Robot chiến đấu Uran-9 thất bại ở Syria
Theo ông A.P. Anisimov - Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương số 3 - Bộ Quốc phòng Nga, robot chiến đấu Uran-9 đã bị ghi nhận là có một danh sách dài những khuyết điểm nghiêm trọng vừa mới bộc lộ khi thử nghiệm trong môi trường tác chiến khắc nghiệt ở Syria.
Mặc dù được kỳ vọng là trong tương lai sẽ thay thế được người lính trên chiến trường nhưng dường như đây là thất bại khá nghiêm trọng khi robot chiến đấu Uran-9 đã không thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao như tầm chiến đấu hạn chế, chỉ từ 300-500m, nhiều lần kíp chiến đấu mất điều khiển, không thể kết nối được với tổ hợp này.
Đồng thời, pháo tự động 2A72 cỡ nòng 30mm hoạt động không như mong muốn, nhiều lần "câm nín" dù đã được lệnh khai hỏa.
Những lỗi nghiêm trọng này đã khiến cho khả năng thực hiện nhiệm vụ của robot chiến đấu Uran-9 bị ảnh hưởng lớn. Vậy Nga có mảy may lo ngại về những sự cố này?
Robot chiến đấu Uran-9 trong quá trình thử nghiệm.
Kịch hay vẫn còn ở phía trước
Những lỗi kỹ thuật được đánh giá là nghiêm trọng kể trên của robot chiến đấu Uran-9 liệu có khiến các nhà khoa học Nga lo sốt vó, nhất là sau khi bay về từ chiến trường Syria, Uran-9 đã ngạo nghễ hiện diện trong Lễ diễu binh mừng chiến thắng Phát xít 09/05/2018 ở Quảng Trường Đỏ?
Xin thưa, không hề có chuyện đó. Chính việc Uran-9 bộc lộ những lỗi nghiêm trọng khi tác chiến trong môi trường khốc liệt ở Syria lại khiến các kỹ sư chế tạo vui mừng nhiều hơn là lo lắng.
Bởi lẽ, trên thực tế Uran-9 vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo, chưa vượt qua thử nghiệm cấp nhà nước - cấp cao nhất để chính thức được phê duyệt đưa vào sản xuất hàng loạt nhằm trang bị cho Quân đội Nga.
Vì thế, Uran-9 cũng như nhiều loại vũ khí trang bị thế hệ mới khác mà công nghiệp quốc phòng Nga mới cho ra đời gần đây đã được đưa sang tham chiến ở Syria nhằm đánh giá tính năng, tiếp tục thử nghiệm nhằm phát hiện những lỗi, hỏng để khắc phục hoặc cải tiến hoàn thiện tính năng. Đây là việc làm nghiêm túc và bài bản, bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập.
Trong những loại vũ khí mới Nga đưa sang tham chiến ở Syria có thể thấy nổi bật nhất là tiêm kích tàng hình Su-57 - loại chiến đấu cơ thế hệ 5 "gia bảo". Dù chỉ thời gian lưu lại tại Syria rất ngắn nhưng 2 chiếc Su-57 đã kịp tham gia nhiều bài thử nghiệm bao gồm cả phóng tên lửa hành trình tấn công vào các mục tiêu của phiến quân.
Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga thử nghiệm ở Syria.
Nếu không cầu thị, chắc chắn Nga sẽ không mạo hiểm đưa Su-57 cũng như nhiều loại vũ khí mới khác sang Syria (trong đó có Uran-9) để rồi nếu chẳng may xảy ra sự cố thì sẽ bị phương Tây bêu riếu, ảnh hưởng đến không chỉ hình ảnh của quân đội Nga mà còn tới tiềm năng xuất khẩu của chính những vũ khí, khí tài ấy.
Robot chiến đấu Uran-9 trong quá trình thử nghiệm.
Việc chính thức thừa nhận Uran-9 còn nhiều lỗi nghiêm trọng cho thấy Nga không bằng mọi giá khen vũ khí của mình lên mây, mà rất cầu thị trong việc nhận ra những sai lầm và công khai thay vì che giấu, để rồi từ những dữ liệu hết sức hữu ích đó sẽ tiến hành khắc phục, tối ưu hóa tính năng chiến đấu.
Chả thế mà, sau khi robot chiến đấu Uran-9 chính thức ra mắt tại buổi lễ trọng đại trên Quảng Trường Đỏ, nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm Dave Majumdar của tờ The National Interest đã dẫn đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ và bình luận rằng Uran-9 chưa có đối thủ cạnh tranh ở phương Tây.
Ông cũng nhấn mạnh, mặc dù Mỹ đã tiến hành nghiên cứu chế tạo phương tiện chiến đấu không người lái đã 20 năm nay nhưng để đạt được đến đẳng cấp như Uran-9 thì còn lâu mới bằng, bất chấp nhiều công nghệ trang bị cho nó vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Mặc dù thực tế chiến đấu ở chiến trường khốc liệt Syria không như mong đợi nhưng rõ ràng người Nga đã đi trước người Mỹ một bước trong lĩnh vực chế tạo phương tiện chiến đấu không người lái có uy lực chiến đấu cao và Uran-9 chính là "sứ giả của tương lai" như đánh giá của nhà nghiên cứu Dave Majumdar.
Thật vậy, ngày tháng còn dài, một mai kia khi những lỗi kể trên được khắc phục, Uran-9 sẽ chính thức ra mắt và trở thành một "sát thủ không biết sợ" trên mọi chiến trường.
Một số tính năng cơ bản của Uran- 9:
Kích thước: Dài 5,1 m, rộng 2,53m, cao 2,5m. Nặng 10 tấn
Vũ khí bao gồm: 1 pháo chính 2A72 cỡ nòng 30mm, 1 súng máy song song 7,62mm và 6 ống phóng đạn nhiệt áp Shmel-M có tầm bắn đến 1.700mét, sức công phá tương đương đạn pháo cỡ 152mm.
Trong các nhiệm vụ đặc biệt, Uran-9 có thể trang bị đạn tên lửa chống tăng Ataka 9M120 để tấn công các mục tiêu tăng thiết giáp của đối phương ở khoảng cách 400 mét đến 6 km.
Bên cạnh đó, trên Uran-9 còn có 2 hệ thống tên lửa phòng không 9S846 Strelets MANPADS (mỗi hệ thống lắp 3 quả tên lửa 9K33 Igla).
Bộ QP Nga công bố video giới thiệu khả năng chiến đấu của Uran-9