"Bắt đầu từ tháng 4 này, chúng tôi bắt đầu khôi phục dây chuyền hàng chùm hạt electron để lắp ráp khung thân máy bay Tu-160 phiên bản nâng cấp", ông Yuri Slyusan, giám đốc KAZ cho biết. Trước đó, dây chuyền lắp ráp Tu-160 đã tạm dừng từ năm 2008.
Liên quan tới việc khôi phục dây chuyền lắp ráp máy bay Tu-160, ông Y. Slyusan nhấn mạnh, phiên bản mới của dòng máy bay ném bom tầm xa này cần một quy trình lắp ráp hoàn toàn mới. Để đáp ứng yêu cầu này, trong thời gian tới, khoảng 40% trang bị máy móc của KAZ sẽ được nâng cấp.
"Đây là điều cần thiết để tăng cường khả năng hoạt động của KAZ với yêu cầu chế tạo dòng máy bay tinh vi như Tu-160", ông Y. Slyusan nói.
KAZ hiện là nơi thực hiện quy trình nâng cấp và đại tu các đơn vị máy bay Tu-160 và Tu-22M3 của Không quân Nga.
Máy bay ném bom Tu-160
Từ các thông tin công khai, Tu-160M2 là phiên bản gần như mới hoàn toàn của dòng máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Tu-160M2 sẽ chỉ sử dụng thiết kế khung vỏ của phiên bản T-160 gốc và được trang bị hệ thống điện tử trên khoang thế hệ thứ 5, trong đó có các hệ thống đối kháng điện tử và điều khiển vũ khí hoàn toàn mới.
Hiện tại, nhiều thành phần điện tử dự kiến trang bị trên máy bay Tu-160M2 đang được thử nghiệm trên các nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA.
Theo chiến lược dài hạn, Không quân chiến lược Nga dự kiến sử dụng hai dòng máy bay ném bom chính là máy bay Tu-160M2 và máy bay ném bom thế hệ mới thuộc dự án PAK DA đang được phát triển.
Không quân Nga dự kiến sẽ mua ít nhất 50 máy bay Tu-160M2 trong tương lai.
Không quân Nga bắt đầu trang bị máy bay ném bom siêu âm Tu-160 từ năm 1987. Với trọng tải cất cánh đạt 275 tấn, Tu-160 có thể chở theo tới 40 tấn vũ khí và đạt tốc độ bay tối đa khoảng 2.000 km/h.
Dòng máy bay ném bom tầm xa của Nga được thiết kế với phổ nhiệm vụ rộng từ việc mang bom thông thường tới các loại bom, tên lửa dẫn hướng chính xác (có khả năng mang vũ khí hạt nhân). Khi mang tên lửa hành trình Kh-55 hoặc tên lửa đạn đạo hỗn hợp Kh-15, tầm bắn của Tu-160 có thể bao quát được nhiều vị trí.