Không quân Ukraine thừa kế kho báu thời Liên Xô
Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, một lượng lớn máy bay chiến đấu và máy bay vận tải cùng trực thăng quân sự hiện đại nằm trên lãnh thổ Ukraine đã trở thành tài sản thừa kế của Không quân nước này.
Hàng trăm máy bay chiến đấu từ loại tương đối cũ như MiG-23, MiG-25 cho tới những loại hiện đại hơn là Su-27 và MiG-29 đã được Không quân Ukraine tiếp nhận, khai thác sử dụng.
Đặc biệt, họ còn nắm trong tay một lượng lớn máy bay ném bom chiến lược Tu-160 "Thiên Nga trắng", Tu-95 "Gấu" và máy bay ném bom tầm xa Tu-22M.
Trong đó, Không quân Ukraine thừa kế nguyên vẹn Trung đoàn không quân cận vệ ném bom hạng nặng số 184 (thuộc Sư đoàn Không quân ném bom hạng nặng số 201) trang bị máy bay ném bom chiến lược Tu-160 khi đó đang đồn trú tại căn cứ sân bay Pryluky.
Song, do gặp quá nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế, Không quân Ukraine không thể duy trì một lực lượng lớn, buộc phải cắt giảm cả quân số lẫn vũ khí trang bị, kể các các máy bay ném bom chiến lược tầm xa.
Đầu những năm 1990, Nga muốn mua lại toàn bộ các máy bay Tu-160 và Tu-95 này và Ukraine đã đưa ra cái giá 3 tỷ USD, Moscow chê đắt, và thế là thương vụ đi vào bế tắc. Tháng 4/1998, Kiev đã quyết định phá dỡ các máy bay ném nom chiến lược tầm xa Tu-160 để... bán sắt vụn.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-160 khi còn trong biên chế Không quân Ukraine trưng bày ở Poltava.
Tuy nhiên đến năm 1999, gần như ngay lập tức sau khi NATO tấn công Nam Tư, Nga lại đặt vấn đề với Ukraine để mua lại 8 chiếc T-160 và 3 chiếc Tu-95MS sản xuất năm 1991 (đây là những máy bay được đánh giá là còn ở trong tình trạng kỹ thuật tốt nhất do được chế tạo ngay trước khi Liên Xô sụp đổ) kèm theo đó là 575 tên lửa Kh-55MS.
Bí tiền, Ukraine đành phải đồng ý bán cho Nga số vũ khí "khủng" này với giá chỉ có 285 triệu USD. Sau đó, một nhóm chuyên gia quân sự Nga đã tới Ukraine vào ngày 20/10/1999 để chuẩn bị tiếp nhận. Trong khoảng từ tháng 11/1999 tới tháng 2/2001, toàn bộ các máy bay đã về Nga an toàn. Trong đó có 1 chiếc từng tham gia trưng bày ở Poltava.
Sau hơn 25 năm kể từ khi Liên Xô tan ra, dù được thừa kế một lượng lớn vũ khí trang bị và có quân số lúc đó lên tới 67.000 người, tới nay, lực lượng Phòng không - Không quân Ukraine đã giảm xuống mức 36,300 người và duy trì 144 máy bay, tuy nhiên số còn bay được chỉ có khoảng 80 chiếc mà thôi.
Máy bay chiến đấu và huấn luyện của Không quân Ukraine.
Nga chưa ra tay, Ukraine đã tự dâng Su-27 cho... thần chết
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Kiev và Moscow đã lên đến cực điểm sau khi 3 tàu hải quân Ukraine bị tuần duyên Nga truy đuổi, đâm húc và nã súng rồi bắt sống, dù Nga vẫn giữ được "cái đầu lạnh" thì Ukraine sốt sắng động viên quân dự bị, dồn quân ra biên giới và tăng cường huấn luyện không quân sẵn sàng chiến tranh.
Tuy nhiên, thật đáng buồn là trong lúc nước sôi lửa bỏng như vậy thì quân đội Ukraine lại đang ở trong tình trạng tồi tệ, nhất là không quân. Nhân sự teo tóp, tình trạng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí trang bị ở mức cực thấp, đã thế, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng gầy đây Không quân Ukraine đã mất tới 2 tiêm kích Su-27 hiện đại nhất của mình.
Tiêm kích Su-27UB (bản huấn luyện 2 chỗ ngồi) của Không quân Ukraine.
Vụ việc mới nhất vừ xảy ra hôm 15/12 khiến 1 phi công tiêm kích Su-27 thiệt mạng, máy bay bị phá hủy hoàn toàn. Trước đó, vào ngày 17/10/2018, chiếc Su-27UB rơi trong đợt diễn tập Clear Sky 2018 làm một phi công Ukraine và một phi công Mỹ thiệt mạng.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn này không được tiết lộ nhưng có thể là do lỗi kỹ thuật vì Ukraine không đủ năng lực cũng như tài chính để duy trì chúng ở tình trạng tốt nhất.
Tất nhiên cũng không loại trừ lỗi do con người, bởi phi công chiến đấu Ukraine được đánh giá là có trình độ khá tốt nhưng ít được bay huấn luyện và đôi khi tự tin thái quá nên đã thực hiện những động tác khó, thậm chí vô kỷ luật dẫn tới tai nạn.
Máy bay cường kích Su-25 Ukraine bay thông trường ở độ cao cực thấp, hết sức nguy hiểm.
Như vậy, hiện nay Không quân Ukraine chỉ còn có 16 chiếc tiêm kích Su-27 (thống kê của Flight Global trong báo cáo World Air Forces 2018 hồi đầu năm nay thì Không quân Ukraine có 18 chiếc Su-27 tất cả).
Cũng theo World Air Forces 2018, ngoài 16 Su-27, hiện Không quân Ukraine có 21 tiêm kích MiG-29, 12 máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 và 13 máy bay cường kích Su-25.
Một điều đáng lo ngại với Không quân Ukraine là trong tương lai gần họ có thể mất toàn bộ các máy bay tiêm kích Su-27 và MiG-29 do không tự sản xuất được những loại động cơ dành cho chúng. Nguồn cung cấp duy nhất là Nga thì họ lại đã tự cấm cửa.
Hiện chưa rõ họ sẽ làm cách nào để duy trì được hoạt động của những loại máy bay này. Rõ ràng, chưa cần Nga ra tay, Ukraine đã tự đẩy mình vào thế khó.
Trước là tự tay hủy bỏ toàn bộ tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân, bán sắt vụn máy bay nèm bom chiến lược, nay họ lại tự hủy hoại sức chiến đấu của mình khi liên tiếp để xảy ra tai nạn, máy bay bị phá hủy, phi công vốn mất rất nhiều tiền của để đào tạo cũng thiệt mạng. Đối đấu với Nga ở thời điểm này rõ ràng Ukraine thiệt đơn thiệt kép.
Tiếng là lực lượng đứng thứ 27 thế giới và thứ 7 châu Âu (theo NationMaster), nhưng thực chất Không quân Ukraine chỉ là gã "khổng lồ" đứng trên đôi chân đất sét mà thôi.
Tiêm kích Su-27 Không quân Ukraine bay thấp cực kỳ nguy hiểm.