Nga có thể thu lợi từ thất bại của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ bao lâu nữa?

QS |

Đó là câu hỏi mà chuyên gia Rakesh Krishnan Simha đặt ra trong bối cảnh Ấn Độ đang thúc đẩy chương trình tự sản xuất vũ khí trong nước "Make in India".

Cụ thể, trong bài viết trên tờ Russia & India Report, chuyên gia phân tích Rakesh Krishnan Simha cho biết:

Mối quan hệ đối tác quốc phòng giữa Nga-Ấn, hình thành vào giữa những năm 1960, đang tiếp tục thách thức các nỗ lực đa dạng hóa của cả 2 quốc gia. Một bản báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Moscow và New Delhi đang phụ thuộc rất lớn vào nhau và không có dấu hiệu giảm bớt.

Bản báo cáo với tiêu đề "Xu hướng trong các thỏa thuận vũ khí quốc tế năm 2016" cho thấy phần lớn sản lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 5 năm (2011-2016) đều tập trung vào một nhóm nhỏ khách hàng, trong đó Ấn Độ chiếm 38%, Việt Nam và Trung Quốc chiếm 11% mỗi nước, Algeria chiếm 10%.

Trong khi đó, với Mỹ, khách hàng chủ lực như Saudi Arabia chỉ chiếm 13% tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của nước này. Các khách hàng khác như UAE chiếm 8,7% và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 6,3%.

Ấn Độ phụ thuộc vào vũ khí Nga nhiều hơn cả, khi Moscow đáp ứng tới 68% nhu cầu về vũ khí của New Delhi trong giai đoạn 2012-2016. Còn Mỹ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai tại Ấn Độ (14%) và Israel (7,2%).

"Dựa trên những đơn đặt hàng và vũ khí hiện nay thì Nga vẫn sẽ là nhà cung cấp vũ khí chủ lực của Ấn Độ trong tương lai gần" - SIPRI nhận định.

Ấn Độ: Tiếp tục phụ thuộc

Ấn Độ thuộc top đầu trong danh sách 155 quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới trong giai đoạn 2012-2016. Giai đoạn 5 năm trước đó, nước này cũng nằm trong top 5.

Trong giai đoạn 2012-2016, sản lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Từ giai đoạn 2007-2011 đến giai đoạn 2012-2016, sản lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ tăng 43%.

Trong giai đoạn gần đây nhất, sản lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ lớn hơn nhiều so với 2 đối thủ trong khu vực là Pakistan và Trung Quốc.

Mặc dù sự phụ thuộc vào Nga không đi kèm với những rủi ro chiến lược - do Moscow không gây áp lực hoặc áp đặt các lệnh cấm vận đối với khách hàng - nhưng sự phụ thuộc của Ấn Độ đã lên tới mức độ "gây nghiện".

Ngoài ra, việc thường xuyên nhập khẩu vũ khí sẽ ngăn cản sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.

Theo SIPRI, "lý do chủ yếu dẫn tới mức nhập khẩu cao như vậy là do ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ phần lớn đã thất bại trong việc chế tạo ra các loại vũ khí nội địa có khả năng cạnh tranh".

Nga có thể thu lợi từ thất bại của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ bao lâu nữa? - Ảnh 1.

Mẫu máy bay chiến đấu Tejas do Ấn Độ tự nghiên cứu, phát triển nhưng không được đánh giá cao.

Thiếu tướng về hưu G.D. Bakshi, bình luận viên hàng đầu về các vấn đề quốc phòng, băn khoăn liệu trong giai đoạn 2030-2040, Ấn Độ có trở thành quốc gia nhập khẩu 100% vũ khí hay không.

"Đó là suy nghĩ đáng buồn đối với một cường quốc tham vọng", ông Bakshi nói, "chúng ta cần nội địa hóa một cách mạnh mẽ, không chỉ để tự chủ chiến lược, mà còn ví lý do kinh tế. Chúng ta cần thiết lập và đẩy mạnh mối quan hệ đối tác nhà nước-tư nhân trong lĩnh vực quốc phòng".

Không phải Ấn Độ thiếu kỹ năng hay công nghệ. Nhiều thập kỷ qua cho thấy nước này chỉ đơn giản là thiếu ý chí.

Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị của Ấn Độ - đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony - thể hiện sự thiếu quyết tâm trong việc ra quyết định thì "người hàng xóm thất bại" Pakistan đã xuất khẩu các loại vũ khí cỡ nhỏ và thiết bị quân sự cấp thấp tới khoảng 30 quốc gia trên thế giới.

Mặc dù vậy, Pakistan vẫn là một đối thủ nhỏ, điều mà Ấn Độ cần là đạt tới mức ngang bằng và có thể cạnh tranh với ngành xuất khẩu vũ khí đang lớn mạnh của Trung Quốc và sức nặng chính trị đi kèm theo nó.

Về lâu dài. các thỏa thuận quốc phòng có xu hướng trói buộc bên mua và bên bán vào một vòng tròn địa chính trị mà có thể dẫn tới những hệ quả về kinh tế và chính trị cho cả 2 phía. Nếu như không nhằm ngăn chặn tình trạng "chảy máu" ngân sách thì New Delhi cũng cần khẩn trương tăng cường xuất khẩu vũ khí để đánh bại các đối thủ của họ.

Chiến lược "Make in India"

Tin tức khá tốt là Thủ tướng Narendra Modi đang thúc đẩy chính sách "Make in India". Theo đó, Ấn Độ sẽ tự chủ hơn trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Năm 2014, khi có mặt trên INS Vikramaditya - tàu chiến lớn nhất của Ấn Độ, ông Modi đã nhấn mạnh rằng New Delhi nên hướng tới mục tiêu xuất khẩu vũ khí.

"Các quốc gia nhỏ nên cảm thấy an tâm rằng họ có trang thiết bị quốc phòng do Ấn Độ sản xuất" - ông Modi nói.

Mặc dù trước thời điểm ông Modi đưa ra tuyên bố trên, một số dự án quốc phòng đã được tiến hành thông qua mối quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và các nhà sản xuất nước ngoài nhưng trên thực tế, chương trình "Make in India" (hay còn có tên khác là Make by India) đang hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Lần đầu tiên các tập đoàn hàng đầu Ấn Độ như Reliance, vẫn còn mù mờ về quốc phòng, đã nhận ra rằng họ có thể kiếm được bộn tiền trong lĩnh vực này.

Chẳng hạn, công ty con Reliance Defence (do ông Anil Ambani làm chủ tịch) đã được cấp tới 12 giấy phép để sản xuất máy bay, trực thăng, phương tiện không người lái, phương tiện chiến đấu trên mọi địa hình, thiết bị nhìn đêm, cảm biến, thiết bị dẫn đường và trinh sát, các hệ thống đẩy và mô phỏng.

Trong nhiều thập kỷ tới, có thể mong chờ các hệ thống chiến đấu lớn được sản xuất tại Ấn Độ, giúp nước này giảm đáng kể mức nhập khẩu.

Xu hướng mới của Nga

Nga hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Từ giai đoạn 2007-2011 đến giai đoạn 2012-2016, sản lượng xuất khẩu vũ khí Nga trên toàn cầu đã tăng 4,7%. Nếu phân chia theo khu vực thì Châu Á và châu Đại Dương chiếm 68% tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2012-2016, châu Phi - 12%, Trung Đông - 8,1% và châu Âu - 5,9%.

Ngoài nỗ lực xuất khẩu tới khách hàng truyền thống Ấn Độ, Nga đang có xu hướng tiến sang các thị trường trước đây từng đóng cửa với vũ khí Nga. Đặc biệt, Moscow đang tìm cách mở rộng thị trường vùng Vịnh, vốn được định là địa bàn riêng của Mỹ.

Quyết định tìm cách thu hút các "đại gia" dầu mỏ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc chỉ mua những mặt hàng thật sự cần thiết từ Moscow, còn Ấn Độ đang bắt tay thực hiện chương trình "Make in India".

Trong khi ngân sách quốc phòng của nhiều quốc gia đang giảm sút thì ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia lại ước tính tăng lên đến 87 tỷ USD vào năm 2020 và mức chi tiêu quốc phòng của UAE dự kiến sẽ tăng lên đến 17 tỷ USD cũng trong giai đoạn này.

UAE đang để mắt tới máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35 của Nga

Hôm 20/2, tại triển lãm quốc phòng quốc tế IDEX diễn ra ở Abu Dhabi, công ty quốc phòng nhà nước Rostec (Nga) thông báo sẽ hợp tác với UAE để phát triển một mẫu máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ 5. UAE đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-35 Super Flanker do Nga chế tạo.

Các quan chức UAE thông báo nước này dự kiến chi tới hơn 5,1 tỷ USD cho các thỏa thuận vũ khí tại triển lãm này.

Bên cạnh đó, trong một buổi họp báo, Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov cho biết Saudi Arabia đang quan tâm tới các hệ thống vũ khí trên bộ và máy bay do Nga sản xuất.

Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga (FSMTC) tiết lộ rằng nước này đang đàm phán với Saudi Arabia về khả năng chuyển giao nhiều loại vũ khí và khí tài quân sự.

"Chúng tôi đang tiến hành các cuộc đàm phán với vương quốc này. Chúng tôi sẵn sàng phát triển mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự trên quy mô toàn diện. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ thu được kết quả tích cực" - Phó giám đốc FSMTC Alexei Frolkin nói với hãng thông tấn Interfax.

Một thành công nữa của ngành công nghiệp quốc phòng Nga là nhà sản xuất vũ khí Kalashnikov đã có doanh số tăng gấp đôi trong năm qua.

Thị trường Trung Đông là yếu tố chủ lực dẫn tới mức tăng đột biến trên. Nhu cầu của khu vực này đối với súng trường Kalashnikov, tên lửa, máy bay không người lái và xe quân sự đã bù đắp cho những thiệt hại mà công ty này gặp phải do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Duy trì cuộc chơi trên thị trường Ấn Độ

Mặc dù đa dạng hóa thị trường là điều cần thiết nhưng trên thực tế, không có thị trường vũ khí nào ngoài top 3 (Mỹ, Nga, Trung Quốc) lớn hơn Ấn Độ.

Nga có thể đưa thêm vào danh mục xuất khẩu các loại vũ khí không gian, hoặc vũ khí có giá trị gia tăng mà Ấn Độ vẫn chưa sản xuất được. Moscow vẫn là nhà cung cấp vũ khí ưa thích của Ấn Độ nếu làm đúng như thế.

Đơn hàng xuất khẩu lớn đầu tiên của Nga sang Ấn Độ là các máy bay chiến đấu MiG-21, tốc độ Mach 2. Mẫu tiêm kích này đã thay đổi cán cân sức mạnh trên bầu trời khu vực. Do Ấn Độ không có đủ kinh phí mua máy bay, Moscow đã đề nghị gói hỗ trợ tài chính, cho phép chi trả qua nhiều thập kỷ.

MiG-21 cũng là loại vũ khí đầu tiên được Nga cấp phép sản xuất cho một quốc gia đang phát triển, sau này là tàu chiến, tên lửa siêu thanh...

Nga có thể thu lợi từ thất bại của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ bao lâu nữa? - Ảnh 3.

Tên lửa BrahMos do Nga-Ấn hợp tác phát triển.

Do Ấn Độ đang chuẩn bị chế tạo các loại vũ khí tầm trung và máy bay chiến đấu hạng nhẹ nên Moscow cần chào hàng những loại vũ khí khác như tàu ngầm siêu êm ái lớp Yasen, hệ thống phòng thủ tên lửa S-500, phương tiện siêu vượt âm trong không gian, pháo điện từ dành cho phòng thủ trên hạm hoặc trên bờ, cùng các loại vũ khí bí mật khác mà Nga thiết kế.

Nền tảng công nghiệp của Ấn Độ mới ở gần cấp độ của các quốc gia tiên tiến và nước này có thể phải mất thêm vài thập kỷ nữa mới bắt kịp được. Vì thế, Nga sẽ còn nhiều năm nữa để duy trì cuộc chơi trên thị trường này.

***Bài viết là quan điểm riêng của nhà báo - chuyên gia phân tích các vấn đề ngoại giao Rakesh Krishnan Simha (tại New Zealand), dựa trên số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại