Tập đoàn Máy bay Hợp nhất của Nga có 5 loại máy bay chiến đấu riêng biệt đang được sản xuất hàng loạt để đáp ứng các yêu cầu của kế hoạch trang bị vũ khí nhà nước hiện tại của nước này.
Chúng bao gồm ba tiêm kích hạng nặng là Su-57, Su-35 và Su-30SM, máy bay chiến đấu tấn công chuyên dụng Su-34 và nền tảng hạng trung MiG-35.
Tất cả các máy bay này sẽ vẫn được sản xuất hàng loạt cho đến khi chương trình vũ khí trang bị hiện tại kết thúc vào năm 2027, với khoảng 80 chiếc mỗi loại được đặt hàng, ngoại trừ MiG-35 hướng đến xuất khẩu đang được sản xuất ở quy mô nhỏ hơn và Su- 30 đang được sản xuất với số lượng lớn hơn.
Trong số tất cả các máy bay này, chỉ có Su-57 không có nguồn gốc trực tiếp từ thiết kế thời Liên Xô. Su-30, 34 và 35 đều có nguồn gốc từ Su-27 Flanker ra đời vào giữa những năm 1980 và MiG-35 có nguồn gốc từ MiG-29.
Tuy nhiên, sau năm 2027, người ta cho rằng Nga sẽ đầu tư mạnh tay hơn vào các loại máy bay tiên tiến hơn bao gồm cả tiêm kích Su-57.
Loại máy bay này sẽ tích hợp nhiều công nghệ thế hệ thứ sáu tiên tiến hơn như trí tuệ nhân tạo và vũ khí siêu vượt âm, và máy bay đánh chặn MiG-41 đang được được thiết kế như một nền tảng thế hệ thứ sáu.
Trong trường hợp này, các câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến cách Nga sẽ quản lý bốn dây chuyền sản xuất các thiết kế "thế hệ 4+" và "thế hệ 4 ++" như thế nào. Cụ thể là dây chuyền Su-30 và Su-35 chẳng hạn.
Mặc dù Không quân Nga có thể sẽ trang bị Su-57 với tốc độ nhanh hơn so với chỉ tiêu trong Kế hoạch trang bị vũ khí nhà nước tiếp theo, nhưng người ta cho rằng Nga vẫn có nhu cầu đáng kể đối với các thiết kế thế hệ thứ tư được cải tiến, vốn ít tốn kém hơn đáng kể cả trong chế tạo lẫn vận hành và có tiềm năng được nâng cấp với nhiều công nghệ thế hệ tiếp theo.
Theo Military Watch, cần lưu ý rằng ngành công nghiệp hàng không quân sự của Nga đã phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và trong khi bản thân Nga có thể định hướng lại việc mua máy bay thế hệ thứ sáu thì phần lớn các đơn đặt hàng xuất khẩu của họ có thể vẫn dành cho thế hệ thứ tư tiên tiến như Su-30 hoặc MiG-35 do chi phí thấp hơn.
Trong trường hợp này, vẫn có khả năng rất lớn là Nga sẽ tìm cách hợp nhất dây chuyền sản xuất máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35, những thiết kế máy bay chiến đấu có nhiều nét tương đồng nhất đang được sản xuất.
Nhiều nguồn tin chính thức đã đề cập nhiều dấu hiệu cho thấy điều này có thể xảy ra.
Nếu điều này xảy ra, không chỉ việc sản xuất sẽ hiệu quả hơn đối với cả hai thiết kế mà còn cho phép công nghiệp quốc phòng của Nga tập trung nhiều hơn vào các chương trình Su-57 và MiG-41 mà không cần chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất máy bay dòng Flanker, đồng thời sẽ cho phép nâng cấp để thiết kế Su-30/35 được thực hiện dễ dàng hơn.
Mặc dù kích thước của Su-35 và Su-30 về cơ bản là giống nhau, nhưng Su-35 là mẫu máy bay đắt tiền hơn có động cơ AL-41 hiện đại và mạnh mẽ hơn, tiết diện phản xạ radar nhỏ hơn nhiều do thiết kế khung máy bay mới hơn, sử dụng tỷ lệ vật liệu composite cao hơn để bền và nhẹ hơn, tích hợp bộ cảm biến mạnh hơn.
Su-30SM rẻ hơn đáng kể, nhưng có cấu hình hai ghế tiêu chuẩn và hoàn thiện hơn với vai trò một máy bay đa nhiệm có thể thực hiện các nhiệm vụ không đối đất và chống hạm - với ghế thứ hai dành cho một sĩ quan điều khiển hệ thống vũ khí.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy hai dây chuyền máy bay chiến đấu này có thể được hợp nhất thành một lớp máy bay chiến đấu duy nhất, có cả biến thể một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi và Su-30 sẽ được hưởng lợi từ nhiều công nghệ mới trên Su-35.
Đáng chú ý nhất là radar Irbis-E của Su-35 và động cơ AL-41, vốn đã được cung cấp để xuất khẩu cho các khách hàng sử dụng Su-30 để nâng cấp máy bay chiến đấu của họ lên tiêu chuẩn tương tự như Su-35.
Theo kế hoạch trong tương lai, tất cả các máy bay chiến đấu Su-30 trong Không quân Nga, và rất có thể là các máy bay chiến đấu Su-27 cũ không còn được sản xuất, cũng sẽ được trang bị động cơ AL-41 của Su-35 - cho phép Lực lượng Không quân Nga vận hành cả ba lớp máy bay chiến đấu với một loại động cơ hiện đại hơn.