Úp mở về món "hàng nóng"
Ít giờ trước, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn một nguồn thạo tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết các Máy bay không người lái (UAV) mini (cỡ nhỏ) đã được phát triển cho tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57.
Những UAV này được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công, trinh sát và tác chiến điện tử và có thể được đặt cả bên trong thân máy bay và các giá treo bên ngoài. Nguồn tin nhấn mạnh rằng Su-57 sẽ phóng hàng chục UAV mini này cùng lúc và trực tiếp điều khiển chúng.
Việc chiếc tiêm kích thế hệ 5 triển khai loạt UAV mini cùng lúc sẽ làm radar của đối phương bị quá tải, từ đó cho phép chính nó dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng không của đối phương.
Chức năng mới này được cho là sẽ giúp Su-57 hoạt động hiệu quả hơn trong các nhiệm vụ chiến đấu, mở rộng khả năng và tăng tính linh hoạt trong chiến thuật quân sự.
UAV mini sẽ được bổ sung vào số vũ khí mà Su-57 mang theo bên cạnh các tên lửa R-77M, R-74M2, Izdeliye 810 (không đối không) Kh-38M, Kh-59MK2 (không đối đất), Kh-35U/UE, Kh-31 (không đối hải) và Kh-58UShK/KE (chống bức xạ - radar).
Thông tin được RIA Novosti đưa ra khá ngắn gọn nhưng để lại nhiều câu hỏi. Đầu tiên là chẳng phải người Nga đã phát triển UAV tấn công (còn gọi là UCAV) Sukhoi S-70 Okhotnik-B (Hunter-B) để "bắt cặp" với Su-57 hay sao?
Chỉ mới tháng 5/2022 người Nga đã đưa S-70 ra thao trường để thử nghiệm vũ khí không đối đất tương tự trên Su-57? Vậy tại sao Su-57 lại cần "UAV mini"?
Được biết cùng thời điểm thông tin về S-70 thử nghiệm bắn đạn thật, nhà phân tích Nga Roman Skomorokhov đã đăng tải một bài viết trên Topwar.ru rằng do đắt tiền không kém Su-57 nên S-70 không được phát triển để làm "chim mồi" mà có thể là "hộp tiếp đạn".
Ông Roman Skomorokhov lưu ý rằng tải trọng vũ khí tối thiểu của S-70 có thể là 2 tấn và việc 1 chiếc Su-57 có thể điều khiển tới 4 chiếc S-70 (chưa xác thực) khiến 1 phi đội loại này có thể trút hàng chục tấn bom đạn vào mục tiêu mà vẫn giữ được khả năng "tàng hình".
Việc S-70 có thể sử dụng chung vũ khí dành riêng cho Su-57 rõ ràng là một "manh mối" giúp nhận định nói trên trở nên vững vàng hơn. Và thông tin UAV mini "làm radar của đối phương bị quá tải" càng khẳng định vai trò "chim mồi" của chúng.
Sukhoi S-70 Okhotnik-B là một UCAV dạng "cánh bay" và được phát triển với các công nghệ và vật liệu tàng hình tương tự như Su-57.
UCAV có chiều dài 14 mét, sải cánh 19 mét và trọng lượng cất cánh là hơn 20 tấn, có thể nói đây là phiên bản UAV của Su-57 (dài 19,8 mét, sải cánh 14 mét và trọng lượng cất cánh là 18,5 tấn).
"Hộp tiếp đạn" S-70 Okhotnik-B có thể khai hỏa những vũ khí tương tự Su-57.
Chuyên gia "phủi tay, cười ruồi"?
Khi đã xác định được UAV mini sẽ đóng vai trò "chim mồi" chứ không phải là "hộp tiếp đạn" cho Su-57, nhiều người đã nỗ lực tìm kiếm xem nó là gì và có năng lực thế nào.
Và một trong số họ là vị chuyên gia Maxim Tumbartsev của ANNA News, người đã đưa ra nhận định sắc bén như sau:
"Có lẽ chúng ta đang nói về việc hoàn tất chế tạo UAV Mini "Molniya" của công ty Kronstadt (công ty Nga nổi tiếng với các UAV UAV Orion, Inokhodets-RU/Sirius và Helios).
Molniya dài 1,5 mét, sải cánh 1,2 mét, trọng tải lên tới 7 kg và tốc độ tối đa 800 km/h.
Người ta từng hé lộ rằng UAV này sẽ được trang bị một động cơ tuốc bin phản lực luồng. Ngoài việc tương tác với máy bay có người lái, còn có thông tin rằng nó cũng có thể tương tác với UCAV Grom/Thunder lớn hơn".
Nguyên mẫu "Molniya" trong chuyến viếng thăm Kronstadt của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào tháng 3/2021 (Ảnh: Russia Channel 1).
Để bổ sung thêm về nhận định của ông Tumbartsev, dưới đây là đoạn trích bài viết của chuyên gia Ryabov Kirill được Topwar.ru đăng tải vào tháng 3/2021 nhân chuyến viếng thăm Kronstadt của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu như sau:
"Người ta cho rằng mẫu UAV chưa được biết đến trong hình ảnh về chuyến thăm của ông Shoigu liên quan trực tiếp đến dự án Molniya.
Điều này được xác nhận bởi thực tế là hình thức tổng thể của sản phẩm trùng khớp với các đặc điểm và tính năng được tiết lộ bởi các nguồn tin trong ngành.
Mô hình trông giống như một tên lửa hành trình và cho thấy việc ứng dụng các công nghệ tàng hình. Phần thân máy bay có mặt trên cong và mặt dưới gần như phẳng, cánh có thể gập và mở ra khi phóng và đuôi hình chữ V.
Thiết kế của phần mũi cho thấy nó được trang bị radar. Ở phần trung tâm của sản phẩm có một khe hút gió chìm vào thân máy bay. Đầu phun được làm phẳng với đường cắt hình chữ V.
Theo RIA Novosti, Molniya dài 1,5 m, sải cánh 1,2 mét, trọng lượng chưa được tiết lộ nhưng trọng tải là 5-7 kg. Một UAV loại này có thể được vận chuyển bằng các vận tải cơ và đặc biệt là có thể lắp vừa vào các khoang vũ khí của Su-57...
Dự kiến vào nửa sau của những năm 2020, các phi đội bao gồm Su-57, S-70 và Molniya - với năng lực tác chiến rộng nhất - có thể xuất hiện trong Không quân Vũ trụ Nga (VKS)".
Nguyên mẫu "Molniya" trong chuyến viếng thăm Kronstadt của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào tháng 3/2021 (Ảnh: Russia Channel 1).
Vậy nếu Molnya chính là chiếc UAV Mini mà Su-57 sắp trang bị thì mỗi tiêm kích sẽ mang theo tối đa bao nhiêu chiếc?
Vào tháng 10/2022, hãng tin Nga TASS đã đưa tin về loại UAV này như sau:
"Hiện một số phương án mang phóng Molniya đang được xem xét. Đầu tiên là việc vận tải cơ Il-76MD-90 có thể mang theo tối đa 8 UAV và thứ hai khoang của các tiêm kích chiến thuật có thể mang tối đa 3 UAV cùng 2 UAV khác có thể mang theo dưới cánh.
UAV cũng có thể được treo trên các UCAV hạng nặng như Altius-RU và Grom".
Sukhoi Su-57 được cho là đã tham gia cuộc xung đột ở Ukraine từ năm 2022.