Nga bắt tay khai thác mỏ đồng lớn nhất nước
Đầu tháng 9/2023, Reuters cho biết Nga bắt tay vào hoạt động khai thác và sản xuất tinh quặng đồng tại mỏ đồng chưa được phát triển lớn nhất của Nga - Mỏ Udokan.
Mỏ này ở Zabaykalsky Krai, trong khu vực giữa Thái Bình Dương ở phía đông và hồ Baikal ở phía tây. Với trữ lượng ước tính khoảng 26,7 triệu tấn đồng, mỏ Udokan là mỏ đồng lớn nhất của Nga và là một trong những mỏ đồng chưa khai thác lớn nhất thế giới, Udokancopper.ru thông tin.
Mỏ đồng Udokan lớn nhất của Nga. Ảnh: 2CAD
Mỏ Udokan được các nhà địa chất Liên Xô phát hiện khi khám phá Uranium ở vùng Zabaykalsky Krai ở Siberia vào năm 1949, nhưng công việc cần thiết để phát triển mỏ không thể được thực hiện trong hơn 70 năm. Một phần vì chưa có công nghệ để khai thác loại quặng độc đáo này.
Hơn nữa, vị trí xa xôi của mỏ khiến việc phát triển mỏ gặp nhiều thách thức do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nơi nhiệt độ xuống tới -50 độ C.
Vào những năm 1970, một sinh viên tại Viện Mỏ Moscow đã nghiên cứu ý tưởng về một vụ nổ hạt nhân "sạch" để khai thác quặng ở Udokan, nhưng ý tưởng đó vẫn nằm trên giấy.
Mỏ đồng lớn nhất của Nga nằm tại khu vực lạnh giá khắc nghiệt, nơi nhiệt độ xuống tới -50 độ C. Ảnh: Im-Mining.com
Trở lại năm 2023, dưới sự theo dõi của Tổng thống Nga Putin qua video, công ty Udokan Copper LLC cho biết sẽ triển khai hoạt động sản xuất đồng tại mỏ qua 2 giai đoạn.
Khi giai đoạn đầu tiên của nhà máy luyện kim được khởi động vào năm 2024, công ty có thể xử lý tới 15 triệu tấn quặng mỗi năm, với sản lượng hàng năm lên tới 135.000 tấn đồng ở dạng đồng cathode và đồng cô đặc.
Udokan Copper LLC cho biết thêm rằng, nhà máy chế biến tại mỏ Udokan sẽ sản xuất tinh quặng đồng sunfua với hàm lượng kim loại 40-45%.
Giai đoạn đầu tiên của dự án khai thác và chế biến đồng tại mỏ Udokan dự kiến tiêu tốn khoảng 2,8 tỷ USD.
Đến năm 2028, công ty có kế hoạch xây dựng giai đoạn thứ hai của tổ hợp khai thác và luyện kim, nâng công suất hàng năm lên 24–28 triệu tấn quặng và lên tới 450.000 tấn đồng nhằm phục vụ xuất khẩu, Reuters thông tin.
Nhà đầu tư chiến lược Udokan Copper LLC (trước đây gọi là Công ty khai thác mỏ Baikal) được thành lập năm 2008 nhằm phát triển mỏ đồng Udokan tại huyện Kalar thuộc vùng Trans-Baikal của Nga.
Nhận xét về các điều kiện khắc nghiệt trong khu vực, Kỹ sư trưởng Tổ hợp công nghệ Udokan, Olga Bobina, nói rằng sự phát triển công nghệ và phân tích địa chấn sẽ đảm bảo việc thực hiện dự án - vốn không có sẵn trong thời kỳ Liên Xô.
"Chúng tôi hiện đang chờ mỏ đi vào hoạt động và rất hào hứng về điều đó" - Ông Olga Bobina nói.
Thời đại Đồng mới - Kim loại của tương lai
Udokancopper.ru cho biết, đồng là kim loại không thể thiếu, thúc đẩy sự tiến bộ mang tính cách mạng trong lịch sử loài người. Thời đại đồ đồng, thời kỳ gia công kim loại sớm ở Âu-Á, đã khai sinh ra ngành luyện kim.
Nhờ có tính dẫn điện và nhiệt cao, khả năng chống ăn mòn và độ bền cao nên đồng có nhu cầu ngày càng lớn, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Ngày nay, các nhà khoa học gọi giai đoạn phát triển hiện đại của ngành là Thời đại Đồng mới.
Nghiên cứu của Tập đoàn S&P Global (Mỹ) cho thấy nhu cầu đồng toàn cầu sẽ đạt 50 triệu tấn vào năm 2035, khi thế giới thực hiện các bước hướng tới mục tiêu không phát thải để giảm ô nhiễm. Vì vai trò của nó trong việc phát triển năng lượng xanh, đồng còn được gọi là kim loại của tương lai.
Đồng đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng xanh. Ảnh: PM Today
Đồng đang tỏ rõ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực:
Viễn thông: Đồng đã và sẽ luôn là động lực thúc đẩy những thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực viễn thông. Từ điện thoại đến liên kết máy tính tốc độ cao, công nghệ vệ tinh và truyền thông không dây đều cần đồng.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Đồng là kim loại không thể thiếu trong xây dựng. Nó là kim loại quan trọng nhất được sử dụng trong sản xuất dây diện, vật liệu xây dựng...
Đồng có độ dẫn điện và dẫn nhiệt cao nhất trong số tất cả các kim loại và được sử dụng rộng rãi trong ngành năng lượng.
Công nghệ xanh và ít carbon: Đồng quan trọng đối với năng lượng tái tạo hơn là đối với các nhà máy điện truyền thống.
Cường độ sử dụng đồng trong năng lượng tái tạo cao gấp 4-6 lần so với các nhà máy điện hạt nhân và than. Hệ thống năng lượng điện gió và Mặt trời sử dụng nhiều đồng nhất trong số tất cả các công nghệ năng lượng tái tạo.
Xe điện: Các nhà sản xuất xe điện chở khách sẽ cần hơn 3,7 triệu tấn đồng mỗi năm từ năm 2040.
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: Đồng là nguyên tố vi lượng quan trọng cho sự phát triển bình thường của động vật và thực vật bậc cao. Nó tăng tốc các quá trình hóa học trong tế bào. Đồng cũng là một chất kháng khuẩn tự nhiên.
Vào năm 2008, đặc tính kháng khuẩn của bề mặt đồng đã được Mỹ chính thức công nhận. Và vào năm 2009, hiệu quả của đồng và hợp kim của nó đã chứng minh trong việc vô hiệu hóa virus cúm A/H1N1.
Nguồn: Reuters, Udokan Copper, AA.com.tr