Theo bài viết nhan đề "тоит ли поставлять Су-35? Как Индонезия бросает партнеров - Có nên bán Su-35? Indonesia chối bỏ các đối tác như thế nào?" đăng trên trang warfiles.ru, đề tài này thu hút sự chú ý vì Mỹ phản đối kịch liệt bản hợp đồng nêu trên do muốn dùng mọi cách để gạt Moscow khỏi thị trường vũ khí quốc tế.
Tuy nhiên, căn cứ vào những tuyên bố mới nhất phát đi từ Jakarta, phía Indonesia không định khuất phục trước Washington bất chấp bị đe dọa trừng phạt.
Nhưng Nga có nên thực hiện bản hợp đồng bán tiêm kích Su-35 cho Indonesia hay không vì cách hành xử thiếu trách nhiệm của chính phủ nước này đối với các đối tác của mình?
Hôm 22/10/2018, Hàn Quốc tuyên bố rằng dự án nghiên cứu chế tạo chiếc máy bay tiêm kích KF-X phối hợp triển khai cùng với Indonesia đang vận hành tối đa công suất.
Tuy nhiên cần phải làm rõ sự đóng góp của quốc gia này vào dự án nói trên. Jakarta đáng lẽ phải đóng một khoản tiền tương đương gần 200 triệu USD theo thỏa thuận được ký vào năm 2014, từ tổng giá trị 7,9 tỷ USD của dự án Indonesia phải gánh 20% chi phí phục vụ cho hoạt động nghiên cứu chế tạo chiếc máy bay mới.
Máy bay KF-X
Tuy nhiên, hôm 19/10, một quan chức cấp cao của Indonesia tuyên bố rằng đất nước của ông mong muốn các điều kiện tài chính "nhẹ nhàng hơn". Điều này đẩy gánh nặng chi phi lên phía Hàn Quốc và có thể gây ra những tranh chấp trong tương lai.
Cơ quan mua sắm vũ khí của Hàn Quốc chia sẻ rằng, bất chấp quyết định tiếp tục nghiên cứu chế tạo KF-X, Indonesia không thanh toán một phần chi phí của mình cho giai đoạn từ nửa cuối năm 2017 cho đến nửa đầu năm 2018.
Jakarta lý giải sự cần thiết phải thay đổi các điều kiện tài chính do nỗ lực giữ giá đồng nội tệ, vì thế ít sử dụng dự trữ ngoại hối hơn.
Theo giải thích của một trong những lãnh đạo Bộ Tài chính nước này, chính phủ quyết định tạm dừng thanh toán tiền cho hoạt động nghiên cứu chế tạo chiếc máy bay tiêm kích giai đoạn năm 2017 để "tiếp tục xem xét" vấn đề này.
Người đứng đầu Hội đồng Đầu tư Indonesia, ông Tom Lembong thông báo rằng Jakarta có thể cố gắng điều chỉnh tỷ lệ tham gia của mình trong dự án, số lượng máy bay sẽ mua cho quân đội, lộ trình bàn giao và điều kiện bán lại chiếc máy bay này.
Tuy nhiên theo ông Lenbong, Indonesia vẫn chịu trách nhiệm mua 48 chiếc máy bay tiêm kích.
Antara (một hãng thông tấn địa phương), căn cứ vào nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Indonesia, đưa tin hồi tháng 5 năm nay rằng Indonesia không được phép bán các máy bay này cho quốc gia khác hoặc sản xuất phụ tùng của chúng trong nước.
Tiêm kích Su-35 trình diễn tại Triển lãm MAKS-2017