm mạnh của BZhRK Barguzin là việc nó được thiết kế giống với các đoàn tàu chở hàng thông thường của Nga và rất khó để nhận diện được nó.

Mặt khác, do được thiết kế là đơn vị tiến công chiến lược độc lập, đoàn tàu có đủ chức năng của một trung đoàn ICBM và nhận lệnh chỉ huy trực tiếp người lãnh đạo đất nước", chuyên gia quân sự Andrei Kots cho biết. Nước Nga hiện có cơ sở đường sắt lớn nhất toàn cầu, việc theo dấu từng đoàn tàu hàng để xác định rõ nó có phải là BZhRK Barguzin hay không là điều bất khả thi.

Kế thừa thiết kế của "đoàn tàu tên lửa" thế hệ trước RT-23 Molodets, khi nhận được lệnh tấn công, BZhRK Barguzin có thể dừng lại tại bất kỳ đâu. Hệ thống bệ phóng sẽ sẵn sàng trong vài phút và ICBM RS-24 Yars đủ khả năng khiến mọi đối thủ tiềm năng phải cân nhắc khi muốn gây chiến với nước Nga.

Liên quan tới BZhRK Barguzin, hồi tháng 7-2017, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga đã có đủ công nghệ để chế tạo "đoàn tàu hạt nhân" với khả năng mang theo các ICBM nặng tới 100 tấn.

Trước đó, hồi tháng 11-2016, Nga đã tiến hành phóng thử nguyên mẫu ICBM mới tại sân bay vũ trụ Plesetsk với thiết kế đặc biệt phù hợp trang bị trên BZhRK Barguzin.

Nga đã có “câu trả lời” cho hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc - Ảnh 2.

Nga đã có “câu trả lời” cho hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

ICBM RT-23 Molodet một trong những tuyệt tác công nghệ thời Liên Xô.

"Hiện tại, có rất ít thông tin liên quan tới BZhRK Barguzin được công khai, nhưng nhiều khả năng nó có thể mang theo tới 6 đạn ICBM RS-24 Yars tầm bắn tới 12.000km. Mỗi ICBM Yars mang theo 3-6 đầu đạn hạt nhân 300 Kilotone có khả năng tự cơ động quỹ đạo", chuyên gia A. Kotz đánh giá.

Chuyên gia A. Kotz nhận định, BZhRK Barguzin là người kế thừa xứng đáng của ICBM RT-23 Molodet (tên mã NATO: SS-24 Scalpel).

Là sản phẩm của Viện Thiết kế Yuzhnoye, được triển khai từ năm 1987, ICBM RT-23 Molodet từng là dòng vũ khí "độc nhất vô nhị". Sức mạnh răn đe của nó là một trong những yếu tố buộc Mỹ phải cùng Nga tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START).

Ở thời điểm năm 1991, Nga sở hữu tới 12 đoàn tàu trang bị 36 tổ hợp ICBM RT-23 Molodet và "đoàn tàu hạt nhân" này chỉ bị loại biên thêm START II năm 1993. Với sự phát triển của công nghệ, "đoàn tàu hạt nhân" đã được mang trở lại với sức mạnh răn đe mới.

Theo lời chuyên gia A. Kotz, một điểm đáng chú ý của BZhRK Barguzin là ICBM RS-24 có tầm bắn và số lượng vũ khí mang theo không bằng ICBM RT-23, nhưng bù lại nó chỉ có trọng lượng bằng một nửa và dễ dàng lắp đặt trên các phương tiện chuyên chở đặc chủng.

Một điều quan trọng hơn là RS-24 Yars không bị ràng buộc bởi quy định của START II và Nga có toàn quyền triển khai chúng.

"Với tốc độ phát triển hiện tại, nhiều khả năng BZhRK Barguzin sẽ nằm trong chương trình Mua sắm vũ khí quốc gia của Nga giai đoạn 2018-2025", chuyên gia A. Kotz nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại