Hoạt động của Hải quân Mỹ diễn ra chỉ chưa đầy hai tuần sau khi Nga thẳng thừng nổ súng vào ba tàu của Ukraine, sau đó bắt giữ ba con tàu này cùng với 24 thủy thủ. Vụ việc xảy ra ngoài khơi bán đảo Crimea ở Biển Đen hồi tháng trước này đã làm leo thang căng thẳng không chỉ trong quan hệ giữa Nga với Ukraine mà cả quan hệ giữa Nga với phương Tây.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ - USS McCampbell hồi giữa tuần “đã đi vào khu vực gần với Vịnh Peter Đại đế để thách thức đòi hỏi chủ quyền thái quá của Nga” trong một chiến dịch thể hiện “sự tự do hàng hải”, Hải quân Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga mới đây cho biết, tàu McCampbell không đi gần hơn 100km so với vùng lãnh hải của Nga và hiện “đang thể hiện sự dũng cảm của nó” ở khu vực cách các đường bờ biển của Nga khoảng 250 dặm (tương đương hơn 400km).
Một tàu khu trục và nhiều chiến đấu cơ đã theo sau tàu McCampbell trong khi con tàu này cố gắng “trốn đi với tốc độ nhanh nhất”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố mang đầy hàm ý mỉa mai được phát đi trên truyền hình quốc gia Nga.
Từ thời Xô viết, Moscow đã tuyên bố rằng, toàn bộ Vịnh Peter Đại đế, bao gồm căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga ở Vladivostok, là thuộc chủ quyền mang tính lịch sử của Nga. Tuy nhiên, Washington bác bỏ điều này với lý do vùng lãnh hải của Nga chỉ được mở rộng ra 12 hải lý so với đường bờ biển theo luật quốc tế.
Trong khi thể hiện thái độ coi thường trước hành động thách thức của chiến hạm Mỹ ở Vịnh Peter Đại đế thì Nga lại tỏ ra tức giận trước thông tin Mỹ chuẩn bị đưa tàu chiến vào Biển Đen.
Trước đó, CNN đưa tin, Mỹ đã thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về “ý định” đưa tàu chiến vào Biển Đen để đáp trả việc Nga bắt giữ ba tàu và 24 thủy thủ của Ukraine hôm 25/11.
Thông tin về kế hoạch đưa tàu chiến vào Biển Đen của Mỹ vừa được đưa ra ngay lập tức đã nhận được phản ứng mạnh mẽ của Nga.
Giới chính khách và học giả của Nga đã nhanh chóng lên án hành động của Mỹ và một trong số những quan chức của Nga thậm chí còn đưa ra cảnh báo đáng sợ về việc Nga có thể lặp lại vụ việc xảy ra hồi tháng Hai năm 1988 khi một tàu khu trục của Liên Xô đâm thẳng vào tàu tuần dương của Mỹ ở Biển Đen.
Nghị sĩ Nga Yury Shvytkin thề rằng, Nga sẽ “đáp trả thích đáng” nếu lãnh hải của Nga bị vi phạm. “Tôi thực sự không muốn các tàu ngầm của chúng tôi phải nổi ở ngoài khơi bờ biển của Mỹ”, ông Shvytkin cảnh báo.
Những diễn biến căng thẳng mới nhất trong quan hệ Nga-Mỹ diễn ra trong bối cảnh phương Tây lại đang gia tăng sức ép với Nga sau khi xảy ra cuộc đụng độ hải quân cách đây khoảng 2 tuần khi các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nga nổ súng vào các tàu của Ukraine.
Nga tuyên bố họ phải sử dụng vũ khí để ngăn chặn các tàu của Ukraine đi vào vùng lãnh hải của Nga ở Biển Đen. Các tàu hải quân của Ukraine gồm tàu ‘Berdiansk’, ‘Nikopol’ và ‘Yany Kapu’ cùng với 24 thủy thủ trên tàu đã bị bắt giữ vì vi phạm vùng lãnh hải của Nga, FSB cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày 25/11.
Các tàu này đã phớt lờ “yêu cầu hợp pháp” của Nga đòi họ dừng hoạt động xâm phạm lãnh hải của Nga. Không những thế, các tàu của Ukraine còn tiếp tục “có những động thái nguy hiểm” và các tàu của Nga đã buộc phải nổ súng để ngăn chặn đối phương, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác nhận.
Hải quân Ukraine cáo buộc Nga nổ súng vào hạm đội tàu của họ, làm bị thương ít nhất 6 thủy thủ và bắt giữ ba tàu của họ ở khu vực gần tuyến đường biển then chốt nằm ngoài khơi bán đảo Crimea.
Sau vụ đối đầu hải quân nói trên, Tổng thống Ukraine Poroshenko muốn phương Tây tung thêm các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực xung quanh biên giới Nga.